Then chốt là Bí thư tỉnh, thành phố phải trong sạch, có năng lực

28/06/2022 06:26
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Điểm “then chốt” giúp Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh hoạt động có hiệu quả là làm thế nào để tất cả Bí thư Tỉnh ủy phải là người trong sạch

Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Sau Hà Nội (địa phương đầu tiên cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ năm về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh), nhiều địa phương khác trong cả nước cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

Có thể kể đến, thành phố Đà Nẵng (ngày 21/5), Thanh Hóa (ngày 30/5), Nam Định, Đồng Tháp, Điện Biên (ngày 10/6), Long An (ngày 13/6), Quảng Ngãi (ngày14/6), Phú Yên (ngày 15/6) và mới nhất là Bà Rịa - Vũng Tàu (thành lập vào ngày 16/6) với Trưởng ban chỉ đạo đều là người đứng đầu tổ chức Đảng địa phương.

Điều này đã và đang tạo nên một khí thế mới được người dân tin tưởng, kỳ vọng, gửi gắm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ bước sang một giai đoạn mới với những kết quả quyết liệt và cụ thể hơn.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Quốc Hùng (Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương) đã có những trao đổi thẳng thắn về “then chốt” tạo nên hoạt động hiệu quả của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

Ông cho biết: “Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã “nối vòng tay lớn”, để lực lượng phòng chống tham nhũng, tiêu cực và lực lượng quan tâm đến phòng chống tham nhũng, tiêu cực rộng hơn. Trước đây, chỉ có Ban Chỉ đạo Trung ương trực tiếp làm, thì dù có hàng nghìn nhân sự cũng không thể hiệu quả sâu sát hết đến từng ngóc ngách ở địa phương.

Ông Vũ Quốc Hùng (Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương). (Ảnh: Ngọc Quang).

Ông Vũ Quốc Hùng (Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương). (Ảnh: Ngọc Quang).

Chính vì vậy, theo tôi, thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở các địa phương là thông tin rất đáng mừng. Tôi mong Ban chỉ đạo này sẽ đáp ứng được kỳ vọng”.

Nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương phân tích thêm: “Phòng chống tham nhũng là một việc làm đúng quy luật. Vậy, vấn đề đặt ra là phải làm sao cho hiệu quả.

Thế nên, trước đây, chỉ có Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, nhưng sau một thời gian dài, phải thêm chữ “tiêu cực”. Tiêu cực với tham nhũng là anh em. Tiêu cực nên mới ủng hộ tham nhũng, mở đường cho tham nhũng, và tham nhũng mới làm cho tiêu cực ngày càng trầm trọng hơn”.

Đề cập đến những điểm mấu chốt để Ban Chỉ đạo cấp tỉnh hoạt động hiệu quả, ông Vũ Quốc Hùng nêu quan điểm: “Từ kinh nghiệm trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp Trung ương, tôi cho rằng, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh ngoài soi xét nắm tình hình, còn phải nắm tình hình qua nhân dân, qua báo chí. Thời trước, chúng tôi cứ hàng tháng lại có họp báo. Bây giờ cũng vậy, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cũng nên như vậy, coi báo chí là nguồn thông tin quan trọng, nhưng phải chọn lọc thông tin có trách nhiệm. Báo chí cũng nên có trách nhiệm, đưa tin không phải “cuốn theo chiều gió”, không phải lợi dụng để bêu xấu cá nhân, tập thể nào...

Đồng thời, nên khuyến khích người dân viết thư phản ánh, có một bộ phận tiếp dân làm việc hiệu quả. Có thư “có tên” và có cả thư “không tên”, từ những lá thư “không tên”, bản thân những thành viên trong Ban Chỉ đạo phải tự mình kiểm chứng, biến thành những lá thư “có tên”. Tất nhiên, cũng không nên nóng vội, khi chưa có chứng cứ gì mà đã vội vàng quy kết và thông tin rộng rãi về sai phạm của cá nhân nào đó, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín, danh dự.

Tôi xin nhấn mạnh, từ Ban Chỉ đạo Trung ương đến cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, phải coi báo chí, nhân dân là những kênh thông tin quan trọng. Tuy nhiên, cũng không thể ỷ lại, nghe được thông tin gì là chỉ biết đến thông tin đó, mà phải có sự thẩm tra, xác minh rõ ràng. Đây là công việc rất cần sự công tâm, công phu và đầy vất vả”.

Ông cũng cho biết thêm: “Tương tự sự vào cuộc quyết liệt ở cấp Trung ương, đến Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, các Bí thư Tỉnh ủy phải thực sự vào cuộc. Phải phân rõ, đâu là trách nhiệm thuộc về các tỉnh, thành thì Trung ương phải yêu cầu tỉnh, thành phải làm. Cứ theo trật tự chỉ đạo: Trung ương chỉ đạo tỉnh, tỉnh chỉ đạo huyện, huyện chỉ đạo xuống cấp dưới nữa...

Mặt khác, cũng có những lúc, Trung ương phải xuống tận cơ sở xác minh thực chất ra sao rồi lại phải lên tỉnh để hỏi có biết sự việc này không? Không có lý nào, Trung ương còn biết mà tỉnh lại không biết. Không biết ở đây là vì quan liêu hay vì bao che, bao che cho chính những người là họ hàng thân thích trên tỉnh... Những cái đó, Ban Chỉ đạo Trung ương phải soi sáng".

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng nhấn mạnh: “Ban Chỉ đạo Trung ương muốn “nối vòng tay lớn” nhưng phải có biện pháp mở rộng, kiểm tra chặt chẽ các tỉnh thành. Nếu kiểm tra trách nhiệm của Bí thư Tỉnh ủy, mà nhận thấy không làm được công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thì phải thay người (đó là nếu không có vi phạm, còn nếu có vi phạm thì phải trực tiếp xử lý luôn).

Nhiều năm công tác, tôi cũng đã chứng kiến một số đồng chí vì ham chức, ham quyền mà để xảy ra sai phạm, hoặc thiếu trách nhiệm trong thẩm quyền của mình...

Vì vậy, tôi cho rằng, điểm “then chốt” giúp Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh hoạt động có hiệu quả, chính là ở chỗ, làm thế nào để tất cả Bí thư Tỉnh ủy phải là người trong sáng, trong sạch, có năng lực, sắc sảo; người trong sáng, trong sạch mà ù lì thì cũng không làm được việc.

Những người thực sự muốn chống tham nhũng nhưng lại tự thấy mình thiếu kiến thức, thiếu phương pháp, thì cũng nên “đứng sang một bên”, đừng chỉ vì thích chức mà ở lại, đừng xấu hổ vì mất chức.

Đặc biệt, đã tham gia vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thì không được ngại va chạm. Không thể chỉ vì “ông này, ông kia” làm to mà phải kiêng dè, ngại đụng chạm rồi dẫn đến “nhắm mắt cho qua”, thậm chí bao che cho sai phạm...”.

Ngân Chi