Tại sao các nhà xuất bản chưa giảm giá sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 6?

07/05/2022 06:15
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đề nghị cơ quan chức năng giám sát giá sách giáo khoa kiên quyết loại các chi phí không phát sinh ra khỏi cơ cấu giá sách giáo khoa tái bản.

Thời gian qua, câu chuyện giá sách giáo khoa tăng chóng mặt ảnh hưởng đến hàng chục triệu phụ huynh học sinh, đã được dư luận lên tiếng.

Báo Laodong.vn viết “Giá sách giáo khoa mới tăng 2-3 lần giá hiện hành, phụ huynh "chóng mặt"[1]; báo dantri.com.vn viết “Giá SGK mới tăng 2-3 lần: Khi giáo dục bị thương mại hóa nặng”[2]…

Một trong những nguyên nhân tăng giá sách giáo khoa, chính là “giáo dục bị thương mại hóa nặng”, vậy có cách nào định lại giá sách giáo khoa, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng?

Đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định sau khi công bố giá sách các lớp 3, 7, 10: "Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã đặt tiêu chí phục vụ ngành và xã hội lên hàng đầu. Với phương châm phục vụ là mục đích, kinh doanh là phương tiện đã tiết giảm tối đa các chi phí đầu vào để có giá bán sách giáo khoa phù hợp với mức chi phí của đại đa số các gia đình có con em đi học".[3]

Giá sách giáo khoa được xây dựng dựa trên các yếu tố: số lượng cuốn sách giáo khoa trong bộ sách giáo khoa mới (theo chương trình mới có sự điều chỉnh so với chương trình hiện hành); chi phí tổ chức bản thảo (gồm chi phí nhuận bút, biên tập, thiết kế, chế bản, đọc góp ý, thực nghiệm…); chi phí vật tư, công in; chi phí marketing.

Tại sao các nhà xuất bản chưa giảm giá sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 6?

Với cơ chế hiện nay, các địa phương đã chọn sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 6... của các năm học trước như thế nào, thì năm học sau cũng vậy.

Vì thế các nhà xuất bản không còn mất chi phí tổ chức bản thảo (gồm chi phí nhuận bút, biên tập, thiết kế, chế bản, đọc góp ý, thực nghiệm…) marketing cho sách lớp 1, lớp 2, lớp 6 ... (sách tái bản).

Khi sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 6 là sách tái bản, các chi phí biên tập, thiết kế, chế bản, đọc góp ý, thực nghiệm… chi phí marketing không phải chi nữa, hay nói cách khác các chi phí biên tập, thiết kế, chế bản, đọc góp ý, thực nghiệm… chi phí marketing không được tính vào giá thành sách giáo khoa tái bản.

Ảnh minh hoạ: Hanoimoi.com.vn

Ảnh minh hoạ: Hanoimoi.com.vn

Vì vậy, bắt buộc sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 6 xuất bản năm học 2022-2023 phải rẻ hơn sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 6 xuất bản năm học 2021-2022.

Thực tế, không phải như vậy, giá sách giáo khoa lớp 1 năm học 2021-2022 vẫn bằng giá sách xuất bản năm học 2020-2021.

Người viết lấy ví dụ cụ thể bộ sách Chân trời sáng tạo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: sách Tiếng Việt 1 – tập 1 vẫn giữ giá 33.000 đồng, sách Tiếng Việt 1 – tập 2 vẫn giữ giá 31.000 đồng; sách Toán 28.000 đồng; Tự nhiên và Xã hội 24.000 đồng…

Như vậy, các nhà xuất bản đã “quên” trừ đi các chi phí không phát sinh trong sách tái bản để tính giá thành sách, gây thiệt hại cho người tiêu dùng khi sử dụng sách giáo khoa tái bản.

Không phải ngẫu nhiên mà nạn sách giáo khoa “lậu” vẫn hoành hành trong thời gian qua, dù cơ quan chức năng đã triệt phá không ít cơ sở in lậu.

Sách giáo khoa “lậu” chủ yếu là sách tái bản, giống hệt sách thật, in giá như sách thật, người tiêu dùng khó mà phân biệt được, thế nhưng vẫn phải trả giá sách thật.

Mức lãi của tình trạng in sách giả, sách lậu là "một vốn bốn lời" bởi không phí quản lý, không thuế, không tiền bản quyền, không nhuận bút.[4]

Điều này cũng cho ta thấy, nếu các nhà xuất bản không tính các chi phí biên tập, thiết kế, chế bản, đọc góp ý, thực nghiệm… chi phí marketing vào giá thành sách giáo khoa tái bản, chắc chắn giá sách tái bản sẽ thấp, không cao như hiện nay, khi đó lợi nhuận không còn "một vốn bốn lời", chẳng ai còn đi in “lậu” sách giáo khoa.

Vì vậy, trước năm học 2022-2023, người viết mong các nhà xuất bản giảm giá thành sách giáo khoa tái bản lớp 1, lớp 2, lớp 6, giảm gánh nặng cho phụ huynh học sinh.

Cùng với đó, đề nghị cơ quan chức năng giám sát giá sách giáo khoa nói chung, sách tái bản nói riêng, kiên quyết loại các chi phí không có ra khỏi cơ cấu giá sách giáo khoa tái bản.

Với phương châm phục vụ là mục đích, kinh doanh là phương tiện, mong Nhà xuất bản Giáo dục không tính các chi phí biên tập, thiết kế, chế bản, đọc góp ý, thực nghiệm… chi phí marketing vào giá thành sách giáo khoa tái bản, để giảm giá sách giáo khoa, giảm gánh nặng cho phụ huynh học sinh.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://laodong.vn/chinh-sach-giao-duc/gia-sach-giao-khoa-moi-tang-2-3-lan-gia-hien-hanh-phu-huynh-chong-mat-1039375.ldo

[2]https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/gia-sgk-moi-tang-2-3-lan-khi-giao-duc-bi-thuong-mai-hoa-nang-20220503205639544.htm

[3]https://tuoitre.vn/xon-xao-chuyen-sach-giao-khoa-moi-gia-cao-gap-2-3-lan-sach-hien-hanh-20220428213643681.htm

[4]https://vtv.vn/xa-hoi/ngan-chan-van-nan-sach-gia-20220429174551321.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến