Địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở
Đầu năm 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã có báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này, trong thời gian qua, chất lượng và hiệu quả giáo dục từng bước được nâng lên; các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn có đủ trường, lớp đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc, làm thay đổi rõ rệt trình độ dân trí, nguồn nhân lực của tỉnh.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện thực hiện các nhiệm vụ phát triển giáo dục đào tạo gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng; cơ cấu bộ môn đồng bộ, hợp lý hơn.
Cơ sở vật chất, thiết bị trường học được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng để thực hiện đổi mới nội dung chương trình, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Công tác xã hội hoá giáo dục được đẩy mạnh; vai trò, vị trí của giáo dục được coi trọng.
Cũng theo báo cáo, việc ban hành chính sách, pháp luật và công tác quản lý nhà nước về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn 2014 – 2022 đã được các cấp các ngành của địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành đầy đủ, kịp thời so với thực tiễn.
Trong đó, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được thực hiện đầy đủ.
Cơ sở vật chất khó khăn là một trong những rào cản để Điện Biên triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới. Ảnh minh họa: Phòng học tạm ở trường Phổ thông dân tộc bán trú Huổi Lếch (Mường Nhé, Điện Biên) |
Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đã tiến hành 10 cuộc thanh tra hành chính và 02 cuộc thanh tra chuyên ngành tại 02 phòng Giáo dục và Đào tạo (các nội dung Thanh tra đều có vấn đề triển khai, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018).
Tổ chức các cuộc kiểm tra chuyên đề việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018: năm học 2021-2022, tổ chức kiểm tra tại 06 huyện/thành phố (gồm thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Tuần Giáo); năm học 2022-2023 kiểm tra tại 02 huyện (Mường Chà, Nậm Pồ).
Qua kiểm tra đã tư vấn, hỗ trợ đã kịp thời tháo những khó khăn vướng mắc cho các cơ sở giáo dục trong việc triển khai thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới.
Được biết, tính đến thời điểm báo cáo, tất cả các trường học đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng kế hoạch, chất lượng, đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt, có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành. Học sinh mạnh dạn tự tin, dám thể hiện, dám nêu quan điểm của mình, biết xây dựng và phát triển phương pháp tự học, nghiên cứu.
Trong báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cũng đã nêu ra trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo, các huyện, thị xã, thành phố trong việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Còn ngổn ngang khó khăn, mong không cắt giảm nhân sự vùng đặc biệt
Báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cũng đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới vào thực tiễn. Trong đó nêu rõ đặc thù của Điện Biên là một tỉnh còn khó khăn về điều kiện kinh tế, trình độ mặt bằng chung dân trí chưa cao.
Về cơ sở vật chất, các trường học vùng đặc biệt khó khăn, phòng học bán kiến cố, phòng học tạm còn nhiều; chưa có đủ phòng chức năng, phòng công vụ, phòng nội trú và các hạng mục phụ trợ khác để phục vụ công tác dạy và học.
Nhiều công trình giáo dục đã xuống cấp, hết niên hạn sử dụng, nhiều phòng học tạm chưa được đầu tư xây dựng kiên cố; một số nơi chưa đảm bảo diện tích đất cho xây dựng trường lớp học theo định mức, chưa thực sự đảm bảo thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Nhiều trường còn thiếu các phòng học bộ môn, phòng chức năng; một số điểm trường chưa có điện lưới quốc gia, nên việc đầu tư để lắp đặt phòng học Tin học còn gặp nhiều khó khăn.
Hệ thống phòng chức năng đã được xây dựng từ giai đoạn trước chưa đảm bảo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về diện tích. Đồ dùng, thiết bị dạy học được đầu tư, mua sắm đã lâu nên đã hư hỏng xuống cấp; chưa đủ kinh phí thực hiện bổ sung, thay thế thiết bị dạy học để đáp ứng yêu cầu tại Thông tư số 37/2021/TT-BGDĐT; 38/2021/TT-BGDĐT; 39/2021/TT-BGDĐT quy định danh mục thiết bị dạy học tối thiểu các cấp học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Mặc dù quy mô giáo dục ngày càng phát triển, tỉ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp tăng đáng kể so với các năm học trước, yêu cầu về chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo ngày càng cao, song hằng năm số biên chế công chức hành chính và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp ngành giáo dục và đào tạo vẫn phải thực hiện cắt giảm theo lộ trình, gây khó khăn cho ngành trong công tác bố trí, sử dụng đội ngũ, ảnh hưởng lớn đến chất lượng, hiệu quả công tác. Nguồn tuyển dụng giáo viên một số bộ môn (tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật…) còn thiếu, gây khó khăn trong công tác bố trí, sử dụng đội ngũ.
Theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị thì năm học 2022-2023 tỉnh Điện Biên được bổ sung 459 biên chế giáo viên.
Mặc dù vậy, theo chỉ tiêu tinh giản 10% giai đoạn 2021-2026 thì toàn ngành giáo dục và đào tạo Điện Biên vẫn tiếp tục thực hiện cắt giảm số lượng biên chế công chức, viên chức hằng năm (2,5%/năm, tương đương 329 người làm việc/năm).
Do vậy số chỉ tiêu giao bổ sung theo Quyết định 72-QĐ/TW không thể khắc phục được số người làm việc hiện đang còn thiếu theo định mức.
Trên cơ sở thực tiễn, ngành Giáo dục Điện Biên đã có những đề xuất, kiến nghị, cụ thể: Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đề nghị tập trung nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án về tăng cường cơ sở vật chất để đủ phòng học theo lộ trình thực hiện sách giáo khoa mới.
Tiếp tục rà soát đầu tư xây dựng bổ sung phòng học, phòng chức năng (giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, tin học, ngoại ngữ, thiết bị giáo dục...), phòng thư viện; mua sắm bổ sung bàn ghế học sinh, máy tính, bộ thiết bị phòng học ngoại ngữ, bộ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về đội ngũ, ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đề nghị, quan tâm tạo điều kiện cử giáo viên chưa đạt chuẩn tham gia đào tạo đạt chuẩn đối với từng cấp học theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019; chọn cử cán bộ quản lý, giáo viên tham gia đào tạo nâng chuẩn, đào tạo văn bằng thứ hai, đào tạo liên thông góp phần khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay.
Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học theo hướng tăng số học sinh/lớp, tăng số lớp/trường. Phối hợp thực hiện rà soát, sắp xếp lại trường, lớp học, qua đó tạo sự ổn định trong tổ chức bộ máy tiết kiệm biên chế, tăng hiệu quả đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học...
Tiếp tục đề nghị các cấp có thẩm quyền giao bổ sung số lượng người làm việc theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị cho tỉnh Điện Biên, đặc biệt giáo viên cấp trung học phổ thông.
Điện Biên đề nghị không cắt giảm cơ học số lượng người làm việc để thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế.
Bên cạnh khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu đội ngũ giáo viên đang là bài toán khiến ngành giáo dục Điện Biên gặp nhiều trăn trở. Ảnh: điểm trường Pá Mỳ 3 (Mường Nhé, Điện Biên) |
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cũng đã có nhiều kiến nghị đến các cơ quan chức năng, Chính phủ, các bộ ngành...
Trong đó, nổi bật là đề nghị bổ sung các chính sách hỗ trợ đối với học sinh, giáo viên: Nâng mức hỗ trợ học sinh bán trú từ 40% lên 60% mức lương cơ sở và học sinh nội trú từ 80% lên 100% mức lương cơ sở; Có chính sách hỗ trợ tiền đi lại đối với giáo viên dạy tại các điểm trường lẻ bằng 50% mức lương cơ sở; Bổ sung học viên giáo dục thường xuyên người dân tộc thiểu số thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ như học sinh bán trú theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ;
Kéo dài thời gian được hưởng chính sách miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh tại các xã đặc biệt khó khăn mới được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cũng đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ giao bổ sung số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp đảm bảo đủ định mức theo Thông tư số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2017 và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.