Thiếu GV: Huyện Bắc Quang cử thầy cô dạy văn hoá đi học văn bằng 2 tiếng Anh

26/08/2022 06:42
Kim Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều trường học ở Hà Giang sẽ tổ chức dạy liên trường, áp dụng học trực tiếp kết hợp trực tuyến và học “cuốn chiếu” để khắc phục việc thiếu giáo viên.

Năm học 2022-2023, ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10.

Theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì Ngoại ngữ 1 (tiếng Anh) và Tin học là môn bắt buộc được tổ chức dạy học từ lớp 3 năm học 2022-2023.

Đối với các điểm trường vùng cao như ở tỉnh Hà Giang, việc thiếu giáo viên hai bộ môn này là khó tránh khỏi.

Huyện Bắc Quang dù điều kiện phát triển kinh tế có khá hơn các huyện nghèo khác trong tỉnh Hà Giang nhưng cả học sinh, cả các thầy cô giáo và đội ngũ quản lý giáo dục tại địa phương này vẫn phải đối mặt với đầy rẫy khó khăn khi năm học mới đã cận kề.

Dạy Tin học theo hình thức “cuốn chiếu”

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Hoàng Thị Thu Hiền – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Quang (Hà Giang) cho biết, hiện địa bàn huyện không có giáo viên giảng dạy những bộ môn đặc thù như Giáo dục kinh tế và pháp luật, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật)… như trong chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 10.

Theo đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ lập danh sách từ các điểm trường để giáo viên các bộ môn văn hóa khác đi tập huấn, bồi dưỡng khắc phục tình trạng này. Đối với lớp 3, Tin học và tiếng Anh trở thành hai môn bắt buộc, huyện Bắc Quang cơ bản đáp ứng được việc giảng dạy căn cứ theo số lượng giáo viên hiện có.

Cận kề năm học mới, học sinh tại một số trường thuộc huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang sẽ học tiếng Anh theo hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến. Ảnh minh họa: Trường Tiểu học Hùng An, huyện Bắc Quang

Cận kề năm học mới, học sinh tại một số trường thuộc huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang sẽ học tiếng Anh theo hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến. Ảnh minh họa: Trường Tiểu học Hùng An, huyện Bắc Quang

“Tuy nhiên việc triển khai dạy và học không thể như các trường ở miền xuôi được. Chúng tôi phải lập các tổ giáo viên nhận nhiệm vụ giảng dạy nhiều trường cùng một lúc với những điểm có khoảng cách gần nhau.

Có những trường đang xây dựng mô hình điểm về dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến. Hiện Phòng đã xây dựng kế hoạch đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Bắc Quang cấp kinh phí để xây dựng phòng học trực tuyến cho 3 trường để thực hiện thí điểm.

Theo đó, ví dụ ở tiết đầu, giáo viên giảng dạy trực tiếp ở một lớp A, các lớp B, C, D sẽ ngồi học bằng hình thức trực tuyến; rồi tiết 2, giáo viên lại áp dụng dạy trực tiếp ở lớp B, các lớp còn lại học trực tuyến… cứ như vậy lần lượt sẽ khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh – mà thực tế là địa bàn huyện đang rất thiếu, phải cử thầy cô chuyên ngành văn hóa đi học văn bằng 2 về ngoại ngữ để về tham gia giảng dạy”, bà Hoàng Thị Thu Hiền thông tin.

Đối với môn Tin học, ở các điểm trường trên địa bàn huyện Bắc Quang, học sinh được dạy học theo hình thức “cuốn chiếu”. Căn cứ theo tình hình thiếu máy tính, thiếu giáo viên, các thầy cô sẽ dạy “dồn” tiết lý thuyết tại các trường, còn thực hành, các em sẽ di chuyển lên các điểm trường chính (bán trú) để học tập.

Vị Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Quang cho hay, với thiết bị máy tính, các trường trên địa bàn chưa được trang bị đầy đủ. Để khắc phục, huyện thực hiện lồng ghép nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia như Nông thôn mới, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… để phân cấp thiết bị cho các nhà trường.

“Được biết, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang đã có chương trình vận động tài trợ để ủng hộ máy tính đã qua sử dụng cho các trường. Còn với địa bàn huyện Bắc Quang, chúng tôi thực hiện phương án sắp xếp trường nào có máy tính dôi dư sẽ để cho trường thiếu mượn tài sản để sử dụng. Sau đó, học sinh sẽ được tổ chức học theo nhóm – mỗi nhóm khoảng 5 em”, bà Hiền nói.

Về các vấn đề cơ sở vật chất, nguồn nhân lực khác, bà Hiền cho biết, đội ngũ nhân viên y tế trường học có trình độ nghiệp vụ hiện vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu của các trường trên địa bàn.

Theo đó, hàng năm, các trường phải thực hiện ký hợp đồng với trạm y tế của các xã, thị trấn để trạm cho nhân viên đi hỗ trợ công tác y tế của nhà trường, trong khi đó, trường vẫn phải phân công một giáo viên kiêm nhiệm công tác có tính đặc thù này.

Kiến nghị không tinh giản biên chế ngành giáo dục

Vừa qua, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022 - 2026, riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Theo bà Hoàng Thị Thu Hiền, tỉnh Hà Giang năm nay được giao 507 biên chế giáo viên. Sở Nội vụ tỉnh Hà Giang cho biết sẽ tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh để thực hiện phân bổ biên chế cho các huyện; trong đó ưu tiên các huyện vùng cao, thiếu nhiều giáo viên để tổ chức thực hiện.

Bà Hoàng Thị Thu Hiền – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Quang (Hà Giang) kiến nghị không thực hiện tinh giản biên chế ngành giáo dục. Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Quang

Bà Hoàng Thị Thu Hiền – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Quang (Hà Giang) kiến nghị không thực hiện tinh giản biên chế ngành giáo dục. Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Quang

Bàn về tình trạng thiếu giáo viên, bà Hoàng Thị Thu Hiền cho rằng hàng năm, không chỉ riêng tỉnh Hà Giang, các địa phương đang được giao chỉ tiêu biên chế theo hướng tinh giản; trong khi, nhu cầu thực tế cho thấy, số học sinh tăng lên, đương nhiên số giáo viên cũng phải tăng lên.

“Trong đó, việc giao chỉ tiêu biên chế giáo viên so với nhu cầu thực tế chưa thực sát với tình hình của từng địa phương. Điều này sẽ gây khó khăn cho các đơn vị trường học. Hiện huyện Bắc Quang hiện tại cơ bản đáp ứng các yêu cầu về triển khai nhiệm vụ năm học mới, nhưng với các năm học sau thì việc đáp ứng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên sẽ rất khó khi lộ trình chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai đến lớp 4, lớp 8 và lớp 11.

Do đó, tôi kiến nghị không thực hiện tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục. Đồng thời, bổ sung biên chế đúng định mức theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Như thế mới đáp ứng được nhu cầu dạy học của các nhà trường”, bà Hiền nêu quan điểm.

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Triệu Tuấn Anh – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bình Độ (tỉnh Lạng Sơn) cho biết: hiện tại, trường cơ bản thiếu giáo viên giảng dạy những bộ môn đặc thù, điển hình là nhóm môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật). Cơ sở vật chất tại trường còn thiếu, nhất là trong những tổ hợp bộ môn đặc thù.

Nhà trường sẽ khắc phục dần dần theo hướng dẫn, lộ trình của Sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điểm mới của chương trình lớp 10 là ngoài những môn bắt buộc, học sinh được chọn các môn tự chọn theo sở thích. Điều này có thể dẫn đến thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Thầy Triệu Tuấn Anh cho rằng việc này là không thể tránh khỏi.

“Tại các trường vùng cao, học sinh có xu hướng chọn tổ hợp môn Khoa học xã hội nhiều hơn Khoa học tự nhiên. Căn cứ tình hình, năng lực cá nhân của các em, khi chuẩn bị vào năm học mới, nhà trường mời học sinh, phụ huynh đến nghe tư vấn. Qua đó giúp các em có định hướng chọn môn tốt theo đúng sở trường của mình. Từ đó cũng giúp khắc phục tình trạng thiếu, thừa giáo viên cục bộ”, thầy Triệu Tuấn Anh thông tin.

Dưới góc độ cá nhân, thầy Triệu Tuấn Anh cho rằng với bối cảnh hiện nay, các giáo viên phải kiêm nhiệm dạy được nhiều bộ môn khác nhau. Như thế mới giúp cải thiện bức tranh giáo dục nước nhà.

“Hiện nay, nếu các em sinh viên ngành sư phạm không thích ứng được điều này sẽ rất khó khăn nếu tham gia vào quá trình giảng dạy thực tế. Xu hướng chung là giáo viên không chỉ dạy được môn Toán, mà còn kiêm cả Lý, Hóa…, tức là dạy theo những tổ hợp môn.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng công tác thẩm định người tài tuyển chọn cho ngành giáo dục không chỉ dừng lại ở các văn bằng, chứng chỉ hay các kỳ thi; mà phải thông qua nhiều kênh khác như kiểm tra vấn đáp, thử nghiệm giờ giảng... có như vậy mới mong tìm được những giáo viên thực sự giỏi”, thầy Tuấn Anh kiến nghị.

Kim Sơn