SV ngành Mỹ thuật đô thị của ĐH Kiến trúc TP.HCM được doanh nghiệp đánh giá cao

27/09/2024 06:27
Châu Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - SV ngành Mỹ thuật đô thị, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM được đánh giá cao về kiến thức chuyên môn và sự sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của nhiều doanh nghiệp.

Năm 2018, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh là trường đại học đầu tiên đào tạo ngành Mỹ thuật đô thị tại Việt Nam.

Cử nhân ngành Mỹ thuật đô thị của trường được các doanh nghiệp đánh giá cao về kiến thức chuyên môn cũng như thái độ làm việc.

Sinh viên có nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Quang Hiếu, Trưởng phòng kiến trúc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Keppel Land Việt Nam, cho biết: "Với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh và sự chú trọng đến chất lượng không gian sống, ngành Mỹ thuật đô thị đóng vai trò quan trọng trong việc định hình diện mạo và bản sắc của các đô thị, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống".

Ông Hiếu nhấn mạnh rằng, các đô thị hiện đang chứng kiến quá trình chuyển đổi mạnh mẽ từ việc xây dựng công trình mới cho đến việc cải tạo không gian hiện có, tất cả đều đòi hỏi sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực này để đảm bảo tính thẩm mỹ, chức năng và sự hòa hợp với môi trường.

Ngoài ra, ông cũng lưu ý rằng nhu cầu về không gian sống không chỉ dừng lại ở khía cạnh thẩm mỹ, mà còn đòi hỏi sự tiện nghi, an toàn và thân thiện với môi trường, mở ra cơ hội lớn cho các chuyên gia Mỹ thuật đô thị thể hiện tài năng và sáng tạo.

"Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, mà còn góp phần xây dựng các đô thị bền vững và đáng sống hơn", ông nói thêm.

Chia sẻ về nhu cầu nhân sự tại Keppel Land, ông Hiếu cho biết hiện công ty cần số lượng nhân sự lớn cho các vị trí liên quan đến thiết kế cảnh quan, không gian công cộng và kiến trúc nội thất. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại về việc nhiều ứng viên còn thiếu kinh nghiệm thực tế, khả năng làm việc độc lập và tư duy sáng tạo.

Đồng quan điểm, ông Chiêm Thành Minh – Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Gốm sứ Hưng Thành Phát chia sẻ: “Trình độ nhân lực hiện nay chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Chúng tôi thường phải đầu tư thời gian và nguồn lực để đào tạo thêm cho nhân viên mới, đặc biệt là về kỹ năng thực hành và tư duy sáng tạo”.

Tuy vậy, cả hai đại diện doanh nghiệp đều cho rằng, nhân sự từ Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh có nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc về Mỹ thuật đô thị. Tuy một số bạn còn thiếu kinh nghiệm thực tế và cần thời gian để thích nghi với môi trường làm việc chuyên nghiệp, các nhân sự đã bước đầu nắm bắt tốt các nguyên tắc thiết kế, kỹ năng vẽ và sử dụng phần mềm chuyên dụng. Hơn nữa, các bạn có thái độ làm việc tích cực, ham học hỏi và sẵn sàng tiếp thu những ý kiến đóng góp.

Nhìn chung, hai đại diện đều đánh giá cao chất lượng đào tạo của trường và mong muốn tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ đây.

Chương trình học tích hợp nhiều kỹ năng

Tiến sĩ Trần Thanh Nam, Trưởng khoa Mỹ thuật, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sinh viên ngành Mỹ thuật đô thị sẽ được nhà trường trang bị các kỹ năng thực hành cụ thể, từ đó các bạn có khả năng tạo ra các tác phẩm mỹ thuật phù hợp với không gian kiến trúc và đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ đô thị tại Việt Nam.

Trong quá trình học tập, sinh viên còn được tiếp cận với các yếu tố như hình khối, màu sắc, bố cục, không gian, cùng những quy luật tạo hình để phát triển quan niệm thẩm mỹ chuyên ngành.

Các môn thực hành mỹ thuật giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng vẽ, sáng tác bố cục, sử dụng chất liệu chuyên ngành và thiết kế không gian văn hóa – mỹ thuật. Qua đó, sinh viên hình thành nhãn quan thẩm mỹ về hình khối, màu sắc, chất liệu và không gian trong môi trường đô thị.

406129783_122140634270032039_470064649954458504_n.jpg
407671091_122141480396032039_2799239378201863406_n.jpg
Sinh viên ngành Mỹ thuật đô thị, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh trong giờ thực hành. Ảnh: website nhà trường

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo của ngành Mỹ thuật đô thị của Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng trên nền tảng kiến thức của các lĩnh vực Mỹ thuật, Kiến trúc và Quy hoạch.

Kiến thức trong những lĩnh vực đó, kết hợp với các đồ án thực tế liên quan đến vị trí các khu đất và công trình kiến trúc trong đô thị khiến các tác phẩm mỹ thuật đô thị của sinh viên, không chỉ có tính khả thi cao, mà còn đáp ứng được các yêu cầu của thiết kế đô thị. Minh chứng cho điều này là sinh viên khoa Mỹ thuật đã giành nhiều giải thưởng lớn trong các cuộc thi mỹ thuật đô thị quốc tế và quốc gia.

Ngoài việc tham gia vào lĩnh vực mỹ thuật đô thị, thầy Nam cho biết sinh viên còn có khả năng sử dụng tốt các chất liệu hội họa như màu nước, lụa, sơn mài, màu dầu, cũng như các chất liệu điêu khắc như nhựa tổng hợp, gốm, kim loại. Nhờ đó, các bạn có thể sáng tạo như những nghệ sĩ độc lập, tham gia triển lãm nghệ thuật do Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Theo thầy Nam, khoa Mỹ thuật đang ngày càng phát triển cả về đội ngũ giảng viên lẫn chất lượng đào tạo. Đội ngũ giảng viên của khoa được đào tạo bài bản từ các quốc gia như Nga, Mỹ, Ý và các trường đào tạo nghệ thuật trong nước, luôn lấy phương châm "Đem kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm hành nghề mỹ thuật phục vụ tốt nhất cho sinh viên" làm kim chỉ nam trong công tác giảng dạy.

Chia sẻ về lý do chọn ngành học này, sinh viên Nguyễn Thụy Thục Anh bày tỏ: "Ngay từ ban đầu, em đã yêu thích nghệ thuật và sáng tạo. Em nhận thấy ở Việt Nam, các đô thị vẫn còn rất nhiều tiềm năng có thể khai thác thông qua việc xây dựng các tác phẩm mỹ thuật, giống như nhiều nước trên thế giới đã làm. Điều đặc biệt là ngành này cho phép em kết hợp cả kiến trúc và hội họa trong các tác phẩm, mang lại cho em sự hứng thú khi thực hiện đồ án, vậy nên em đã lựa chọn theo học ngành này".

Thục Anh cho biết chương trình đào tạo ngành Mỹ thuật đô thị tại trường tích hợp nhiều kỹ năng, từ bản vẽ kỹ thuật, vẽ tranh sơn dầu, lụa, mài đến điêu khắc và làm mô hình.

Ngoài ra, Thục Anh còn được học các môn đến từ các khoa khác như kiến trúc, quy hoạch, xây dựng, mỹ thuật công nghiệp và kiến trúc nội thất, giúp nữ sinh có được những kiến thức cơ bản từ nhiều lĩnh vực.

Theo Thục Anh, việc học nhiều kỹ năng giúp em có thêm cơ hội lựa chọn nghề nghiệp và tìm ra thế mạnh cá nhân. Dù chưa đi làm, nhưng nhờ chương trình học đề cao sự sáng tạo và kỹ năng thực tế, em đã tìm ra được định hướng và phong cách cá nhân để phát triển.

“Đối với các học phần thực hành, trong quá trình học, em được thực hành rất nhiều chứ không chỉ nghe lý thuyết. Các giảng viên luôn hướng dẫn từng sinh viên để tạo ra các tác phẩm tốt nhất. Ở một số môn học, sinh viên còn có cơ hội tham quan thực tế các công trình nổi tiếng trong thành phố”, nữ sinh nói.

406145257_122140499534032039_3874538804641379949_n.jpg
Sinh viên ngành Mỹ thuật đô thị, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh tham gia tương tác và thi công các tác phẩm sắp đặt trong sự kiện Giải thưởng Nội thất Hoa Mai Exhibition 2023-2024. Ảnh: website nhà trường

Sinh viên cần sớm tích lũy kinh nghiệm thực tế

Bàn về cơ hội việc làm cho các cử nhân tương lai ngành Mỹ thuật đô thị, Tiến sĩ Trần Thanh Nam cho biết, sau khi tốt nghiệp, các bạn có thể tham gia thiết kế các tác phẩm mỹ thuật đô thị tại các văn phòng, xưởng thiết kế kiến trúc, hoặc làm việc tại các công ty chuyên về mỹ thuật.

Ngoài ra, các bạn có thể tư vấn, lập dự án và thi công các công trình mỹ thuật đô thị, đồng thời phối hợp với các ngành nghệ thuật tạo hình như Kiến trúc, Thiết kế công nghiệp, Mỹ thuật ứng dụng, Thiết kế đồ họa để đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Thầy Nam nhấn mạnh rằng, để có thể học tốt và làm tốt trong lĩnh vực này, sinh viên trước tiên cần có năng khiếu và đam mê mỹ thuật, cùng với khả năng tự học, tự rèn luyện các kỹ năng thực hành để nâng cao kiến thức.

Bên cạnh đó, việc nắm vững kiến thức cơ bản về các ngành Kiến trúc, Quy hoạch và các ngành liên quan là nền tảng giúp sinh viên phát triển ý tưởng và khả năng tư duy sáng tạo.

Cùng bàn về vấn đề này, ông Lê Quang Hiếu cho rằng ngoài các kiến thức chuyên môn, những kỹ năng mềm như sáng tạo, làm việc nhóm, giao tiếp, quản lý thời gian và giải quyết vấn đề là rất quan trọng trong ngành Mỹ thuật đô thị.

Ngoài ra, theo ông Hiếu, việc tích lũy kinh nghiệm thực tế thông qua các dự án và thực tập là cần thiết để sinh viên có thể xây dựng portfolio của mình. Đặc biệt, khả năng giao tiếp tốt bằng tiếng Anh sẽ là một lợi thế lớn cho sinh viên, cùng với việc cập nhật liên tục các xu hướng mới để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Châu Anh