Thuỳ Dương chia sẻ hành trình để trở thành người chơi hạc cầm ở tuổi 16

05/06/2023 09:39
Trịnh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Làm quen với cây đàn Harp từ năm 13 tuổi, qua thời gian kiên trì khổ luyện, Thùy Dương hiện là một trong những người chơi hạc cầm chuyên nghiệp tại Việt Nam.

Nguyễn Thuỳ Dương (sinh năm 2006 tại Hà Nội) hiện đang theo học hệ đào tạo trung cấp chuyên nghiệp 4 năm chuyên ngành Harp tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2021, em là thủ khoa đầu vào khoa Nhạc cụ phương Tây của trường.

Cuộc gặp gỡ định mệnh với hạc cầm

Lúc 5 tuổi rưỡi, Thuỳ Dương bắt đầu học vĩ cầm (violin) với Nghệ sĩ ưu tú Dương Minh Chính. Anh trai hơn em bốn tuổi cũng từng có thời gian theo học chuyên ngành Piano Jazz tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Em đã được tiếp xúc với nghệ thuật từ sớm một cách tự nhiên như thế.

Hơn ba năm sau, em tiếp tục thử nghiệm với đàn tranh và thi đỗ khoa Âm nhạc Truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Song song với việc trở thành sinh viên chuyên ngành đàn tranh, em vẫn tiếp tục theo học vĩ cầm.

Thuỳ Dương bên cây đàn harp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thuỳ Dương bên cây đàn harp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Việc học cả vĩ cầm và đàn tranh giúp em có cơ hội được tiếp cận với hai dòng nhạc trái ngược nhau - âm nhạc cổ điển phương Tây và âm nhạc truyền thống Việt Nam. Với em, đó là một điều vô cùng may mắn và tuyệt vời”, Thùy Dương chia sẻ.

Trong một lần cùng mẹ đi công tác tại châu Âu, Thuỳ Dương may mắn được ghé thăm một số thành phố nổi tiếng. Sau chuyến đi, kỷ niệm in sâu trong tâm trí em là hình ảnh người nghệ sĩ chơi một cây đàn rất đẹp, có âm sắc ngọt ngào, cuốn hút. Mãi đến sau này, em mới biết đó là hạc cầm.

Ra đời tại Ai Cập vào khoảng 6000 năm trước Công nguyên, hạc cầm hay đàn harp được xem là một trong những loại nhạc cụ lâu đời nhất trên thế giới.

Hình ảnh của cây đàn harp thường gợi lên khung cảnh tráng lệ của cung điện, đền đài, nơi các vị vua chúa, giới quý tộc cổ đại thường tụ tập, vui chơi ca hát. Hạc cầm cũng là biểu tượng quốc gia của đất nước châu Âu Ireland.

Loại đàn này thường xuất hiện trong dàn nhạc giao hưởng hoặc đệm hát trong nhạc thính phòng. Tiếng hạc cầm cuốn hút người nghe bởi sự đa dạng và mềm mại trong âm sắc của giai điệu.

Khi Thùy Dương 13 tuổi, biết thông tin một nhà thơ ở ngoại thành Hà Nội có một cây đàn harp, bố mẹ đã cất công dẫn em đi xem. Giây phút gặp lại cây đàn harp, em biết rằng đây chính là “định mệnh” mà mình muốn theo đuổi và gắn bó.

Cô gái nhỏ ngồi bên cây đàn cả tiếng đồng hồ không muốn rời. Em hoàn toàn bị say đắm khi được chạm tay vào từng sợi dây, ngắm nhìn những chi tiết tinh xảo của cây đàn và lắng nghe thanh âm trong trẻo của nó.

Khi bắt đầu tìm hiểu các thông tin về đàn harp, Thuỳ Dương bất ngờ hơn khi biết được giá trị của một cây đàn. Loại nhạc cụ này đắt đỏ bởi nó cần rất nhiều sự công phu, tỉ mỉ cũng như tay nghề điêu luyện của người thợ chế tác. Một cây hạc cầm giá “bèo” nhất cũng trên dưới chục triệu đồng. Nhưng đó là loại đàn harp ít dây nên bị hạn chế nhiều khi chơi.

Trên thế giới có ba hãng đàn harp nổi tiếng nhất là Lyon & Healy của Mỹ, Camac của Pháp và Salvi của Ý.

Mỗi cây đàn harp chuyên nghiệp của ba hãng này thường có giá từ 15.000 đô la Mỹ trở lên, các cây đàn loại nhỏ hơn dành cho sinh viên cũng trên dưới 3.000 đô la Mỹ.

Còn với đàn harp dành riêng cho buổi hoà nhạc lớn, mức giá có thể lên tới 40.000 đô la Mỹ, tương đương gần 1 tỷ đồng.

Để có một cây đàn harp cho con gái, gia đình em đã mất công tìm kiếm và mua từ nước ngoài gửi về. Khó khăn hơn, những cây đàn harp thường không được sản xuất hàng loạt mà cần phải đặt trước với hãng và mất vài tháng chờ đợi.

“Gia đình không khá giả nên bố mẹ em đã đắn đo rất nhiều. Thế nhưng, khi thấy em đam mê và muốn học đàn harp một cách nghiêm túc, mẹ đã ủng hộ em hết mình”, Thùy Dương tâm sự.

Nhắc đến mẹ, Thuỳ Dương chia sẻ rằng đây là người truyền cảm hứng cho em nhiều nhất. Ngay từ nhỏ, em thường xuyên được mẹ đưa đi tham quan bảo tàng, triển lãm, sự kiện giới thiệu sách và nghe hòa nhạc. Em luôn thích cách mẹ phá bỏ mọi giới hạn của bản thân và hết mình, nghiêm túc với công việc.

Gian nan “tầm sư học đạo” và phút giây tỏa sáng

Có được cây đàn, nhưng việc tìm người dạy cũng không hề dễ dàng. Hiện nay tại Việt Nam, chỉ có Nghệ sĩ ưu tú, Thạc sĩ Mai Ý Nhi, giảng viên Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh là người chơi đàn harp chuyên nghiệp nổi tiếng nhất.

Suốt mùa hè 2019, Thùy Dương đi đi về về giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, ở nhờ nhà người quen để học đàn harp cùng cô Mai Ý Nhi. Bước vào năm học mới, em quay trở lại Thủ đô nhưng vẫn tiếp tục học cùng cô từ xa. Cứ cách 1-2 tháng, em lại bay vào để học trực tiếp.

Hạc cầm là nhạc cụ rất kén người chơi, bởi không chỉ đòi hỏi năng khiếu âm nhạc và sự say mê mà còn cần rất nhiều công sức khổ luyện.

Một cây đàn harp chuyên nghiệp cao tới 1,8m. Khi chơi đàn, người nghệ sĩ cần phải làm chủ đến 47 dây đàn, làm quen với thế đánh treo tay lên, trong khi chân phải điều khiển pedal. Có tất cả 7 pedal tương ứng với 7 nốt nhạc. Riêng việc luyện tập để đạp các pedal sao cho đúng và nhịp nhàng cũng đã rất khó.

Mùa hè năm 2020, một bất ngờ lớn đến với Thùy Dương khi nhạc trưởng Honna Tetsuji - Giám đốc nghệ thuật và chỉ huy của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam phát hiện tài năng của em.

Vị nhạc trưởng này đã cho em cơ hội được ngồi cùng dàn nhạc trong chương trình hòa nhạc lớn “We Return – Chúng tôi đã trở lại”. Đây là chương trình hòa nhạc đầu tiên được tổ chức sau thời gian gián đoạn do sự bùng phát của dịch COVID-19.

Thuỳ Dương (ngoài cùng bên trái) tham gia biểu diễn hòa tấu đàn harp tại chương trình Hòa nhạc Thính phòng tổ chức bởi Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 4/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thuỳ Dương (ngoài cùng bên trái) tham gia biểu diễn hòa tấu đàn harp tại chương trình Hòa nhạc Thính phòng tổ chức bởi Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 4/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm 2021, khi chuẩn bị thi lớp 10, Thuỳ Dương đứng trước hai sự lựa chọn: thi vào lớp chuyên Hóa - môn học em yêu thích và cũng rất có năng khiếu, hoặc tiếp tục học nhạc chuyên nghiệp.

Một số người thân tỏ ý can ngăn, bố mẹ gợi ý em học một ngành nào đó liên quan đến hoá học và giữ âm nhạc như một nghề tay trái. Sau thời gian phân vân giữa hai phương án, em quyết định chọn âm nhạc.

Năm 15 tuổi, Thuỳ Dương chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh để theo học chuyên ngành Harp tại Nhạc viện. Tâm trạng của em nửa phần háo hức vì cảm giác như sắp trở thành người lớn, nửa phần lo lắng vì cuộc sống tự lập xa nhà.

Vì mức độ phổ biến không cao của đàn harp nên lớp của em có rất ít sinh viên theo học. Dù vậy, các bạn rất tình cảm, luôn yêu thương và giúp đỡ nhau trong học tập cũng như trong cuộc sống. Đây chính là nguồn động viên to lớn giúp em vững vàng hơn giữa một thành phố đông đúc và xô bồ.

Việc được học đàn vĩ cầm và đàn tranh trước đó đã bổ trợ em khá nhiều, từ kiến thức cơ bản về lý thuyết âm nhạc cho đến lịch sử âm nhạc của phương Tây và của Việt Nam. Đây là nền tảng cần thiết cho việc học đàn harp, nên em cũng không quá bỡ ngỡ.

Theo lịch học của nhà trường, vào buổi sáng, em học các môn lý thuyết âm nhạc và môn chuyên ngành cùng cô giáo. Buổi chiều, em học các môn văn hoá theo chương trình trung học phổ thông với các bạn cùng tuổi tại Nhạc viện.

Vào buổi tối và những lúc rảnh, em đều dành thời gian tập đàn. Nếu không, em chơi thể thao, đi dạo phố hoặc gặp gỡ bạn bè để trò chuyện và tập hòa tấu cho những dự án chung.

Thùy Dương còn học thêm đàn piano bởi đây là môn học bắt buộc song song với đàn harp.

Nữ sinh lớp 11 cũng có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh và tiếng Nhật do từng học lớp tiếng Nhật ở bậc trung học cơ sở.

Harpist (từ chỉ những người chơi đàn harp) yêu thích của em là Alexander Boldachev. Em ấn tượng bởi kỹ thuật điêu luyện cùng cá tính âm nhạc độc đáo của nam nghệ sĩ hạc cầm người Thuỵ Sĩ gốc Nga này.

Suốt quá trình học tập, Thùy Dương là khách mời thường xuyên của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, tham gia biểu diễn trong các chương trình hòa nhạc ở trong và ngoài nước. Em cũng là gương mặt quen thuộc trong các buổi hoà nhạc của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh.

Thuỳ Dương cũng là thành viên nhỏ tuổi nhất của nhóm Operaphilia. Được thành lập vào tháng 10/2020, Operaphilia quy tụ các nghệ sĩ trẻ và sinh viên thanh nhạc từ các trường nghệ thuật tại Hà Nội. Với nhiều hoạt động biểu diễn phi lợi nhuận, nhóm mong muốn đưa âm nhạc cổ điển dần tiếp cận với đông đảo khán giả phổ thông ở Việt Nam.

Thuỳ Dương biểu diễn độc tấu đàn harp tại Hòa nhạc tài năng trẻ “Là con gái để tỏa sáng”. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thuỳ Dương biểu diễn độc tấu đàn harp tại Hòa nhạc tài năng trẻ “Là con gái để tỏa sáng”. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cuối năm 2022, Thùy Dương trở thành là một trong 5 nữ nghệ sĩ độc tấu tham gia Hòa nhạc tài năng trẻ “Là con gái để tỏa sáng”.

Đây là chương trình do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) phối hợp với Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam (VNSO) nhằm mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của trẻ em gái.

Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji, em đã hoàn thành xuất sắc tác phẩm Concerto số 6 cung Si giáng trưởng cho đàn harp của George Frideric Handel. Sự kiện này đánh dấu Thuỳ Dương chính thức trở thành người chơi hạc cầm ở tuổi 16.

“Em vẫn nhớ như in khoảnh khắc nhận tin được chọn là một trong những nghệ sĩ độc tấu biểu diễn cùng VNSO. Em đã cực kì xúc động xen lẫn hồi hộp và lo lắng, bởi biểu diễn độc tấu với dàn nhạc là ước mơ của mọi sinh viên nhạc viện. Chưa bao giờ em dám nghĩ ước mơ của mình sẽ thành hiện thực sớm như vậy.

Khi ngồi trên sân khấu, được hoà mình và thăng hoa cùng âm nhạc, em thấy tất cả những cố gắng, vất vả từ trước đến nay của mình đều xứng đáng. Có lẽ đó là đêm diễn mà em sẽ không bao giờ quên”, Thuỳ Dương bồi hồi kể.

Sân khấu chương trình Hòa nhạc tài năng trẻ “Là con gái để tỏa sáng” tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam diễn ra vào tháng 12/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sân khấu chương trình Hòa nhạc tài năng trẻ “Là con gái để tỏa sáng” tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam diễn ra vào tháng 12/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thời gian tới, bên cạnh những dự án âm nhạc thú vị đang chờ đợi, Thuỳ Dương sẽ tập trung hoàn thành việc học ở Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào hè năm sau. Sau đó, em dự định đi du học để được mở rộng kiến thức cũng như nâng cao kỹ năng chuyên môn của mình.

Trịnh Trang