147 cái chết vì tay chân miệng, trách nhiệm thuộc về ai?

16/11/2011 08:25
Ngọc Quang
(GDVN) - Tại sao Bộ Y tế không vào cuộc ngay lập tức để kiểm chứng biện pháp của TS.Khải?
Nếu chỉ căn cứ trên những số liệu thống kê chưa đầy đủ thì tới lúc này cả nước cũng đã có hơn 87 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM) và 147 trường hợp tử vong mà nguyên nhân xuất phát từ bệnh này. 

Lời hứa xin đi tù, nếu…

Vào ngày 27/10, Báo GDVN đã đăng bài “Tôi xin đi tù nếu không chữa được bệnh chân tay miệng” nêu sự việc TS.Nguyễn Văn Khải công bố trên internet sử dụng Anolyt có thể phòng và điều trị cho trẻ bị TCM. Và kể từ khi TS.Khải công bố thông tin này, mỗi ngày đều có vài chục cuộc điện thoại gọi cho ông nhờ chỉ chỗ xin Anolyt và cách sử dụng.

Đã có hàng trăm người trong số đó xác nhận khỏi bệnh, dù nói gì đi chăng nữa thì sự thật vẫn là sự thật, cho dù có bác sĩ nói rằng bệnh này đa số tự khỏi đi chăng nữa thì những người đã áp dụng phương pháp trên cho con cái của mình vẫn thầm cảm ơn TS.Khải, vì nhờ ông mà họ biết thêm một phương thức cứu chữa. Sau này, họ có thể chủ động sử dụng Anolyt để phòng bệnh TCM cho những đứa con của mình.

Sau nhiều lần tiếp xúc với PV, TS.Khải trước sau vẫn bảo lưu quan điểm tự nguyện xin đi tù nếu không chữa được bệnh TCM. “Tôi rất mừng vì các cháu đã thoát bệnh. Tôi gần 70 tuổi rồi, không nói đùa với tính mạng con người được, đó là thế hệ tương lai của đất nước, là đồng bào của tôi… chỉ có những kẻ lòng dạ xấu xa thì mới nói những điều xằng bậy.

TS Khải: Nếu trẻ không bị ngứa thì sẽ không gãi, không dẫn tới lở loét
TS Khải: Nếu trẻ không bị ngứa thì sẽ không gãi, không dẫn tới lở loét

Biết bao nhiêu người dân nhờ tôi hướng dẫn, có nhiều người tới tận nhà tôi còn cho nước Anolyt không lấy tiền, không một ai trong số đó lại không khỏi, không một ai trong số đó nói xấu gì tôi. Tôi được biết vào tháng 8, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu ngăn chặn không để dịch TCM lây lan. Tôi là một công dân của đất nước và có thấy mình có trách nhiệm nói ra sự thật, đó là tác dụng của Anolyt”.

Mang theo lời thề ấy, TS.Khải đã tự liên hệ làm việc một ngày tại BV Đa khoa tỉnh Ninh Thuận và tạo ra “điều thần kỳ” – theo nhận xét của các bà mẹ có con đang điều trị bệnh TCM ở đây. Ngay cả Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, các nhân viên của bệnh viện và các phóng viên chứng kiến quá trình này cũng đã công nhận hiệu quả tích cực ban đầu mà TS.Khải áp dụng.

Tuy nhiên, vấn đề lên tới đỉnh điểm khi TS.Khải bị “đuổi khéo” khỏi BV Đa khoa tỉnh Ninh Thuận. Hàng nghìn bạn đọc phẫn nộ phản hồi về tòa soạn, trong đó hàng trăm ý kiến nêu cùng suy nghĩ: Tại sao Bộ Y tế không vào cuộc kiểm chứng biện pháp của TS.Khải? Vì sao trong lúc dịch TCM hoành hành khắp cả nước, có một người sẵn sàng “ngồi tù”, đánh đổi cả danh dự của mình để cứu những đứa trẻ, mà các chuyên gia y tế vẫn “im lặng”? Tại sao một ông Tiến sĩ gần 70 tuổi dám nói sẵn sàng ngồi tù mà không một lãnh đạo nào của Bộ Y tế lên tiếng, họ đang né tránh hay đùn đẩy trách nhiệm?

Lạ lùng cách ứng xử của Bộ Y tế

TS.Khải không phải là một quan chức của ngành y tế, cũng không phải bác sĩ, không bị ràng buộc bởi “Lời thề Hyppocrates” (lời thề khi tốt nghiệp của các thầy thuốc trước các vị thần), nhưng ông đã dám thề và đã khiến hàng triệu độc giả quan tâm. Biện pháp mà ông áp dụng cho những đứa trẻ bị TCM đã thành công bước đầu không khỏi khiến dư luận đặt ra những dấu hỏi lớn về lời hứa và trách nhiệm của lãnh đạo của Bộ Y tế cho tới lãnh đạo các Sở Y tế địa phương.

Trong buổi họp về phòng chống dịch chiều 25/10 vừa qua, Bộ trưởng Tiến cho hay: "Một số nước trong khu vực số ca mắc TCM, số tử vong cũng tăng vọt nhưng đã có nước nào công bố dịch đâu mà chúng ta công bố”.

Nói vậy thì có khác nào sức khỏe của những đứa trẻ ở Việt Nam lại phải phụ thuộc vào thông tin dịch bệnh và con số tử vong ở nước khác?

Cũng tại buổi họp báo này, Bà Tiến cho hay: “TCM là bệnh vẫn lưu hành hàng năm, chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi, lây truyền qua bàn tay bẩn nên chúng ta có thể kiểm soát được… Tôi khẳng định là có dịch TCM nhưng xét theo luật hay thực tế thì không ai công bố. Và cũng không có chuyện địa phương giấu vì bệnh thành tích. Ta vẫn có thể khống chế được vì bệnh lây qua đường tay bẩn. Nói thế nhưng chúng ta không được lơ là trước tính mạng của trẻ”.

Đọc những thông tin này, dư luận đã yên tâm hơn phần nào. Vậy mà chỉ chưa tới một tháng sau tuyên bố đanh thép đó, đã có thêm gần 7 nghìn trường hợp nữa mắc TCM và cũng chết thêm 6 người.

Bộ trưởng Tiến còn nói rằng: “Các nước xung quanh cũng có dịch TCM với tỷ lệ tử vong cao 10 -30% nhưng không ai công bố…”. Vậy phải chăng, với hơn 87 nghìn trường hợp đã mắc bệnh ở nước ta, nếu có chết từ 8 - 26 nghìn người thì cũng không cần công bố dịch (tương đương với 10-30%), thưa Bộ trưởng?

Số ca mắc TCM tăng đột biến trong thời gian gần đây
Số ca mắc TCM tăng đột biến trong thời gian gần đây

Có lẽ, không ai nghi ngờ cái tâm của Bộ Y tế với sức khỏe của người dân, nhưng dù thế nào đi chẳng nữa thì chúng ta vẫn có quyền đặt câu hỏi: Bộ Y tế đã áp dụng những biện pháp phòng chống dịch thế nào mà chỉ sau hơn 2 tháng (kể từ khi có công điện của Thủ tướng Chính phủ), số ca mắc TCM đã tăng hơn gấp đôi, từ hơn 33 nghìn lên tới 78 nghìn? Cho tới giờ đã có hơn 87 nghìn người mắc TCM khiến người ta không thể không đặt tiếp một dấu hỏi nữa: Phải chăng, Bộ Y tế đang gặp vấn đề với việc phòng chống dịch TCM? Do năng lực yếu kém hay do công tác triển khai ở các tuyến chưa tốt?

Dù là gì đi chăng nữa, thì xét một cách công bằng, Bộ Y tế không thể phủ nhận rằng, để dịch bệnh lây lan tới mức này họ cũng có một phần trách nhiệm. Còn trách nhiệm đó tới đâu thì tự những các lãnh đạo của Bộ này có lẽ cũng đã biết và nhân dân cũng biết, cũng đã đánh giá bằng chính những phản hồi của họ rồi.

Chúng ta không đổ lỗi

Tuy nhiên, người viết bài này đánh giá một cách khách quan rằng, nếu chúng ta cứ đổi lỗi hoàn toàn cho Bộ Y tế thì cũng không đúng. Là cơ quan cao nhất trong ngành y của đất nước, chắc chắn rằng các lãnh đạo của Bộ hay những chuyên gia giỏi nhất cũng rất đau đầu với dịch TCM, chỉ có điều họ chưa thể làm được gì tốt hơn mà thôi.

Vấn đề chúng ta thấy là số người mắc bệnh và bị tử vong năm nay đã nhiều hơn năm ngoái, vẫn còn hơn 1 tháng nữa mới kết thúc năm 2011, và không một ai dám khẳng định sẽ không có thêm trường hợp nào tử vong. Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Tới lúc này chưa có một biện pháp nào thực sự hữu hiệu để ngăn chặn bệnh TCM, vậy năm 2012 sẽ còn bao nhiêu trường hợp mắc bệnh, và bao nhiêu đứa trẻ tử vong?

Một đứa bé bị mất tích tại BV Phụ sản Trung ương thì cả nước dõi theo, nhưng 147 đứa trẻ đã chết vì TCM thì cũng cần hỏi rằng: Trách nhiệm ấy thuộc về ai? Chẳng lẽ chúng ta nghiễm nhiên cho rằng cứ có dịch TCM thì sẽ nhiều trẻ em bị chết? Và chúng ta cho rằng năm nay mới có 147 sinh linh tử vong vì căn bệnh "tay bẩn" là một thành công?

Có lẽ vì cách giải thích lằng nhằng và thiếu thuyết phục của những người có trách nhiệm, nên mặc dù Bộ Y tế đã công bố là giao cho Viện Pasteur Nha Trang nghiên cứu đánh giá phương pháp sử dụng Anolyt với bệnh nhân bị TCM, TS.Khải tỏ ra không tin tưởng: “Tôi chờ đợi, máy điện thoại luôn bật, nhưng không một ai có trách nhiệm ở Bộ Y tế gọi điện cho tôi cả.

Tôi không tin tưởng họ sẽ cho ra một kết quả giống như nghiên cứu của tôi. Cũng là một bát phở, có chỗ nấu ngon, có chỗ nấu dở, thậm chí dở đến nỗi ăn vào là tiêu chảy ngay. Người ta nhầm tưởng cứ cho muối và nước vào máy là tạo ra Anolyt, nhưng cho bao nhiêu, cho như thế nào thì họ tự làm mà không hề hỏi tôi, đó là điều khiến tôi cảm thấy không tin tưởng đánh giá của họ. Tôi không hiểu vì sao họ không gọi cho tôi, có lẽ họ đã biết tác dụng của Anolyt rồi chăng?”.

Ngọc Quang