Thầy cô dạy các môn tích hợp cần chủ động tự đổi mới, nâng cao trình độ

06/02/2022 06:43
Vũ Hoàng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một trong những điểm đổi mới, nổi bật nhất trong Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chủ trương tích hợp liên môn.

Trong thời gian qua, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có nhiều bài viết về dạy học tích hợp theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nhiều băn khoăn của “người trong cuộc” - các thầy cô đang dạy và sắp dạy môn tích hợp, cả giáo viên ngoài cuộc cho thấy còn không ít những “lấn cấn” về vấn đề này.

Định hướng tích hợp trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Chương trình cải cách giáo dục năm 2000 đã được xã hội ghi nhận có nhiều thành tựu giúp thay đổi giáo dục nước nhà.

Thế nhưng, những bất cập vẫn còn tồn tại như chương trình nặng về kiến thức hàn lâm, một số môn học còn áp lực điểm số, nội dung còn trùng lặp, lặp đi lặp lại ở các môn học, các cấp học, quá tải về nội dung mà chưa chú ý đến phát triển phẩm chất, năng lực cho người học.

Chính vì vấn đề đó, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đã được đặt ra với quan điểm xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực cho học sinh.

Theo tìm hiểu của người viết, việc dạy học tích hợp là xu thế mà các nền giáo dục phát triển đã xây dựng và thực hiện như Canada, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật, Pháp, Singapore,….

Một trong những điểm đổi mới, nổi bật nhất trong Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chủ trương tích hợp liên môn.

Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn
Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn

Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng dạy học tích hợp theo 3 định hướng: Tích hợp nội môn: Trong một môn học, phối hợp vận dụng phương pháp và kiến thức của nhiều khoa học khác nhau để đạt được mục tiêu giáo dục.

Tích hợp liên môn: Là hình thức tích hợp đơn giản, ở mức độ thấp, các mạch nội dung khác nhau của một môn học tích hợp, do yêu cầu đặc thù về chuyên môn, được đặt cạnh nhau, nhằm tạo ra mối liên hệ ngang trong quá trình dạy và học, giúp soi sáng cho nhau trong quan hệ tương hỗ để cùng đạt được mục tiêu của môn học.

Tích hợp xuyên môn: Là hình thức tích hợp cao và phức tạp, nội dung giáo dục của một số môn học chuyên ngành trước đây được tích hợp để tạo thành một môn học mới.

Các môn tích hợp ở tiểu học là Tự nhiên và Xã hội ở các lớp 1, 2, 3, Khoa học, Lịch sử và Địa lý ở các lớp 4, 5. Ở cấp Trung học cơ sở là Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí. Ở cấp Trung học phổ thông là Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Xuân Thành: “Dạy học tích hợp có nghĩa là đưa những nội dung giáo dục có liên quan vào quá trình dạy học các môn học như: tích hợp giáo dục đạo đức, lối sống; giáo dục pháp luật; giáo dục chủ quyền quốc gia về biên giới, biển, đảo; giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông...

Còn dạy học liên môn là phải xác định các nội dung kiến thức liên quan đến hai hay nhiều môn học để dạy học, tránh việc học sinh phải học lại nhiều lần cùng một nội dung kiến thức ở các môn học khác nhau.

Đối với những kiến thức liên môn nhưng có một môn học chiếm ưu thế thì có thể bố trí dạy trong chương trình của môn đó và không dạy lại ở các môn khác.

Trường hợp nội dung kiến thức có tính liên môn cao hơn thì sẽ tách ra thành các chủ đề liên môn để tổ chức dạy học riêng vào một thời điểm phù hợp, song song với quá trình dạy học các bộ môn liên quan”.

Giáo viên còn nhiều khó khăn, băn khoăn khi dạy học tích hợp liên môn

Đến thời điểm này, chương trình bồi dưỡng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới cho giáo viên đại trà đã triển khai xong các mô đun 1, 2, 3, 4, 5. Trong đó, các mô đun 1, 2, 3, 4 là các mô đun quyết định để triển khai chương trình mới. Các khối lớp 1, 2, 6 đã bước vào học chương trình mới. Thế nhưng, trên báo chí, truyền thông, các trang mạng xã hội vẫn còn đó nhiều băn khoăn của một bộ phận giáo viên.

Thực tế, ở một số địa phương giáo viên trung học cơ sở dạy liên môn đang lúng túng khi nhiều giáo viên dạy chung 1 sách.

Những khó khăn, bất hợp lí được giáo viên đưa ra tập trung vào các vấn đề như: Một giáo viên không thể dạy tất cả các môn, một liên môn có nhiều giáo viên dạy, sinh hoạt chuyên môn tổ bộ môn còn phân tán gặp nhiều trở ngại, công tác quản lý chuyên môn của nhà trường, phòng giáo dục và đào tạo, sở giáo dục và đào tạo, việc kiểm tra đánh giá học sinh cuối học kỳ, cuối năm học, giáo viên phải chi trả số tiền không nhỏ đi học bồi dưỡng các chứng chỉ để dạy học tích hợp... Đúng là muôn hình vạn trạng những lí do, bất cập được đưa ra.

Mới đây, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tác giả bài viết “Đến giờ tôi vẫn không hiểu nổi sao Bộ lại "tích hợp" 2-3 môn vào 1 sách” đã đưa ra những vướng mắc cần tháo gỡ cho giáo viên:

“Trong các môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở ở chương trình mới thì Bộ đã có chủ trương sẽ bồi dưỡng giáo viên các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học sẽ dạy cả môn Khoa học tự nhiên; giáo viên các môn: Lịch sử, Địa lý để dạy môn học mới là Lịch sử và Địa lí.

Điều này được hướng dẫn cụ thể trong Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT.

Các môn học như: Nghệ thuật, Nội dung giáo dục địa phương thì phân môn của ai người đó dạy. Riêng đối với Hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp thì dành cho… giáo viên chủ nhiệm lớp đảm nhận.

Với lực lượng nhân sự hiện tại - nhất là những thầy cô đã ra trường trên dưới 20 năm thì việc bồi dưỡng thêm kiến thức phân môn khác để dạy cả môn học tích hợp như môn Khoa học tự nhiên là điều vô cùng nan giải.

Bởi, kiến thức phổ thông thì giáo viên đã bỏ quá lâu, chỉ riêng học lại các khái niệm, công thức, kí hiệu…các phân môn khác là cả một quá trình dài”.

Những nút thắt được tháo gỡ để thực hiện dạy học các môn tích hợp

Việc dạy học tích hợp đã được giáo viên các cấp Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông làm quen và tiếp cận hơn chục năm nay.

Những nội dung mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa vào lồng ghép tích hợp trong các môn học thời gian qua là: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, giáo dục pháp luật, giáo dục quốc phòng và an ninh, giáo dục phòng chống tham nhũng, giáo dục biển, đảo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường, giáo dục an toàn giao thông, đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai...

Chính vì thế, giáo viên đã có tâm thế, kinh nghiệm trong giảng dạy tích hợp. Có chăng là chương trình mới được thực hiện tích hợp khoa học hơn, bài bản hơn, phương pháp, kĩ thuật dạy học, cách đánh giá học sinh thay đổi theo hướng phát triển về phẩm chất, năng lực người học…

Về lâu dài, khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, các trường sư phạm đã và đang đào tạo giáo viên dạy học theo các môn tích hợp. Song song đó là chương trình bồi dưỡng giáo viên để dạy toàn bộ môn học tích hợp.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí ở Trung học cơ sở, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội ở Trung học phổ thông, nhà trường phân công dạy mạch chủ đề phù hợp với chuyên môn đào tạo của giáo viên, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các giáo viên trong việc dạy học và đánh giá học sinh.

Khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6 từ năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH ngày 23 tháng 6 năm 2021 của Bộ Giáo dục và đào tạo về việc” triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022” hướng dẫn cụ thể việc dạy học các môn tích hợp ở cấp Trung học cơ sở như sau:

1. Môn Lịch sử và Địa lí

a) Chương trình môn Lịch sử và Địa lí bao gồm phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí, mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng, trong đó nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau; nội dung Lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Địa lí và nội dung Địa lí tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Lịch sử.

Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên.

Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học.

b) Kế hoạch dạy học môn học được xây dựng theo từng phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí, các phân môn được bố trí dạy học đồng thời trong từng học kì phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường.

c) Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học theo từng phân môn. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng bao gồm nội dung phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí theo tỷ lệ phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học của mỗi phân môn đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

2. Môn Khoa học tự nhiên

a) Chương trình môn Khoa học tự nhiên bao gồm các chủ đề: Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống, Năng lượng và sự biến đổi, Trái Đất và bầu trời.

Các chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, đồng thời có một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lí, quy luật chung của thế giới tự nhiên.

Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên.

Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học các chủ đề hoặc toàn bộ chương trình môn học.

b) Kế hoạch dạy học môn học được xây dựng phù hợp với logic sắp xếp các chủ đề của chương trình môn học và điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường.

Căn cứ vào điều kiện thực tế, nhà trường có thể tổ chức dạy học đồng thời các chủ đề trong từng học kì, bảo đảm tính khoa học, sư phạm, phù hợp với nội dung môn học.

c) Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong mỗi học kì được thực hiện trong quá trình dạy học môn học theo kế hoạch.

Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng gồm nội dung của các chủ đề đã thực hiện theo kế hoạch dạy học, bảo đảm tỷ lệ phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

Bên cạnh đó, chúng ta cần tháo gỡ những băn khoăn, những khó khăn để giáo viên các môn tích hợp dạy tốt môn học này:

Thứ nhất, các tỉnh thành cần có kế hoạch, sự đầu tư, hỗ trợ toàn bộ kinh phí tham gia bồi dưỡng, đào tạo cho giáo viên dạy môn học tích hợp.

Thứ hai, các cơ sở giáo dục, sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo chú trọng đến việc phát triển năng lực giáo viên qua tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề, dự giờ rút kinh nghiệm… đối với các môn dạy học tích hợp.

Thứ ba, hình thành và phát triển cộng đồng học tập của giáo viên dạy môn tích hợp để thầy cô giáo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, học hỏi đồng nghiệp các tỉnh thành…

Như vậy, để đạt được mục tiêu dạy học các môn tích hợp của Chương trình giáo dục phổ thông mới, đội ngũ giáo viên dạy học môn tích hợp là rất quan trọng.

Giáo viên các môn học này cần nhìn nhận một cách thấu đáo, phải tự đổi mới mình, tự học, tự bồi dưỡng và nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm mới mong đáp ứng được yêu cầu đổi mới, góp phần vào việc đào tạo thế hệ học sinh không chỉ giỏi về kiến thức mà còn phát triển toàn diện cả về phẩm chất lẫn năng lực.

Khi giáo viên có tâm thế chủ động, sáng tạo, vững vàng tay nghề và tích cực trong dạy học các môn học tích hợp thì việc thực hiện Chương trình giáo dục mới sẽ thành công.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Vũ Hoàng