Suy nghĩ từ “thư cầu cứu khẩn cấp” của người nông dân

18/01/2017 09:16
Xuân Dương
(GDVN) - Nếu báo chí ủng hộ nông dân thì vì sao họ lại phải kêu lên: “Còn báo đài truyền thông là họ nói vậy để bán hàng giá cao chứ làm gì có chuyện hút hàng”.

Một tờ báo ngày 5/1/2017 có bài: “Sôi động thị trường rau màu Tết từ ĐBSCL”, cho biết:

Hiện nay, mỗi ngày thương lái từ nhiều nơi đến tận ruộng của nông dân để thu mua hàng chục tấn rau màu mang đi tiêu thụ tại các tỉnh như: Long An, Kiên Giang, Vĩnh Long, TP.HCM và Campuchia… bắp cải có giá từ 12.000 - 15.000 đồng/kg”. 

Thực hư chuyện này là như thế nào?

Xin trích nguyên văn một phần bức thư của một nông dân gửi Báo điện tử giáo dục Việt Nam và các cơ quan báo chí:

"ĐƠN THƯ CẦU CỨU KHẨN CẤP

Kính gửi CƠ QUAN BÁO CHÍ & TRUYỀN THÔNG

Tôi tên là Trịnh Tiến Đạt, sinh năm 1987, quê Thanh Hóa,  ĐT: 0964 415 595 – 0932 715 575
Email: trinhtiendat1987@gmail.com (
Tòa soạn đã liên lạc và anh Đạt đồng ý công khai thông tin cá nhân của mình)

Hiện nay tôi đang trồng rau sạch tại Ấp Bình Hòa 2, Xã Đức Hòa Thượng, Huyện Đức Hòa, Tỉnh Long An.

Hôm nay tôi phải gửi đơn thư này CƠ QUAN BÁO CHÍ & TRUYỀN THÔNG là vì tôi cảm thấy không còn cách nào khác và tôi cũng không thể tìm ra cách nào khác để có thể giải quyết được khó khăn, nghịch lí mà cá nhân tôi cũng như những bà con nông dân khác đang phải gánh chịu từ trước đến nay…

Có những đơn vị thu mua phát biểu trên truyền thông, báo chí rằng họ phải mua với nông dân tại vườn với giá lên đến 20.000đ/kg.

Suy nghĩ từ “thư cầu cứu khẩn cấp” của người nông dân ảnh 1

Niềm vui chân chính và nỗi buồn cần rũ bỏ của Báo chí Việt Nam

Nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại, tôi đã chào bán cho các đơn vị, cơ sở sơ chế, hợp tác xã, công ty thu mua thì đều nhận được câu trả lời không mua nữa, rau đã quá nhiều rồi, có những đơn vị chỉ trả giá 4.000 đến 5.000/kg. Thương lái tới tận vườn chỉ trả giá 5.000/kg là cao nhất. (mua tại vườn)

Họ nói bây giờ nhiều rau lắm, ở chợ Bình Điền thì rau miền tây đưa lên, chợ Thủ Đức thì rau Đà Lạt xuống, chợ Hooc Môn thì khu Bình Chánh, Hooc Môn người dân sở tại trồng quá trời, mua tại vườn giá chỉ được nhiêu đó thôi.

Còn báo đài truyền thông là họ nói vậy để bán hàng giá cao chứ làm gì có chuyện hút hàng.

Vườn rau của tôi nếu bán với giá 5000/kg thì chắc chắn sẽ lỗ thậm chí vỡ nợ vì không đủ chi trả tiền thuê đất, phân bón, làm đất, nhân công…

Tổng cộng tất cả chi phí cho vườn rau tính đến khi thu hoạch là 56.000.000đ (năm mươi sáu triệu đồng) tất cả đều là vay nợ để làm.

Vì tiếp nhận những thông tin vui, tích cực từ báo chí, truyền thông nên tôi mới quyết định vay mượn để đầu tư trồng rau sạch…"

Theo bài báo đã dẫn, rau từ đồng bằng sông Cửu Long buôn lên Long An, còn chính người trồng rau Long An phải kêu cứu khẩn cấp trước nguy cơ vỡ nợ vì không bán được rau sạch mình trồng?

Người nuôi cá từng khốn khổ vì thông tin trên báo chí: “cá điêu hồng bị nhiễm chất trifluralin”. Cũng chính báo chí sau đó lại viết: “Cá điêu hồng nhiễm chất gây ung thư' là tin đồn”, bài báo kết luận:

Tin đồn thất thiệt về việc ăn cá điêu hồng sẽ bị bệnh ung thư làm cho giá cá ở Đồng Tháp liên tục giảm, người nuôi cá điêu hồng bị thua lỗ nặng”. [1]

Chuyện giá rau quả những vùng bị thiên tai, lũ lụt hay vào dịp Tết lên xuống là điều bình thường, điều đáng để suy nghĩ là khi đưa thông tin lên báo, bài báo đó rốt cuộc mang lại lợi ích cho ai, cho người trồng rau hay cho người buôn bán? 

Nếu báo chí không lên tiếng ủng hộ người nông dân thì ủng hộ ai?

Và nếu báo chí ủng hộ nông dân thì vì sao họ lại phải kêu lên: “Còn báo đài truyền thông là họ nói vậy để bán hàng giá cao chứ làm gì có chuyện hút hàng”.

Thông tin trên báo chí, truyền thông có tác động lớn đến bà con nông dân. (Ảnh minh họa trong bài viết trên vcci.com.vn)
Thông tin trên báo chí, truyền thông có tác động lớn đến bà con nông dân. (Ảnh minh họa trong bài viết trên vcci.com.vn)

Để kiểm chứng, người viết đã tới một vài chợ ven đô Hà Nội, một củ su hào nặng từ 600-800 gr có giá đồng hạng là 3.000 đồng, một kg cà chua loại ngon nhất có giá từ 5.000 - 7.000 đồng, rau cải chip (giống cải thìa) có giá 3.000 đồng một mớ (khoảng 0,5 kg), đắt nhất là mặt hàng ớt tươi, 1.000 đồng chỉ được 02 quả to bằng đầu đũa.

Xin nhấn mạnh rằng đây là giá bán tới tay người tiêu dùng (chưa mặc cả) và cũng xin nói thêm đó là giá mà người viết hỏi trực tiếp người bán hàng.

Một ngày sau khi bài báo nói trên được đăng, ngày 6/1/2017 trong bài “Hô biến rau quả Trung Quốc thành hàng trong nước” trên Vcci.com.vn (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) viết:

Đến hẹn lại lên, cứ dịp cuối năm, rau quả Trung Quốc giá rẻ lại ùn ùn đổ về các chợ đầu mối nông sản bất chấp rau quả trong nước rất dồi dào”. [2]

Bài báo có đoạn: “trong bối cảnh rau quả Trung Quốc giá rẻ vẫn ùn ùn đổ về các chợ mỗi ngày thì rau quả trong nước được mùa, lượng cung dồi dào và giá  rất rẻ…

Hiện, xã viên của HTX Phương Bản bán cải bắp tại ruộng chỉ có giá 1.000-1.500 đồng/kg, su hào loại to được 3.000 đồng/củ, loại nhỏ 10.000 đồng/4 củ”.

Vì sao lại có những thông tin trái ngược đến khó tin như vậy trên báo chí khi giá bắp cải trong hai bài báo đã dẫn chênh nhau tới 10 lần? 

Trong bài “Vui buồn với báo chí Việt Nam năm 2016”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn viết:

Có thể nói, việc 50 cơ quan báo chí bị Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt, nhiều nhà báo bị thi hành kỷ luật, bị thu thẻ nhà báo trong vụ "nước mắm nhiễm thạch tín" là sự cố báo chí lớn nhất trong năm, đó thật sự là nỗi buồn, là sự cố đáng hổ thẹn của giới báo chí chính thống nước nhà.

Ðây là điển hình của sự câu kết giữa các nhà báo thoái hóa, biến chất với một "nhóm lợi ích", gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh lành mạnh của đất nước, gây bất bình cho đông đảo người dân. Sự cố này là "điểm trừ" đối với uy tín của giới báo chí”.

Tháng 2 năm 2016, bà con trồng dưa ở Gia Lai phải mang dưa cho bò ăn vì giá rớt, bán ế không ai mua. Ảnh của thanhnien.vn
Tháng 2 năm 2016, bà con trồng dưa ở Gia Lai phải mang dưa cho bò ăn vì giá rớt, bán ế không ai mua. Ảnh của thanhnien.vn

Thiết nghĩ câu chuyện “con cá, mớ rau” tuy rất nhỏ song lại liên quan đến cuộc sống hàng chục triệu con người.

Người nội trợ sẽ xem chuyện phải mua rau củ giá cao là lẽ đương nhiên vì “báo chí nói thế”.

Thiệt hại cuối cùng là người trồng rau và người lao động bởi họ không thể thiếu rau xanh trong bữa cơm hàng ngày.

Khi nỗi ám ảnh “giá rau củ quá cao” chiếm lĩnh tâm trí người tiêu dùng thì việc “tặc lưỡi” mua rau củ Trung Quốc giá rẻ sẽ trở thành hiện thực.

Ai dám bảo đảm hàng nghìn tấn rau củ Trung Quốc nhập qua đường tiểu ngạch là đảm bảo an toàn cho sức khỏe người Việt? 

Có thể những thông tin giá cả được đưa lên mặt báo là vô tư, là chính xác trong một phạm vi hẹp, có thể không thuộc diện Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề cập:

đây là điển hình của sự câu kết giữa các nhà báo thoái hóa, biến chất với một "nhóm lợi ích", gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh lành mạnh của đất nước”.

Nhưng vì sao nó lại trở thành nỗi đau của người lao động? 

Liệu người cầm bút có nên cân nhắc chính sự “vô tư” của mình trước khi đưa thông tin liên quan đến hàng triệu nông dân, có nên biến những ghi chép cục bộ trở thành hiện tượng phổ biến?

Những đính chính từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là cần thiết nhưng chưa đủ, rất cần sự định hướng của chính quyền để người dân bớt hoang mang và giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người trồng rau cả nước.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.tienphong.vn/xa-hoi/ca-dieu-hong-nhiem-chat-gay-ung-thu-la-tin-don-588190.tpo

[2]http://vcci.com.vn/%E2%80%9Cho-bien%E2%80%9D-rau-qua-trung-quoc-thanh-hang-trong-nuoc

Xuân Dương