Thay đổi hành vi thực hiện dinh dưỡng hợp lý vì một Việt Nam khỏe mạnh

15/10/2022 06:23
Lam An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát đi thông điệp truyền thông Tuần lễ "Dinh dưỡng và Phát triển" từ ngày 16 đến ngày 23/10/2022.

Theo đó, hưởng ứng Ngày Lương thực thế giới (16/10 hằng năm) do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hiệp quốc (FAO) phát động nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tạo sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn thể người dân về dinh dưỡng hợp lý, Cục An toàn thực phẩm đưa ra thông điệp truyền thông cụ thể như sau:

1. Sử dụng đa dạng, phối hợp các loại thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày; ưu tiên lựa chọn các loại thực phẩm theo mùa sẵn có tại địa phương;

2. Tăng cường tiêu thụ các loại rau, củ, trái cây; các thực phẩm giàu chất xơ, giàu vi chất dinh dưỡng;

3. Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến sẵn có nhiều đường ngọt, muối, chất béo; tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi để góp phần phòng chống thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm;

4. Nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ tối ưu trong 1000 ngày đầu đời giúp trẻ phát triển toàn diện cả tầm vóc và trí tuệ;

5. Thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm; đọc kỹ nhãn mác và các thông tin dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm trước khi mua và sử dụng.

Giờ ăn trưa của các em học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội. Ảnh: Sơn Trà

Giờ ăn trưa của các em học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội. Ảnh: Sơn Trà

Mọi người đều có quyền bình đẳng để có được bữa ăn dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh.

Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển tiếp tục khẳng định vai trò của dinh dưỡng đối với sức khỏe con người. Không những vậy, nó còn là nền tảng để cải thiện giống nòi và đảm bảo sự phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững.

Dinh dưỡng được hiểu đơn giản là những đồ ăn, thức uống được dung nạp vào cơ thể qua các bữa ăn để đảm bảo các hoạt động hàng ngày cũng như duy trì sự sống của con người. Vì một lý do nào dẫn đến thiếu hoặc thừa dinh dưỡng đều có những ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.

Thiếu dinh dưỡng dễ dẫn đến suy kiệt cơ thể, suy dinh dưỡng bào thai, sảy thai, đẻ non… thừa dinh dưỡng có thể dẫn đến béo phì, tăng huyết áp cũng như một số bệnh về tim mạch khác.

Khi đã mắc bệnh thì sức khỏe bị suy giảm, kéo theo đó là tốn kém về kinh tế trong điều trị, cũng như giảm thu nhập của gia đình khi năng suất lao động bị giảm. Chính vì vậy việc đảm bảo dinh dưỡng hợp lý là một vấn đề hết sức quan trọng nhằm nâng cao sức khỏe, ổn định kinh tế gia đình và cải thiện giống nòi, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội nói chung.

Lam An