Thư gửi thầy Hiệu trưởng THPT chuyên Đại học Vinh

21/04/2023 06:46
TS Nguyễn Hoàng Chương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Gửi thầy Phạm Xuân Chung, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Vinh!

Tôi cũng là nhà giáo, là hiệu trưởng - đã, đang và còn nhiều năm tháng cùng "chiến hào" với thầy và đông đảo đội ngũ giáo viên (dù nay nghỉ hưu).

Thật lòng, trước mất mát quá lớn của gia đình và nhà trường trong vụ nữ sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Vinh tự vẫn vì nghi do bạo lực học đường, tôi và nhiều người vô cùng thương đau!

Ảnh minh họa: Báo Lao động

Ảnh minh họa: Báo Lao động

Lúc này đây, tôi xin được cầu nguyện cháu thanh thản nơi xa, ở nơi không có bạo lực học đường …. Nhưng nếu không làm rõ trách nhiệm, không có một giải pháp tích cực, tôi sợ rằng sau đó, ở bất cứ trường học nào đó trên đất nước này sẽ còn những học sinh - nạn nhân của bạo lực học đường có thể cũng sẽ tìm đến cái chết để giải thoát.

Là hiệu trưởng, nơi xảy ra câu chuyện thương tâm này càng phải làm gì đó theo mệnh lệnh của trái tim, và lý trí của nhà giáo giàu lòng trắc ẩn, khoan dung, chính trực!

Chiều ngày 19/4, các báo đồng loạt đưa tin, Trường Trung học phổ thông Chuyên ĐH Vinh (Nghệ An) tạm đình chỉ công tác giáo viên chủ nhiệm lớp 10A15 đối với cô Đặng Việt Hà, là lớp có nữ sinh tự tử tại nhà riêng nghi liên quan đến bạo lực học đường.

Tôi cũng theo dõi các bài báo đưa tin chi tiết về trả lời của thầy Phạm Xuân Chung - Hiệu trưởng Trung học phổ thông chuyên Đại học Vinh tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 17/4, thầy Chung nêu: "Trước đó vào khoảng giữa học kỳ 1, em Ng. có lên gặp để xin chuyển sang một lớp khác cùng khối xã hội, với lý do là "muốn sang lớp cô giáo này chủ nhiệm để học".

Theo ông Chung, đối với khối 10 năm nay, việc chuyển lớp không thể thực hiện ngay. Lý do thực hiện chương trình mới, mỗi lớp ngoài các môn bắt buộc còn có các môn lựa chọn do học sinh đăng ký và không giống nhau giữa các lớp.

Bên cạnh đó, thông tư hướng dẫn của Bộ Giáo dục và đào tạo cũng quy định giải quyết các trường hợp xin chuyển lớp sau khi hoàn thành năm học để đảm bảo trong công tác kiểm tra, đánh giá, trừ trường hợp đặc biệt. Trường hợp em Ng. thời điểm xin chuyển lớp cùng lĩnh vực (khoa học xã hội).

"Em Ng. hiện đang học lớp thứ 3 theo phân hóa của nhà trường từ đầu năm học. Nếu chuyển từ lớp mức độ thấp lên mức độ cao hơn phải có kết quả học tập nhất định. Tôi đã trao đổi, phân tích cho em Ng. tiếp tục phấn đấu học tập, nếu kết quả tốt thì sẽ xem xét chuyển lớp cho em. Sau đó em Ng. không có ý kiến gì khác", ông Chung thông tin. [1]

Vì vụ việc có nhiều luồng thông tin nên tôi đọc rất kỹ và thận trọng. Nhưng qua theo dõi các cơ quan báo chí dẫn lời người gia đình em Ng., giáo viên chủ nhiệm, Hiệu trưởng Trung học phổ thông chuyên Đại học Vinh, tôi hiểu rằng, em Ng. đã nhiều lần xin chuyển lớp. Em trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, trực tiếp gặp hiệu trưởng. Là hiệu trưởng nhiều năm, nên tôi biết các em nếu không vì lý do đặc biệt sẽ không dám lên gặp hiệu trưởng trực tiếp. Em Ng. đã qua cả giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng, vậy 2 thầy cô có lúc nào băn khoăn, sao em ý lại muốn chuyển lớp thế không?

Thầy Chung - Hiệu trưởng, cô Hà - Giáo viên chủ nhiệm nêu rất nhiều căn cứ, quy định, lý do cho việc từ chối nguyện vọng của em Ng. nhưng đáng tiếc không có chỗ nào thầy cô đề cập đến trách nhiệm của mình ra sao.

Tôi cũng chăm chú theo dõi bình luận của độc giả dưới các thông tin này, cho thấy, hầu hết đều đặt ra trách nhiệm của hiệu trưởng và đòi hỏi xử lý triệt để, thấu đáo, công bằng.

Thầy Chung là hiệu trưởng nhà trường, lại là trường chuyên, nghĩa là “trăm công nghìn việc”, không biết thầy có thời gian lắng nghe dư luận? Nếu có, thầy làm gì lúc này?

Chúng ta từng là học trò, con cái chúng ta đều bước qua tuổi học trò, là nhà giáo - có hàng trăm, hàng nghìn (và nhiều hơn) học trò, để đổi lấy bình yên cho mình bằng lẩn tránh trách nhiệm - Ta rồi sao? Đội ngũ chúng ta ra sao? Niềm tin vào những “kỹ sư tâm hồn” vốn đã mong manh, nay sẽ thế nào?

Những câu chuyện dưới cờ của hiệu trưởng, định hướng công tác cho tập thể giáo viên hàng tháng, từng hoc kỳ, mỗi năm học với nội dung và diễn đạt trau chuốt, cao xa - được hiệu trưởng thể hiện như thế nào?

Mỗi khi học sinh trực tiếp gặp hiệu trưởng, tức là các em có bức xúc, mâu thuẫn, tâm trạng hụt hẫng cùng cực, hiệu trưởng tựa cái phao diệu kỳ giúp các em không bị chìm vào “vùng hung”. Khi thấu cảm điều đó, thì quy định, có, nhưng vận dụng linh hoạt vì học sinh thân yêu, vì trò là con - sao không được - thưa thầy hiệu trưởng?

Tôi chưa nói đến, quy định chuyển trường, chuyển lớp luôn tạo điều kiện cho những học sinh có lý do. Vả lại, nếu vì đó mà hiệu trưởng có thể bị góp ý, phê bình, sao không dũng cảm, để trò mỗi ngày đến trường được an vui? Thế mới là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Thực tế, ở học đường hiện nay, một bộ phận người trong cuộc sống, ứng xử chưa thực sự đúng vị thế người thầy gây nên không ít đứt gãy dẫn tới nhiều hệ lụy, như, lạm thu tiền trường, dạy thêm tràn lan, bạo lực học đường, dân chủ trường học hình thức, đoàn kết trong trường yếu ớt. Tôi chỉ băn khoăn, hiệu trưởng đã thực sự lắng nghe học sinh, ứng xử với nguyện vọng bức thiết của học sinh như vậy, có thực sự phù hợp? Hiệu trưởng là nhất thời, nhà giáo là cốt lõi, sự trong - thiện là mãi mãi!

Tôi thấu hiểu, hiệu trưởng trường chuyên thì vô vàn áp lực đến từ nhiều phía. Có khi sau giờ “vãn hán”, hiệu trưởng da diết “cô đơn”. Thế nhưng, mỗi ngày đến trường, để vận hành guồng máy, người chỉ huy phải phải nghiêm cẩn, nhanh chóng, quyết đoán, chu toàn phận sự và đằy ắp yêu thương.

Học trò hôm nay, sẽ ra sao ngày sau, đành rằng các em là ai trong tương lai là tổng hợp trách nhiệm của chính các em, gia đình, nhà trường, xã hội. Tuy nhiên sự tác động của hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để lại trong tâm hồn các em những dấu ấn khó phai, góp thêm hành trang trên đường đời sau này cho các em, việc làm đó cao cả thay!

Chúc thầy sức khỏe, mong thầy và cô Hà sau này sẽ lắng nghe và có những quyết định thấu lý, hợp tình để học sinh khi tìm đến "phao" cứu sinh trong trường sẽ được che chở, được lắng nghe và được giải quyết thấu đáo.

Bạo lực học đường không chỉ là các hành vi xâm phạm thể xác của học sinh mà đó còn có thể là việc học sinh bị bạn học, giáo viên tẩy chay, có lời lẽ miệt thị… Nhằm nhận diện rõ hơn các hành vi bạo lực học đường, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam mong nhận được bài viết của bạn đọc gần xa chia sẻ những câu chuyện thực tế nhằm tạo một diễn đàn sâu rộng, đồng thời, đề xuất các kiến nghị nhằm chung tay ngăn chặn bạo lực học đường để không còn những sự ra đi thương tâm như em học sinh lớp 10A5 Trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Vinh. Bài viết chia sẻ của quý bạn đọc xin được gửi về địa chỉ Email của Tòa soạn: toasoan@giaoduc.net.vn

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/vu-nu-sinh-lop-10-tu-tu-tai-sao-nha-truong-khongchuyen-lop-2023041816443138.htm

TS Nguyễn Hoàng Chương