Thi tốt nghiệp từ năm 2025: Nên cho thí sinh làm bài trắc nghiệm trên máy tính

22/02/2023 06:42
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dùng nhiều bộ sách, nhưng kỳ thi chung cho cả nước nên việc xây dựng đề thi như thế nào cũng cần phải tính toán, không phụ thuộc cụ thể vào một bộ sách.

Vừa qua Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Hữu Độ có thông tin, dự kiến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 sẽ có 4 môn thi bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Ngoại ngữ. Ngoài ra, các môn học tự chọn cũng đang được cân nhắc đưa vào kỳ thi tốt nghiệp sao cho phù hợp, đảm bảo việc xét tuyển của các cơ sở giáo dục đại học.

“Các chuyên gia đang nghiên cứu và sẽ đề xuất với Bộ về vấn đề này” – Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết.

Dự kiến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 sẽ có 4 môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Ngoại ngữ. (Ảnh minh họa: Ngọc Ánh).

Dự kiến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 sẽ có 4 môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Ngoại ngữ. (Ảnh minh họa: Ngọc Ánh).

Trước thông tin trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đinh Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chiềng Khương (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) chia sẻ, chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng tới mục tiêu phát triển về năng lực và phẩm chất người học được quy định trong chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục, nên nội dung đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 cũng cần đáp ứng được yêu cầu này.

Thầy Dũng cho hay, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện nay ở các trường, địa phương có thể dùng nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau sao cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, năng lực đội ngũ, đặc thù học sinh, cơ sở vật chất. Nhưng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông diễn ra chung trong cả nước nên việc xây dựng đề thi, ngân hàng câu hỏi như thế nào cũng phải tính toán, dựa theo khung chương trình chung.

“Nếu chỉ dựa vào tiêu chí đánh giá năng lực để xây dựng đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì chưa đủ. Mà nội dung đề thi cũng phải dựa theo khung chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Với chương trình mới, nội dung kiến thức nâng cao ít, các câu hỏi chủ yếu hướng vào hoạt động của học sinh. Do vậy, câu hỏi đề thi tốt nghiệp cũng cần lưu ý điều này để đảm bảo chất lượng, tỷ lệ phân hóa, đồng thời đạt giá trị mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng đến”, thầy Dũng nói.

Liên quan đến công tác tổ chức kỳ thi nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ, theo thầy Dũng, với tốc độ phát triển tầm nhìn đến năm 2025, có thể cho thí sinh làm bài thi tốt nghiệp hình thức trắc nghiệm trên máy tính thay vì tập trung làm bài trên giấy như hiện nay. Tuy nhiên, để làm được điều này, ngân hàng câu hỏi phải được thiết kế xây dựng cực lớn để thí sinh lựa chọn đề ngẫu nhiên.

“Hiện, ngoài môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, đối với các bài thi trắc nghiệm, thí sinh vẫn phải chọn đáp án để tô vào giấy, sau đó chấm bằng máy. Do vậy, nếu đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy tính thì có thể tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính với phần mềm được Bộ thống nhất xây dựng.

Cũng không cần các trường phải trang bị đủ số lượng máy tính để phục vụ tất cả thí sinh, mà có thể thi theo từng ca. Đề thi đã có ngân hàng câu hỏi được chọn ngẫu nhiên nên khi thí sinh hoàn thành bài gửi lên hệ thống sẽ phòng, tránh nguy cơ bị lộ đề”, thầy Dũng chia sẻ.

Bàn về thông tin dự kiến kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, vị Hiệu trưởng của một trường trung học phổ thông ở huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) chia sẻ: “Tất cả các kỳ thi đều có yêu cầu riêng tùy từng cấp độ. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện nay thì việc tăng cường ứng dụng công nghệ vào tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ giải quyết được nhiều vấn đề”.

Liên quan đến việc hỗ trợ thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến, vị này cho biết, rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay, nhà trường tiếp tục hỗ trợ thí sinh thực hiện đăng ký dự thi.

“Đối với các trường ở tỉnh miền núi sẽ có những thí sinh điều kiện hoàn cảnh khó khăn, thiếu thiết bị kết nối internet, do đó, nhà trường hỗ trợ các em đăng ký, hoàn thiện hồ sơ trực tuyến.

Có những em dù đủ thiết bị, internet nhưng kỹ năng sử dụng phần mềm, thực hiện thao tác còn hạn chế, lúng túng dẫn đến sai sót nên bộ phận của trường sẽ giúp học sinh nhập liệu để đảm bảo tính chính xác", vị Hiệu trưởng nói.

Môn Lịch sử dự kiến là 1 trong 4 môn thi bắt buộc của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025, vị này cho rằng phù hợp với định hướng chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Tôi cho rằng, khi môn Lịch sử quy định là môn học bắt buộc trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì việc môn Lịch sử là một trong các môn thi tốt nghiệp bắt buộc là điều hợp lý.

Song, khi Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, thì đề thi cũng phải được xây dựng trên nền tảng ma trận đảm bảo tính phân hóa cho từng đối tượng ở mức độ nhận thức khác nhau.

Chắc hẳn việc xây dựng nội dung câu hỏi đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 theo chương trình mới sẽ có điểm khác, có yêu cầu cụ thể theo từng môn học”, vị Hiệu trưởng chia sẻ.

Bàn về môn Ngữ văn theo chương trình giáo dục phổ thông mới, theo vị này, hiện nay các đơn vị trường học sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau, cách thức ra đề thi đánh giá, kiểm tra cũng nằm ngoài sách giáo khoa. Do vậy, đề thi tốt nghiệp có thể sẽ có câu hỏi nằm ngoài phạm vi sách giáo khoa, không phụ thuộc vào bất cứ sách giáo khoa Ngữ văn nào.

Chia sẻ thêm về kết quả học tập học kỳ I năm học 2022-2023 đối với khối 10, vị Hiệu trưởng cho biết, do là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nên kết quả học tập mặt bằng chung của học sinh ở mức tương đối.

Ngọc Mai