Vụ ngộ độc ở Trường Tiểu học Lê Hữu Tựu, ai đang nói dối?

16/09/2020 15:28
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hàng chục học sinh ngộ độc phải nhập viện, xem xét trách nhiệm của bà Hiệu trưởng Dương Thị Lan Phương như thế nào?

Chỉ trong hai ngày 9 và 10/9 trên địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội) đã liên tiếp xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm tại 2 trường tiểu học và 1 trường mầm non khiến cho hơn 30 em học sinh có biểu hiện nôn, đau bụng, đi ngoài nhiều lần phải vào viện điều trị.

Cụ thể ngày 10/9 có 22 học sinh của Trường tiểu học Tiên Dương phải nhập viện điều trị sau bữa ăn bán trú tại trường vào ngày 9/9 và có 4 cháu phải nằm lại viện để điều trị kháng sinh theo phác đồ.

Và cũng tối ngày 9/9 cũng có 2 cháu học sinh cùng một lớp của Trường Mầm non Tiên Dương phải vào Bệnh viện Đa khoa Đông Anh để điều trị với triệu chứng ngộ độc thực phẩm, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và máu. Rất may là 2 cháu đã được ra viện sau 5 ngày nằm điều trị tại viện.

Giờ học thể dục của các em học sinh Trường tiểu học Lê Hữu Tựu vào sáng 16/9. Ảnh: Tùng Dương.

Giờ học thể dục của các em học sinh Trường tiểu học Lê Hữu Tựu vào sáng 16/9. Ảnh: Tùng Dương.

Ngày 10/9 tại Trường tiểu học Lê Hữu Tựu tổ chức cho hơn 900 học sinh ăn bán trú với thực đơn gồm: Đậu sốt cà chua, canh rau cải, giò rán rim mắm, su su xào cà rốt và cơm trắng) do hộ kinh doanh Lê Tuấn Mạnh nấu trực tiếp tại trường. Tới 14h các học sinh còn được dùng bữa phụ.

Đến sáng hôm sau (15/9), có 16 học sinh nghỉ học, trong đó 11 học sinh có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, đi ngoài nhiều lần đã được Bệnh viện Bắc Thăng Long chăm sóc, điều trị. Có 1 học sinh biểu hiện kèm theo là sốt nhẹ, được điều trị tại gia đình.

Sáng 16/9, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đến Trường tiểu học Lê Hữu Tựu để tìm hiểu thông tin về vụ ngộ độc đối với học sinh.

Sau khi phóng viên xuất trình giấy giới thiệu, bảo vệ trường gọi điện thoại và một người xuất hiện tự xưng là Nguyễn Văn Thoan - Tổng phụ trách Đội của Trường Tiểu học Lê Hữu Tựu nói: “Ủy ban nhân dân, Phòng Giáo dục huyện Đông Anh đã có quy định với Ban giám hiệu nhà trường là nếu không có giấy từ huyện hoặc Phòng giáo dục thì không tiếp”.

Phóng viên cũng đã thẳng thắn yêu cầu rằng việc này cần có thông tin chính thức từ Ban Giám hiệu, không phải Tổng phụ trách đội.

Người tự xưng là Nguyễn Văn Thoan nói: "Chị ấy (bà Dương Thị Lan Phương - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Hữu Tựu) vừa truyền đạt rằng nếu phóng viên có giấy của Ủy ban nhân dân, hoặc Phòng Giáo dục huyện Đông Anh thì mới tiếp, còn không thì không tiếp”.

Bà Lê Thị Hằng - Trưởng phòng chuyên môn nghiệp vụ - Chi cục vệ sinh An toàn thực phẩm Thành phố Hà Nội cho biết: “Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm Thành phố Hà Nội đang chỉ đạo điều tra, kết luận. Và hiện nay chúng tôi cũng đang đợi kết quả các mẫu xét nghiệm từ Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia”.

Vậy theo lời của ông Nguyễn Văn Thoan thì bà Hiệu trưởng chỉ đạo phải có giấy từ Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh hoặc Phòng Giáo dục huyện Đông Anh mới tiếp và trả lời phóng viên?

Ông Lê Trung Kiên - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh có biết việc này không và ông có chỉ đạo nhà trường việc này không?

Bà Dương Thị Sáu - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Anh có chỉ đạo trường làm như vậy không?

Nếu không có chỉ đạo từ ông Chủ tịch huyện Đông Anh hay bà Trưởng phòng Giáo dục thì chẳng lẽ bà Dương Thị Lan Phương - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Hữu Tựu tự bịa ra quy định này để né tránh trách nhiệm trả lời báo chí?

Nếu không có điều gì lo sợ, mờ ám ở đây thì tại sao bà Hiệu trưởng phải né tránh?

Một người làm công tác giáo dục, lại đứng đầu tập thể nhà trường, nay xảy ra sự việc tổn hại tới sức khỏe của nhiều cháu nhỏ mà lại tránh né bằng cách "đá bóng trách nhiệm" cho Chủ tịch huyện và Trưởng phòng Giáo dục thì dư luận sẽ phải suy nghĩ thế nào về hành vi này?

Sự việc nhiều cháu học sinh ngộ độc tại Trường tiểu học Lê Hữu Tựu nghi ngộ độc thì dư luận có lý khi đặt ra vấn đề trách nhiệm về Ban Giám hiệu nhà trường, đứng đầu là bà Hiệu trưởng Dương Thị Lan Phương. Ảnh: Thủy Tiên.

Sự việc nhiều cháu học sinh ngộ độc tại Trường tiểu học Lê Hữu Tựu nghi ngộ độc thì dư luận có lý khi đặt ra vấn đề trách nhiệm về Ban Giám hiệu nhà trường, đứng đầu là bà Hiệu trưởng Dương Thị Lan Phương. Ảnh: Thủy Tiên.

Trường tiểu học Lê Hữu Tựu tại xã Nguyên Khê (huyện Đông Anh, Hà Nội) nơi xảy ra việc nhiều học sinh bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện. Hiệu trưởng nhà trường là bà Dương Thị Lan Phương sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào? Ảnh: Tùng Dương.

Trường tiểu học Lê Hữu Tựu tại xã Nguyên Khê (huyện Đông Anh, Hà Nội) nơi xảy ra việc nhiều học sinh bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện. Hiệu trưởng nhà trường là bà Dương Thị Lan Phương sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào? Ảnh: Tùng Dương.

Trong khi đó trên tờ Người đưa tin đăng phát ngôn của bà Dương Thị Lan Phương - Hiệu trưởng trường tiểu học Lê Hữu Tựu xác nhận: Thực phẩm dùng để chuẩn bị bữa trưa bán trú của học sinh đều được giao nhận tươi sống vào mỗi buổi sáng nhưng không sử dụng thiết bị nào hỗ trợ kiểm định chất lượng.

Mỗi sáng, đích thân tôi cùng một số đại diện ban phụ huynh học sinh sẽ có mặt để kiểm tra quá trình giao nhận thực phẩm. Tuy nhiên, tôi cũng chỉ có thể nhận định mức độ tươi sống của thực phẩm bằng mắt thường, dùng tay cảm nhận và dùng chính kinh nghiệm nội trợ của bản thân, nhìn là biết.

Khu vực bếp ăn được đặt tại nhà trường và ông Lê Tuấn Mạnh - Đại diện hộ kinh doanh cung cấp suất ăn sẵn cho trường tiểu học này. Hộ kinh doanh Lê Tuấn Mạnh mới bắt đầu cung cấp suất ăn cho học sinh đăng ký ăn bán trú tại trường tiểu học Lê Hữu Tựu từ đầu năm học 2020-2021.

Được biết, trung tâm Y tế huyện Đông Anh đã lấy 7 mẫu gồm 5 mẫu thức ăn lưu bữa trưa ngày 10/9 và 2 mẫu sữa gửi trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội xét nghiệm.

Như vậy, chỉ trong 3 ngày đã xảy ra sự cố liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh tại 2 trường tiểu học trên địa bàn huyện Đông Anh.

Câu hỏi cũng được dư luận đặt ra đối với các vị là Trưởng ban chỉ đạo và Phó Ban chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm huyện Đông Anh đã thực hiện nhiệm vụ như thế nào, quản lý giám sát ra sao mà lại liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc?

Phải chăng quy trình đưa bữa ăn vào trường học phải chăng vẫn còn lỏng lẻo nên mới dẫn tới nhiều sự cố như vậy?

Lẽ đương nhiên khi tìm ra nguyên nhân, trách nhiệm cũng phải được xem xét đặt ra với đơn vị kinh doanh thực phẩm được lựa chọn đưa vào trường học. Tuy nhiên, dư luận cũng rất quan tâm, sau sự việc này, bà Hiệu trưởng Dương Thị Lan Phương sẽ được xem xét xử lý trách nhiệm thế nào, liệu có "rút kinh nghiệm" chung chung rồi lại tìm một đơn vị khác cung cấp thực phẩm là xong?

Ngoài những vụ ngộ độc trong trường học, vừa qua trên địa bàn huyện Đông Anh còn xảy ra vụ việc sản phẩm pate Minh Chay của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hai Thành viên Lối Sống Mới (địa chỉ tại Tổ 2, Thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội) nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum (gây mệt mỏi, sụp mi mắt, tứ chi yếu cơ, khó nuốt, liệt cơ, khó thở…).

Các sản phẩm pate Minh Chay đã bị thu hồi và Bộ Y tế cũng đã chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan cảnh sát điều tra để tiếp tục tiến hành theo các thủ tục, quy định của pháp luật.

Tùng Dương