Thi gì học đó, Lịch sử là môn 'thích thì học, không thì thôi', HS có mặn mà?

24/04/2022 06:32
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có nhiều ý kiến cho rằng môn Lịch sử không nên để tự chọn vì học sinh sợ học. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng cách dạy và học sử nên thay đổi để thu hút học sinh.

“Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Lịch sử trở thành môn lựa chọn, điều này làm dấy lên nhiều tranh cãi trong xã hội, đặc biệt là giáo viên dạy Lịch sử và những người tâm huyết. Khi xã hội có tranh cãi nghĩa là có vấn đề, bởi trong khi các môn khác như Địa lý, Hoá học, Sinh học cũng là môn lựa chọn nhưng lại không gây ra sự tranh cãi nào cả tức là những môn này được xác định là môn khoa học biệt lập đúng với tiêu chí phân hóa ở cấp Trung học phổ thông.

Nhưng với môn Lịch sử, xã hội có nhiều bàn luận bởi đặc thù của môn này giúp tạo dựng phông văn hóa của con người, đặc biệt trong bối cảnh khi hội nhập và thứ giúp cho chúng ta không bị “lạc đường”, đó chính là bản sắc dân tộc”, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trương Thị Thu - Tổ trưởng tổ Lịch sử, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã chia sẻ.

Cô Trương Thị Thu - Tổ trưởng tổ Lịch sử Trường Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) và các em học sinh. Ảnh: T.D.

Cô Trương Thị Thu - Tổ trưởng tổ Lịch sử Trường Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) và các em học sinh. Ảnh: T.D.

Theo cô Thu: “Môn Lịch sử với đặc thù giáo dục lòng yêu nước, giáo dục lòng tự tôn dân tộc nên có thể nói đây là môn phải học suốt đời.

Ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở các con được học tất cả các môn, đây là giáo dục toàn diện, ở lứa tuổi này các con còn rất nhỏ nên chưa thể nhận thức được đầy đủ các quy luật vận hành của xã hội, cũng chưa thể thấm nhuần được những giá trị rất sâu sắc. Do đó, ở lứa tuổi này đòi mà chúng ta hỏi các con nhận thức, được trải nghiệm để thấm thía về mạch nguồn giá trị, để rung cảm, để khắc sâu thì rất khó.

Khi học sinh lên cấp Trung học phổ thông các con đã có nhận thức đầy đủ và rất thích hợp để được học và thấm nhuần những giá trị lịch sử, biết rung động, biết cảm thông với những mốc lịch sử quan trọng của đất nước qua từng giai đoạn, và từ đó hình thành lòng yêu quê hương đất nước. Chính vì vậy, nếu môn Lịch sử chỉ được học hết lớp 9 và lên Trung học phổ thông không được học sinh chọn học tiếp thì thật đáng lo ngại.

Có thể nói, Lịch sử là môn khoa học trừu tượng, một môn học cần có độ thẩm thấu dần dần qua năm tháng như một mạch nguồn, để nuôi dưỡng, bồi đắp, để hình thành nhân cách giúp cho phông văn hóa một con người và rộng ra toàn xã hội có chiều sâu.

Trong xã hội hiện nay, học sinh rất ít chọn môn Khoa học xã hội, mà xu hướng sẽ chọn những môn giúp các em sớm thành công, kiếm được nhiều tiền, dễ xin việc,…và như vậy các con sẽ không chọn học môn Lịch sử nữa, không còn có cơ hội để được bồi đắp thêm phông văn hóa, bồi đắp những kiến thức Lịch sử. Đó là điều bất cập và thiệt thòi cho bản thân người học và cho một đất nước.

Ở Việt Nam có một đặc thù thi cái gì thì sẽ học cái đó, và nếu không thi sẽ không học, như vậy khi đưa Lịch sử thành môn tự chọn, giáo dục hướng nghiệp là bất cập. Nhưng chúng ta có thể tích hợp các môn thi thế nào đó, điều chỉnh một cách linh hoạt để làm sao đảm bảo trong một thời lượng nhất định ở cấp Trung học phổ thông, tất cả các con vẫn được học môn Lịch sử, vẫn được bồi đắp những quy luật xã hội, thẩm thấu những mạch nguồn để tiếp cận với xu thế của thời đại”.

Các em học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: T.D.

Các em học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: T.D.

Nhiều trường Trung học phổ thông sẽ không dạy Lịch sử?

Có nhiều ý kiến rằng học Lịch sử xong, để tìm kiếm công việc liên quan đến bộ môn này thì cơ hội sẽ rất ít, các em khó thành đạt? Về vấn đề này cô Thu chia sẻ: “Trước đây, cả một khoảng thời gian rất dài từ năm 2000 đến năm 2022 chúng ta sử dụng chương trình hiện hành, có nhiều hạn chế về sách giáo khoa, không hấp dẫn, nhiều mốc thời gian, sự kiện khó nhớ khó thuộc khiến học sinh không mặn mà với môn học này. Học sinh chán học, không đam mê dẫn đến kết quả thấp.

Bây giờ chúng ta thực hiện chương trình mới và Lịch sử là môn tự chọn, như vậy sẽ dẫn đến việc nhiều học sinh không chọn môn học này vì thấy quá khó, nghĩ đến viễn cảnh đó tôi thấy thật sự rất buồn.

Sẽ có nhiều trường với số lượng rất ít học sinh lựa chọn học môn Lịch sử, thậm chí có trường chỉ có 1 lớp, và có thể còn ít hơn. Việc sắp xếp đội ngũ thầy cô giảng dạy môn này cũng là một vấn đề, nếu chỉ có khoảng 10 học sinh thì việc tổ chức lớp sẽ thế nào? Lúc này nhà trường phải vận động học sinh chọn môn khác hay sao, hay các em thấy ít bạn học quá lại chọn sang môn khác để được học cùng các bạn, nếu thế là sai với mục đích của chương trình. Như vậy sẽ có nhiều trường không dạy môn Lịch sử nữa, và giáo viên dạy môn này không biết sẽ đi đâu?

Hơn nữa, nếu các nhà trường vì quá ít học sinh chọn học môn Lịch sử, và bất đắc dĩ phải “hướng” học sinh chọn môn học khác, như vậy là vi phạm nguyên tắc. Nguyên tắc của chương trình mới là phân hóa, phát triển tối đa tiềm năng và năng lực vốn có của học sinh, cho phép học sinh tự chọn môn học theo năng lực sở thích, nay lại áp đặt cho học sinh chọn môn học là sai chủ trương.

Nhưng trong thực tế tôi thấy các trường sẽ dễ xảy ra hiện tượng đó bởi rất khó trong việc thỏa mãn điều kiện của nhà trường với sự lựa chọn theo nguyện vọng của tất cả học sinh. Theo tôi, vấn đề lớn nhất hiện nay làm cho xã hội bận tâm nhiều là môn Lịch sử dần dần bị rơi vào quên lãng, càng làm trầm trọng hơn tình trạng lệch lạc, dẫn đến thiếu những nhận thức đúng đắn về lòng tự tôn dân tộc. Đó mới là điều lớn nhất".

Cô Thu nhấn mạnh: "Cho dù học sinh không có năng khiếu, không thích môn Lịch sử, nhưng các em vẫn cần được đào tạo một phông văn hóa cơ bản bởi chúng ta vẫn phải chung sống, vẫn phải hội nhập và giữ được bản sắc riêng của mình.

Cho dù xã hội có phát triển thế nào đi nữa, có hiện đại đến đâu, máy móc có thể thay thế cho sức lao động của con người, nhưng có một thứ không thể nào thay thế được. Đó là văn hóa.

Không nên xem Lịch sử là một môn tự chọn theo kiểu "thích thì học, không thì thôi" vì đó là phần kiến thức quan trọng để một người trẻ hiểu và biết được cội nguồn lịch sử dân tộc mình là như thế nào. Nếu Lịch sử không phải là môn học chính, môn bắt buộc ở bậc Trung học học phổ thông thì sẽ dẫn đến buông lỏng quản lý môn học này, đội ngũ giáo viên không muốn dạy và học sinh cũng không muốn học môn Lịch sử.

Như vậy, dù muốn dù không, học sinh vẫn phải học môn Lịch sử chứ không thể chọn lựa theo ý mình. Quan điểm của tôi môn Lịch sử vẫn là môn học quan trọng, vấn đề còn lại chính là giáo viên dạy môn này cần phải tích cực đổi mới trong cách dạy, cách truyền thụ kiến thức để thu hút học sinh”.

Tùng Dương