Thuốc nội dần chiếm lĩnh thị trường bằng chất lượng, xóa bỏ tâm lý sính ngoại

16/11/2019 09:00
Thanh Thủy
(GDVN) - Thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân.

Việt Nam có dân số đông (khoảng 96 triệu người) và ý thức bảo vệ sức khoẻ đang nâng cao.

Dù khoản tiêu dùng cho sức khoẻ của một người Việt Nam được cho là còn khiêm tốn, nhưng với đặc điểm dân số đông hơn 96 triệu người, là cơ sở cho tiềm lực phát triển cao cho ngành dược trong nước.

Thuốc Việt đang dần lấy được niềm tin của người dân
Thuốc Việt đang dần lấy được niềm tin của người dân

Theo đánh giá, mối quan tâm của người Việt Nam về sức khoẻ có xu thế tăng nhanh chóng. Trong 5 năm trở lại đây, OTC (y dược cơ bản), Vitamin và Thực phẩm bổ sung, Thuốc quản lý cân nặng, Thuốc y học cổ truyền…doanh số bán ra tăng đều đặn 2 con số.

Điều này có nghĩa là để tăng cường sức khoẻ và nâng cao chất lượng cuộc sống, chi phí tiêu dung cho các lĩnh vực liên quan như y dược đang tăng dần lên.

Đặc biệt, số bệnh nhân ung thư của Việt Nam ngày càng nhiều, theo đó nhu cầu về các loại Vitamin hay Thực phẩm chức năng có công dụng tăng hệ miễn dịch, chống ung thư cũng tăng lên.

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 68/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Mục tiêu chung: Cung ứng đầy đủ, kịp thời, có chất lượng, giá hợp lý các loại thuốc theo cơ cấu bệnh tật tương ứng với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm sử dụng thuốc an toàn, hợp lý. Chú trọng cung ứng thuốc cho đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, vùng sâu, vùng xa.

Đến năm 2020, phấn đấu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm, trong đó thuốc từ dược liệu chiếm 30%; vắc xin sản xuất trong nước đáp ứng 100% nhu cầu cho tiêm chủng mở rộng và 30% nhu cầu cho tiêm chủng dịch vụ. 100% cơ sở kinh doanh thuốc thuộc hệ thống phân phối thuốc đạt tiêu chuẩn thực hành tốt, 50% cơ sở kiểm nghiệm và 100% cơ sở kiểm định vắc xin và sinh phẩm y tế đạt tiêu chuẩn thực hành tốt (GPs).

Mục tiêu định hướng đến năm 2030: Thuốc sản xuất trong nước cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng, sản xuất được thuốc chuyên khoa đặc trị, chủ động sản xuất vắc xin, sinh phẩm cho phòng chống dịch bệnh, sản xuất được nguyên liệu làm thuốc.

Hệ thống kiểm nghiệm, phân phối thuốc, công tác dược lâm sàng, thông tin thuốc ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực.

Đó là những cơ sở, tiềm năng thực tế và chính sách đồng bộ để ngành dược Việt Nam tăng trưởng, phục vụ việc chăm sóc, điều trị cho người dân Việt Nam.

Đáng mừng, theo tổng kết gần đây, tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc trong nước tại cơ sở y tế tuyến huyện đã tăng lên 76,62%, tuyến tỉnh tăng lên 57,03%, nếu tính cả tuyến huyện và tuyến tỉnh thì tăng lên 63,53%.

Thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân.

Có được những kết quả trên, theo Bộ Y tế, qua việc triển khai thực hiện đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” đã góp phần quan trọng làm chuyển biến ý thức người tiêu dùng, doanh nghiệp và cán bộ y tế, tạo nên diện mạo mới của ngành dược Việt Nam, trong đó thuốc sản xuất trong nước được sử dụng ngày càng tăng về số lượng, giá trị và được đánh giá cao về chất lượng, an toàn, hiệu quả.

Tính đến năm 2018, tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc trong nước ở tuyến huyện đã tăng lên 76,62%, tuyến tỉnh tăng lên 57,03%, nếu tính cả tuyến huyện và tuyến tỉnh thì tăng lên 63,53%. Trên 50% các tỉnh đạt tỷ lệ từ 50% trở lên về giá trị sử dụng thuốc trong nước.

Về phía các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước đã không ngừng nỗ lực áp dụng kỹ thuật - công nghệ cao sản xuất dược phẩm, đưa ra thị trường các sản phẩm thuốc có hiệu quả điều trị cao, được chứng minh tương đương sinh học với các biệt dược gốc, sản xuất các sản phẩm dạng bào chế hiện đại, sản xuất các thuốc chuyên khoa đặc trị.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng liên tục cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm thuốc, bảo đảm chất lượng và thẩm mỹ đáp ứng yêu cầu cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập.

Số liệu cho thấy, cả nước có khoảng 198 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới, 11 nhà máy đã đầu tư và đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến như tiêu chuẩn của Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.

Thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân; sản xuất được 12/13 loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Đặc biệt, Việt Nam là một trong 42 quốc gia có thể sản xuất được vắc-xin và là một trong 39 quốc gia được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận quản lý vắc-xin đạt chuẩn quốc tế.

Không chỉ có thành tựu đáng tự hào trong sản xuất vắc xin, các loại thuốc sản xuất trong nước cũng đáp ứng đầy đủ 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. Có 652 thuốc trong nước đã được công bố chứng minh tương đương sinh học so với thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh.

Ngành y tế tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ y tế và người dân với chủ đề “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”.

Giới thiệu những chủ trương, chính sách, giới thiệu các sản phẩm thuốc, nhà máy, dây chuyền công nghệ sản xuất thuốc của các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt” theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới, tăng sự hiểu biết cho người dân, cán bộ y tế về thuốc Việt, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, thuốc sản xuất tại Việt Nam bảo đảm hiệu quả điều trị, bảo đảm chất lượng và giá thành rẻ hơn thuốc ngoại nhập.

Từ năm 2014, Bộ Y tế phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng, triển khai Chương trình truyền thông “Con đường thuốc Việt”, đã lựa chọn các doanh nghiệp, sản phẩm thuốc tiêu biểu của Việt Nam để xét tặng giải thưởng “Ngôi sao thuốc Việt”.

Thanh Thủy