Thực phẩm chức năng được quảng cáo là thuốc, người bệnh rước hoạ

24/09/2020 06:13
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không ít người vì tin vào quảng cáo trên các trang mạng đã tự mua các loại thuốc nhưng thực chất chỉ là thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc để điều trị bệnh.

Mấy năm gần đây xuất hiện tình trạng một số cá nhân, tổ chức giả mạo, sử dụng, lợi dụng danh nghĩa, biểu tượng, hình ảnh, địa vị, uy tín của cơ sở y tế, viện nghiên cứu, người có uy tín trong ngành y, dược… để quảng cáo bán thực phẩm chức năng nhưng lại nói là thuốc chữa bệnh.

Ðây là hành vi vi phạm đạo đức và bị pháp luật nghiêm cấm nhưng thực tế vẫn đang lan tràn trên khá nhiều trang web với hình thức rất tinh vi, qua đó gây tổn hại cho người tiêu dùng, gây bức xúc, dư luận xấu trong xã hội.

Đã không ít người bệnh vì tin vào quảng cáo, tư vấn trên các trang mạng đã tự mua các loại thuốc nhưng thực chất chỉ là thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc để điều trị bệnh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Là thực phẩm chức năng nhưng lại được quảng cáo như thuốc chữa bệnh. Ảnh: TD.

Là thực phẩm chức năng nhưng lại được quảng cáo như thuốc chữa bệnh. Ảnh: TD.

Có nhiều cơ sở đã có hành vi lừa dối khách hàng để thu lợi bất chính. Cụ thể: Đăng thông tin giả mạo Viện Dinh dưỡng tặng thuốc giảm cân miễn phí cho khách hàng nhưng thực chất đó chỉ là thực phẩm chức năng và thậm chí còn là hàng giả.

Ngoài ra còn giả danh bác sĩ, dược sĩ tư vấn, khám chữa bệnh qua điện thoại để bán hàng; sản phẩm được bán là thực phẩm chức năng nhưng nhân viên tư vấn luôn nói là thuốc chữa bệnh gây hiểu nhầm cho người bệnh.

Trong thời gian vừa qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận được rất nhiều phản ánh và qua công tác hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên internet và môi trường mạng phát hiện trên các website: sieuthisongkhoe.com, quaythuocvienquany.com.

Các trang này đang quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đại tràng MH vi phạm, quảng cáo liệt kê công dụng của từng thành phẩn của sản phẩm.

Rồi còn rất nhiều các sản phẩm khác cũng được quảng cáo thổi phồng tác dụng và làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn với thuốc như các web chamduttri.com ; vuikhoetainha.com; blogchuabenh.asia…

Ngoài ra các trang mạng còn đăng quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Thăng Trĩ Mộc Hoa vi phạm, quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Sử dụng hình ảnh, uy tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

Rồi trên trang chuyensuckhoesacdep.com/lady-night/ có nội dung quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lady night quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.

chuyensuckhoesacdep.com/tien-dinh-khang/ có nội dung quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tiền Đình Khang Gold quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh.

Qua công tác hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên internet và môi trường mạng, Cục An toàn thực phẩm phát hiện trên web niemvuicuocsong.vn đang quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe TIM CARE DIAMOND vi phạm, quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Rồi trên rất nhiều trang web trong thời gian vừa qua trên các website có nội dung quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tận Tâm An như thuốc chữa bệnh, quảng cáo sử dụng hình ảnh bác sỹ, cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.

Rất nhiều các sản phẩm được quảng cáo thổi phồng tác dụng và làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn với thuốc. Ảnh: TD.

Rất nhiều các sản phẩm được quảng cáo thổi phồng tác dụng và làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn với thuốc. Ảnh: TD.

Câu hỏi đặt ra là tại sao những trường hợp vi phạm đã bị xử lý và công khai trên các phương tiện thông tin truyền thông, nhưng vẫn có những địa chỉ bán hàng, có những website vi phạm trắng trợn quảng cáo sai sự thật?

Về vấn đề này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, ngay khi phát hiện những trường hợp có dấu hiệu vi phạm thì Cục đều tiến hành xác minh ngay, tuy nhiên là hầu hết những trường hợp vi phạm quảng cáo sản phẩm đều xuất phát từ những website, trong khi đó những công ty sản xuất các sản phẩm ấy không thừa nhận sở hữu website đó, cũng không yêu cầu các website quảng cáo sai.

Trước thực trạng trên, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm thực phẩm được quảng cáo trên các trang mạng kia để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm

Đồng thời Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý những trường hợp vi phạm.

Thổi phồng công dụng, nguy hiểm khó lường

Đề cập đến thực trạng quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, ông Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng: Đây là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý.

Chẳng hạn, với những bệnh nhân mắc bệnh ung thư nếu phát hiện sớm, tuân thủ điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, tiến hành phẫu thuật hoặc xạ trị thì có thể khỏi bệnh hoặc ít nhất cũng kéo dài cuộc sống.

Vì tin vào thực phẩm chức năng nhưng được quảng cáo thành thuốc chữa được bách bệnh nên người bệnh mua về dùng thay vì phải đến bệnh viện.

Thế nhưng, khi họ dùng những loại thực phẩm chức năng này không khỏi, quay lại bệnh viện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, can thiệp cũng không còn hiệu quả cao.

Trong khi đó, hiện nay các hành vi vi phạm quy định về quảng cáo khi phát hiện thì Cục An toàn thực phẩm đều kiên quyết xử phạt, đồng thời gửi yêu cầu tới Bộ Thông tin truyền thông và các Sở Thông tin truyền thông địa phương xử phạt, yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm, thậm chí dừng hoạt động ưebsite.

Tuy nhiên có lẽ do nguồn lợi thu được quá lớn so với mức quy định xử phạt, do đó nhiều website vẫn âm thầm quảng cáo sai sự thật để bán hàng.

Đối với vấn đề này, các cơ quan chức năng đang tiếp tục theo dõi, đánh giá để có những đề xuất sửa đổi quy định xử phạt đủ sức răn đe, ngăn chặn những hành vi vi phạm và cố ý làm trái quy định, gây thiệt hại cho sức khoẻ của người tiêu dùng.

Tùng Dương