Thầy giáo khiếm thị ở Quảng Nam mang âm nhạc xoa dịu nỗi đau của học trò

04/06/2022 06:57
THÀNH TRUNG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Âm nhạc của thầy Duy đã xóa tan sự mặc cảm, tự ti của những bạn nhỏ khuyết tật, để cùng nhau vượt lên trên số phận, gieo những mầm hạnh phúc cho đời.

Lướt nhẹ những ngón tay không còn lành lặn trên những phím đàn, thầy Đặng Ngọc Duy (sinh năm 1976, trú thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam) thả hồn mình vào những nốt nhạc.

Âm nhạc xoa dịu những nỗi đau, mất mát

Sinh ra cũng lành lặn và khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, nhưng năm lên 10 tuổi, một tai nạn về chất nổ đã vĩnh viễn cướp đi đôi mắt cùng bàn tay trái (chỉ còn 3 ngón) của thầy Duy.

Tình yêu âm nhạc của thầy Đặng Ngọc Duy đã xoa dịu nỗi đau của những đứa trẻ khuyết tật cùng cảnh ngộ. Ảnh: TTR.

Tình yêu âm nhạc của thầy Đặng Ngọc Duy đã xoa dịu nỗi đau của những đứa trẻ khuyết tật cùng cảnh ngộ. Ảnh: TTR.

“Những ước mơ, hoài bão của cuộc đời chưa kịp thực hiện thì vụ tai nạn ấy đã cướp đi tất cả. Với một cậu bé 10 tuổi lúc ấy, đó là cú sốc lớn nhất, nghiệt ngã nhất.

Khi chúng bạn rủ đi chơi, đi học thì tôi lại phải dò dẫm theo những bức tường, cuộc sống ngột ngạt đến mức suy sụp. Một thời gian sau, tôi cũng dần làm quen với bóng tối và quyết tâm sẽ trở lại trường học với bạn bè”.

Cậu bé Duy ngày ấy đã phải vật lộn với nhiều khó khăn, thử thách khi vừa học chữ nổi để thêm kiến thức văn hóa, vừa dò dẫm bước vào con đường âm nhạc.

Bởi Duy nghĩ rằng, học văn hóa để thêm kiến thức, còn âm nhạc sẽ chữa lành mọi vết thương mà những đứa trẻ như Duy không may mang trên mình.

“Gia đình tôi lúc ấy ai cũng khuyên can, vì làm sao có thể chơi đàn guitar bằng đôi bàn tay khuyết tật ấy. Nhưng tôi đã đổi ngược cây đàn, chuyển sang bấm phím bằng tay phải, vì tay trái tôi chỉ còn 3 ngón”, thầy Duy chia sẻ.

Khó khăn bộn bề khi một người khiếm thị lần mò đi tìm từng nốt nhạc. Thầy Duy tâm sự rằng, để học được một nốt nhạc thì phải mất gần một buổi để cảm nhận trên đầu ngón tay.

Cảm nhận được rồi thì khi đánh lên phải thể hiện đúng âm điệu của nó. Phải mất gần một năm sau những ngày chập chững đến với guitar thì thầy Duy mới chơi được bản nhạc đầu tiên.

“Cảm giác lúc đó của mình vui sướng và hạnh phúc khôn tả. Những âm thanh phát ra khiến mình cảm thấy bóng tối không còn đáng sợ nữa, nó khiến lòng tự tin, tình yêu cuộc sống của mình nảy nở mạnh mẽ hơn, sục sôi hơn. Âm nhạc là một thứ kỳ diệu như thế”, thầy Duy nói.

Vừa học văn hóa, thầy Duy vừa chạy theo niềm đam mê âm nhạc của riêng mình. Không chỉ guitar, thầy còn “lấn” sang tập chơi organ, tập sáng tác nhạc.

Thầy giáo của những học trò khiếm khuyết

Bằng nghị lực vươn lên không mệt mỏi, thầy Duy đã thi đỗ vào ngành Sư phạm Ngữ văn của Trường Đại học Quảng Nam. Một chặng hành trình mới của thầy giáo trẻ lại bắt đầu.

Thầy Duy và những học trò cùng cảnh ngộ trong những ngày đầu mới thành lập trung tâm. Thời điểm đó, trung tâm còn khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Ảnh: NVCC

Thầy Duy và những học trò cùng cảnh ngộ trong những ngày đầu mới thành lập trung tâm. Thời điểm đó, trung tâm còn khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Ảnh: NVCC

“Ngày ấy, vào được đại học là cả một niềm mơ ước. Nhưng để hoàn thành nó thì còn gian nan, vất vả hơn bội phần.

Bởi việc tiếp cận bài vở của sinh viên khiếm thị rất khó khăn, phải trông chờ vào sự giúp đỡ của bạn bè, thầy cô. Tôi thường phải mất nhiều thời gian hơn trong việc học và tiếp thu bài vở bởi phải nghe lại lời giảng từ băng cát-sét”.

Bỏ lại đằng sau những trở ngại, năm 2009, Duy tốt nghiệp đại học. Với tấm bằng cử nhân Sư phạm cũng như tình yêu thương những đứa trẻ cùng cảnh ngộ, Duy thành lập "Mái ấm Hướng Dương" và nhận nuôi các em bị khiếm thị, khiếm thính, tự kỷ… ở các huyện của Quảng Nam về nuôi dạy văn hóa miễn phí.

Để có thể duy trì cơ sở dạy học, anh Duy tìm kiếm và xin tài trợ từ các nhà hảo tâm. Năm 2018, mái ấm được đổi tên thành Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tư thục Hướng Dương Việt.

“Mỗi cuộc đời ở Trung tâm là một cảnh đời khác nhau. Tôi cùng với các em bước đi trên cùng một con đường và nhiệm vụ của người đi trước là dẫn dắt các em đến với hạnh phúc, với sự tự tin trong cuộc sống.

Ở đây, ngoài dạy học văn hóa, tôi còn dạy các em các loại nhạc cụ. Và tôi vẫn tin rằng, âm nhạc sẽ phần nào xóa đi nỗi đau mà các em đang hàng ngày gánh chịu”, thầy Duy chia sẻ thêm.

Thầy Duy cũng vui vẻ khoe vào cuối tháng 4 vừa qua, thầy vừa ra mắt album đầu tiên với tựa đề “Việt Nam hát lên” gồm 11 tác phẩm do chính thầy sáng tác, phổ nhạc.

Đó là những bài hát thể hiện tiếng lòng, tình yêu của một con người đã từng trải qua nhiều đắng cay, mất mát. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, thì trong mỗi lời ca, tiếng hát của người thầy khiếm thị vẫn cháy lên ngọn lửa lạc quan, yêu đời.

THÀNH TRUNG