LTS: Chia sẻ những dòng tâm sự khi chứng kiến sự đổi thay của giáo dục trong gần 40 năm, nhà giáo Lộc Trang chỉ ra sự đứt gãy trong ba môi trường giáo dục: gia đình, nhà trường và xã hội hiện nay.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Gần 40 năm mang nghiệp nhà giáo, thời gian buông phấn không còn bao lâu, ngẫm lại mình cũng là suy tư nghề giáo trải qua hai giai đoạn xưa và nay. “Xưa” - chuyện cũ, là quá khứ nhưng thời quá khứ chưa xa.
Thời bao cấp, nghèo chung mọi ngành nghề nhưng khó khăn nhất mà xã hội, người đời thừa nhận là nghề giáo.
Vẫn còn nhớ đẳng thức: “Nhà giáo + nhà báo = nhà nghèo”.
Thầy cô trong những năm thập niên 80 thế kỉ trước không thể quên được câu đối theo lối nói lái: “Thầy giáo tháo giày, tháo cả ủng thủng cả áo, tháo giáo án dán áo”…
Rất nhiều câu đối vui về nhà giáo lan truyền xã hội qua cửa miệng người đời nhìn và cảm về cuộc sống nhà giáo.
Thú thật, bọn tôi lúc ấy đọc, nghe người khác đọc, ai nấy đều vui chính nghề của mình.
Vui trong cảnh nghèo, có phần hãnh diện về nghề trong sạch, nghề được xã hội – gia đình trân trọng, tôn vinh.
Ảnh minh họa trên vungtau.baria-vungtau.gov.vn |
Có lẽ bấy giờ câu ca dao xưa vẫn còn giá trị: “Muốn sang thì bắc cầu kiều / muốn con hay chữ phải yêu kính thầy”.
Nhớ lại chuyện cha mẹ dạy con vì bực quá thốt lên “mày lì lợm quá, tao lên mét (mách) thầy cô trị mày”.
Ngẫm ra thầy có uy lực đấy chứ! Hơn cả cha mẹ.
“Quân – Sư – Phụ” còn lẩn khuất đâu đó trong nhân gian. Tự hào, hãnh diện càng trọng hơn nghề của mình.
Cảm ơn nghề giáo đã nuôi tôi lay lắt trong những năm khốn khó cuộc đời. “Chuột chạy cùng sào” có chỗ “nhảy vào sư phạm”.
Đúng là nghề quyền lực khi đứng trên bục giảng, thầy có trong tay công cụ giáo dục hiệu quả đối học sinh thời này: bút ghi điểm, thước khẽ tay khi phán xét sai phạm của học sinh.
Các em “sợ” mà không hoảng loạn, “sợ” trong tâm thế nể phục, kính trọng.
“Sợ” thầy cô cũng là công cụ để em tự giáo dục chính mình.
Lời quở trách nghiêm khắc, cái khẽ tay mà sau này có em nhận ra “Vết đỏ trên tay con / hóa dấu son một thời).
Hình thức xử phạt như thế, xưa đâu gọi là bạo lực tinh thần hay xúc phạm trẻ em(?!) Nói thế để nhận ra ngày xưa thầy cô còn có công cụ giáo dục hữu hiệu.
Nay thì sao? Thực trạng người thầy thời nay, đâu đó có một số hiện tượng vi phạm nghiêm trọng đạo đức, nhân phẩm nhà giáo. Đáng để nghiêm trị bằng pháp luật. Đáng buồn, xấu hổ!
Giáo viên có hình thức xử phạt học sinh một cách quái đản không ai tưởng tượng ra: bắt học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng làm dư luận “nổi nóng” gần đây.
Đó chỉ là cá biệt! Đừng vì những “con sâu” đó mà hất đổ cả “nồi canh”, dẫn đến cách nhìn thiếu tôn trọng nghề giáo.
Vẫn còn đó bao người thầy tâm huyết, hết lòng vì công tác giáo dục - đơn giản chỉ vì lòng tự trọng nghề nghiệp, tự trọng bản thân mình.
Vị thế người thầy “là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa – giáo dục”. Thời nay, xem ra “chiến sĩ” lui về thế “phòng thủ”, gia đình lại ở thế “tiến công”.
Vậy là sự kết hợp giữa gia đình – nhà trường nguy cơ tách rời, đẩy về hai cực đối lập.
Người thầy chỉ cần sơ sẩy hành vi xử phạt, dù nhỏ nhặt như ngày xưa, cũng có thể rơi vào tình thế “thất thủ”.
Học sinh lười học, vi phạm nội qui trường lớp, ỷ lại …có hệ thống, nay không còn gọi là học sinh “cá biệt” bởi số lượng diện này mỗi năm cứ lớn dần.
Nhắc nhở, khiển trách bằng lời, không tiến bộ! Viết kiểm điểm nhận lỗi, không sửa sai, không mảy may tác dụng!
Dùng các biện pháp khác mạnh tay hơn, cứng rắn hơn thì thầy cô ngại mang tiếng bạo hành, xúc phạm… chỉ vì giáo dục không trao cho thầy cô công cụ giáo dục hiệu quả.
Học sinh phải “trả giá” bởi sai phạm của mình bằng hình thức nào đây?
Đó là vấn đề mà giáo viên phải đối mặt khi đứng trên bục giảng!
Người thầy đang loay hoay tìm công cụ giáo dục là thế. Đồng nghiệp nói vui: lên lớp theo công thức “4 D” nghĩa là Dạy - Dỗ - Dụ - Dọa là an toàn nhất vì phù hợp nền giáo dục hiện đại(?).
Vẫn chưa ổn “dọa” là xúc phạm, khủng bố tinh thần. Tâm lí “sợ” của học trò xưa bị đảo chiều thành tâm lí “sợ” của giáo viên thời nay.
Từ vụ phụ huynh bắt cô giáo quỳ, tiếp đến học sinh bóp cổ cô giáo, học sinh đâm thầy giáo… chỉ vì thầy cô ấy quan tâm, nhắc nhở học sinh mình.
Khốn khổ thầy cô quan tâm quá mức mà gặp phải khốn đốn “tai bay vạ gió”! Phải chăng đây là hệ lụy sự bất hợp tác giữa 3 môi trường giáo dục.
Gia đình, nhà trường, xã hội không có công cụ giáo dục hiệu quả. Các em chỉ là đứa trẻ thơ ngây, trong sáng, vô tư cần được giáo dục, giáo dưỡng đúng hướng, nghiêm khắc hơn để tiến bộ.
Tiếc rằng chỉ có nhà trường, thầy cô đang xoay sở tìm “biện pháp giáo dục” an toàn nhất để đối phó áp lực từ nhiều phía.