Vì sao Hà Nội chưa làm rõ trách nhiệm của Viwasupco sau vụ bơm nước bẩn cho dân?

27/11/2019 06:09
Ngọc Quang
(GDVN) - Đã gần 2 tháng trôi qua sau vụ Nhà máy nước sông Đà bơm nước bẩn lẫn dầu thải tới nhà dân, Hà Nội chưa công bố xử lý trách nhiệm với đơn vị này.

Sở dĩ chúng tôi phải tiếp tục đặt ra vấn đề này vì nước sinh hoạt có ảnh hưởng tới hàng triệu cháu nhỏ đang ở độ tuổi đi học. Đó là những thế hệ tương lai của dân tộc, vì vậy phải xem xét nghiêm túc trách nhiệm của các công ty nào cung cấp nước sinh hoạt không đảm bảo, trong đó có Viwasupco.

Câu hỏi đặt ra là tại sao dầu thải lọt qua hệ thống kỹ thuật Nhà máy nước sông Đà? Họ đã sử dụng công nghệ gì mà không phát hiện ra có dầu thải? Hay có phát hiện ra dầu thải nhưng vẫn để cho lọt qua hệ thống kỹ thuật?

Dù là nguyên nhân gì thì Hà Nội cũng phải làm rõ và công bố cho dân biết, đó là trách nhiệm của chính quyền trước sức khỏe, sự sống của người dân, không thể để cho "chìm xuồng".

Vì sao hệ thống kỹ thuật Nhà máy nước sông Đà không phát hiện ra có dầu thải? Đây là câu hỏi chính quyền Hà Nội phải làm rõ trả lời cho dân biết. ảnh: QĐ.
Vì sao hệ thống kỹ thuật Nhà máy nước sông Đà không phát hiện ra có dầu thải? Đây là câu hỏi chính quyền Hà Nội phải làm rõ trả lời cho dân biết. ảnh: QĐ.

Khi sự việc khủng khiếp này xảy ra, nhiều Đại biểu Quốc hội đã lên tiếng mạnh mẽ, yêu cầu làm rõ trách nhiệm của nhà máy, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Đây là việc hết sức quan trọng có liên quan tới sức khỏe của hàng vạn học sinh và nói như Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) thì: “Bảo đảm quyền lợi, sức khỏe, tính mạng người dân là trách nhiệm lớn nhất của chính quyền. Chúng ta nên giảm bớt họp hành, mít tinh và các công việc bề nổi để nâng cao năng lực quản lý, phục vụ, hoàn thành những nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu của nhân dân". 

Đại biểu Nguyễn Anh Trí nói: "Viwasupco lấy nước từ một hồ không an toàn lộ thiên về bán cho dân dùng nhiều năm mà không một ai cảnh báo, nhắc nhở, vô cảm lâu dài đến thế là cùng".

Đại biểu Trí đề nghị: "Đầu tiên, khi xây dựng luật, cần xem xét quy định ngăn chặn thái độ thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm.

Thứ hai, cần tạo điều kiện thuận lợi, tốt nhất để người dân tố cáo hành vi thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm.

Thứ ba, không nên để những người thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với người dân, doanh nghiệp giữ các chức vụ trong bộ máy công quyền".

Sự cố nước sinh hoạt nhiễm dầu khiến hàng nghìn gia đình ở Hà Nội lao đao. Ông Trần Đăng Ninh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho biết khi đến khu vực ngoài nhà máy đã thấy mùi nồng nặc. Như vậy chẳng lẽ nhà máy không biết mà vẫn bơm nước tới người dân? ảnh: ND.
Sự cố nước sinh hoạt nhiễm dầu khiến hàng nghìn gia đình ở Hà Nội lao đao. Ông Trần Đăng Ninh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho biết khi đến khu vực ngoài nhà máy đã thấy mùi nồng nặc. Như vậy chẳng lẽ nhà máy không biết mà vẫn bơm nước tới người dân? ảnh: ND.

Bức xúc vì hàng vạn người dân khốn khổ vì nước bẩn, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khoá 13 nói với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam: “Tôi hy vọng ở kỳ họp cuối năm 2019, Quốc hội sẽ quan tâm tới vấn đề nước sinh hoạt của nhân dân, bởi nước uống quan trọng không kém gì bất cứ loại thực phẩm nào, nhưng hiện nay nhiều người chưa thực sự đánh giá đúng mức độ nguy hại với nước sinh hoạt bẩn là vì nó không gây chết người ngay lập tức. 

Nhưng nếu nhìn xa hơn, một năm hoặc vài năm sau thì bệnh tật sẽ từ các nguồn nước không đảm bảo nảy sinh, đó chính là vấn đề rất lớn của quốc gia – sức khỏe của giống nòi, nhất là với hàng chục triệu trẻ em”.

Theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, cần phải đặt vấn đề này ở tầm quốc gia thì mới giải quyết được, tức là phải có sự vào cuộc của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Phải có một cuộc tổng rà soát trên toàn quốc, kiểm tra tới đâu xử lý dứt điểm tới đó.

Bán nước lẫn dầu nhớt cho dân, phải xem xét yếu tố hình sự
Bán nước lẫn dầu nhớt cho dân, phải xem xét yếu tố hình sự

Người dân cũng rất băn khoăn việc xét nghiệm được các cơ quan nào phối hợp thực hiện? Xét nghiệm những chỉ số nào? Kết quả công bố ở đâu?

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Trần Hồng Côn - Khoa Hóa học Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) thẳng thắn cho rằng: “Muốn phân tích, xét nghiệm nước cần phải phân tích toàn bộ các chỉ tiêu hữu cơ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt số 01 và 02 năm 2009 của Bộ Y tế.

Trong đó có cả trăm chỉ tiêu khác nhau. Căn cứ vào các chỉ tiêu đó để phân tích nước sông Đà sẽ thuyết phục. Còn nếu chỉ phân tích 7 chỉ tiêu thông thường thì không có tác dụng, vô nghĩa”.

Từ sự cố này cũng phải thẳng thắn đặt ra câu hỏi: Các nhà máy cung cấp nước sinh hoạt tới nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung có thực hiện đúng theo yêu cầu trong Thông tư 41/2018/TT-BYT có hiệu lực từ 15/6/2019?

Rất nhiều khu vực tại Hà Nội trong những năm gần đây đã xảy ra các sự cố nước bẩn, vậy cho đến nay liệu có nhà máy nào vẫn đang thu tiền thật, bán nước bẩn cho dân không?

Để giải quyết căn cơ vấn đề này, Hà Nội cần phải đi đầu, tiến hành rà soát tổng thể tất cả các nhà máy trên địa bàn, nếu đơn vị nào không đáp ứng được quy chuẩn phải dừng hoạt động ngay lập tức để bảo vệ sức khoẻ nhân dân; đồng thời phải tính đến nguồn nước thay thế đảm bảo (sạch thật sự).

Đây là vấn đề rất lớn, cần sự vào cuộc của Quốc hội, Chính phủ để giải quyết toàn diện, bởi có liên quan tới sức khoẻ của hàng triệu học sinh, các thế hệ tương lai của đất nước.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng – Thiếu tướng, Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội thì điều quan trọng bây giờ là phải nhanh chóng xem xét tổng thể nguồn nước từ sông lấy vào các nhà máy và quy trình lọc của mỗi nhà máy có đảm bảo cho ra nước sạch thật sự không?

Nếu một ngày nào đó chất bẩn tiếp tục xả ra thì các nhà máy có phát hiện và ngăn chặn được không? Các thiết bị lọc của mỗi nhà máy có thể là "tấm áo giáp" bảo vệ sức khỏe nhân dân không?

Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhấn mạnh, bắt buộc phải đặt ra và giải quyết rốt ráo bởi nó không đơn thuần là sức khỏe của người lớn nữa, mà quan trọng hơn là sức khỏe của hàng vạn học sinh, trẻ nhỏ.

Tướng Hồng phân tích: “Lâu nay ở chỗ này chỗ khác người dân đã kêu quá nhiều về nước bẩn, nhưng xong rồi lại lắng xuống và người dân vẫn tiếp tục trả tiền để sử dụng nước trong sự ấm ức. Vụ việc nước nhiễm dầu thải lần này là một bài học đắt giá, các cơ quan có thẩm quyền phải nghiêm túc nhìn nhận và giải quyết căn cơ vấn đề này trên cả nước.

Theo tôi, phải tiến hành rà soát và đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước trên các con sông được khai thác cung cấp nước sinh hoạt cho dân. Vấn đề này phải được xem xét làm ngay, nhưng để làm được thì phải ở tầm Quốc hội, Chính phủ. Ở nhiều quốc gia, họ coi đây là vấn đề hết sức hệ trọng và có các biện pháp bảo vệ rất rõ ràng.

Thứ hai, đưa vấn đề kinh doanh nước sạch trở thành lĩnh vực mang tính đặc thù có điều kiện. Không thể cứ có tiền bỏ ra làm nhà máy xong hút nước lên bán cho dân, mà phải có quy chuẩn chặt chẽ, phải xem các nước tiên tiến người ta làm thế nào thì học tập mà áp dụng.

Vụ nước nhiễm dầu lần này cho thấy quy trình lọc của nhà máy có vấn đề và các cơ quan chức năng phải nhanh chóng làm rõ, bởi vì nếu có kẻ nào đổ chất độc còn nặng hơn cả dầu thải thì nhà máy có phát hiện được không? 

Đây cũng là vấn đề phải đặt ra cho tất cả các nhà máy nước. Phải xem thế giới áp dụng công nghệ gì và Việt Nam đang dùng công nghệ gì?

Phải có quy chuẩn đồng bộ và cập nhật theo định kỳ chung với những nước văn minh, chứ không thể để tình trạng dùng công nghệ lạc hậu, hút nước bán cho dân kiếm lời.

Thứ ba, cần phải triển khai ngay sự kết nối các tuyến ống cung cấp nước sạch. Thực tế cho thấy từ vụ việc này là khi Nhà máy nước sông Đà gặp sự cố thì dân thiếu nước trầm trọng, phải xếp hàng đi xách từng can về ăn, uống. Nếu như tính toán trước được vấn đề này thì đâu đến mức người dân khổ sở như vậy. Ở thế kỷ XXI rồi, kinh tế phát triển đến mức này rồi mà nhận thức vẫn còn chậm, cứ chạy theo từng vụ việc thì phải xem lại năng lực cán bộ.

Thứ tư, nước là do người dân trả tiền mua chứ không phải cấp miễn phí cho nên người dân phải được quyền giám sát, được quyền kiểm tra ở các nhà máy bất cứ thời điểm nào khi có nghi ngờ về chất lượng nước. Nếu các nhà máy làm ăn đàng hoàng thì chẳng việc gì phải lo ngại việc đó, chỉ những chỗ không đàng hoàng mới muốn che đậy thôi.

Ở tầm Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm để người dân được hành động bảo vệ mình. Tôi đã từng tới thăm nhà máy nước ở Singapore, họ hoàn toàn công khai quy trình lắng, lọc và người dân có quyền vào kiểm tra bất cứ lúc nào. Sự vào cuộc, giám sát của người dân vô cùng cần thiết, vừa bảo vệ chính mình vừa góp phần giúp các cơ quan chức năng phát hiện vi phạm”.

Nội dung

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải (chuyên gia trong lĩnh vực vật lý, hoá học) bày tỏ sự thất vọng trước cách làm của Viwasupco, khi mà biết nước nhiễm bẩn vẫn cung cấp cho người dân (nội dung này đã được lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội nói rõ tại giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội ngày 15/10).

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải thẳng thắn cho rằng: “Bán nước bẩn cho người dân là lừa dối, coi thường sức khỏe, tính mạng người dân. Đến khi bị phát hiện và trước sự phê phán mạnh mẽ từ dư luận thì lại ra thông cáo báo chí nói là miễn phí 1 tháng tiền nước.

Đối với một nhà máy cung cấp nước sạch bán cho người dân để ăn uống, sinh hoạt thì yêu cầu nguồn nước đầu vào rất quan trọng. Không thể tin được nhiều năm qua nhà máy nước sông Đà sử dụng nguồn nước đầu vào tạp phế lù như thế.

Nguồn nước đầu vào đó không phải nước lấy từ sông Đà. Họ lấy nước từ một cái đầm mà không ai dám chắc có thật sự an toàn không khi mà xung quanh vẫn có nước thải xâm lấn.

Cái đầm nhà máy nước sông Đà lấy có thể do nước từ sông suối, mương máng, nước thải nhà dân, thậm chí nước thải của chính nhà máy này xả ra… cũng đã được các Đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình cảnh báo.

Vụ việc đổ dầu thải vừa rồi chỉ là một phần sự thật, còn bao nhiêu năm nay nguồn nước đầu vào này có chất độc, chất thải nào không cũng cần phải nhanh chóng làm rõ”.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải đề nghị làm rõ: “Nhà máy nước Sông Đà được xây dựng, thiết kế, quy trình công nghệ, máy móc xử lý ra sao, những ai trong hội đồng thẩm định cần phải nêu rõ, công khai

Viwasupco cần phải công bố các giai đoạn có những máy nào, cấu tạo, nguyên lý hoạt động của máy đó ra sao, dùng hóa chất gì, sản phẩm đầu ra kết quả như thế nào.

Phải làm được như vậy, công bố công khai để người dân, các chuyên gia, nhà khoa học giám sát. Còn như hiện nay thông tin về nhà máy nước sông Đà xử lý nước như thế nào rất mù mờ.

Hơn nữa, khi xảy ra sự cố để biện minh, lấp liếm nước bẩn bán cho dân, anh đo một vài chỉ số không cần thiết và vô nghĩa. Phải đo liên tục tổng thể tất cả các chỉ số, đặc biệt là Thuỷ ngân, Amoni, Chì, Mangan, Seleni, Xyanua, Cadmi (Cd)... hay các nhóm hữu cơ phức tạp như Acrylamide, Epiclohydrin, Hexacloro butadien. Nếu đo vài chỉ số thông thường thì không thể đảm bảo an toàn”.

Ngọc Quang