Tái sử dụng đơn thuốc, hậu quả nhãn tiền thiệt thân, tốn kém

11/11/2019 09:00
Thanh Thủy
(GDVN) - Đơn thuốc ở ngay thời điểm mới kê còn có thể phải điều chỉnh, ấy vậy mà nhiều người vẫn vô tư tái sử dụng đơn thuốc nhiều lần, cho nhiều người.

Mặc dù đơn thuốc chỉ có giá trị sử dụng một lần tại thời điểm khám, chữa bệnh nhưng hiện nay nhiều bệnh nhân vô tư “tái sử dụng”, thậm chí còn nhiệt tình tư vấn cho người quen sử dụng theo đơn thuốc của mình mà không biết rằng đây là một thói quen vô cùng nguy hiểm.

Thói quen tái sử dụng đơn thuốc là vô cùng nguy hiểm
Thói quen tái sử dụng đơn thuốc là vô cùng nguy hiểm

Chúng tôi chỉ cần bỏ ra khoảng một tiếng đồng hồ tại một cửa hàng thuốc trên đường Hồ Tùng Mậu (Hà Nội), ít nhất có 2 khách hàng cầm theo một đơn thuốc để đọc tên cho người bán lấy thuốc.

Chị Nguyễn Minh Trang, một khách hàng chia sẻ với chúng tôi: “Con tôi bị viêm da từ nhỏ. Cháu đi bệnh viên và được bác sĩ kê cho đơn thuốc này.

Lần sau, cháu cũng bị lại như vậy, bác sĩ cũng kê đơn đó và tư vấn không khác gì lần đầu.

Mới đây, cháu có biểu hiện bị lại y hệt 2 lần trước nên tôi mang đơn ra nhà thuốc mua về cho cháu dùng để khỏi phải chen chúc vào bệnh viện xếp hàng rồi đơn thuốc có khi vẫn như cũ”.

Không được may mắn như chị Trang, đã có những bệnh nhân phải nhập viện do tự ý dùng lại đơn thuốc.

Mới đây, Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận bệnh nhân N.L.A. (47 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk) nhập viện trong tình trạng đỏ da tróc vảy toàn thân; các khớp chân, tay, gối sưng to, biến dạng.

Theo lời kể của bệnh nhân, lúc đầu những mảng da bị bong tróc ở tay, nghĩ là bệnh viêm da thông thường như trước nên đã lấy toa thuốc cũ để mua về uống. Khi dùng được một tháng thì bệnh phát nặng hơn, toàn thân sưng đỏ, các khớp sưng to.

Anh A. đến bệnh viện Da liễu thì bác sĩ xác định anh bị vảy nến chứ không phải mắc bệnh chàm như trước… Được biết, bệnh viện Da liễu thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp đến khám viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang, nhưng trước khi đến bệnh viện, phần lớn đều đã tự ý mua thuốc bên ngoài và lầm tưởng là bệnh zona.

Theo các chuyên gia y tế, tình trạng tái sử dụng đơn thuốc cũng là thói quen thường gặp ở nhiều bậc phụ huynh. Thậm chí nhiều bà mẹ còn tin vào những hội nhóm trên mạng xã hội, tin những “bác sĩ Google” để tìm các bài thuốc chữa bệnh cho con.

Mỗi đơn thuốc đều bao gồm 3 phần: thông tin hành chính (tên, tuổi, địa chỉ …), chẩn đoán bệnh cùng tên thuốc và cách sử dụng (liều lượng, thời gian, lưu ý …) do bác sĩ kê cho bệnh nhân dựa trên kết quả khám tại thời điểm đó, có giá trị sử dụng một lần.

Thậm chí các bác sĩ luôn khuyến cáo bệnh nhân khi sử dụng mà gặp hiện tượng bất thường cần báo lại ngay để kịp thời điều chỉnh, bởi còn liên quan tới các yếu tố về cơ địa, phản ứng thuốc …

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nghĩa là đơn thuốc ở ngay thời điểm mới kê còn có thể phải điều chỉnh, ấy vậy mà nhiều người vẫn vô tư tái sử dụng đơn thuốc nhiều lần, cho nhiều đối tượng người thân, quen, quả thực là một việc làm hết sức nguy hiểm.

Tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Hữu Đức – nguyên Giảng viên trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc tái sử dụng đơn thuốc thường diễn ra ở những người có bệnh về da liễu, cơ xương khớp, cảm cúm… với cả người lớn lẫn trẻ nhỏ.

Trong các loại thuốc hay được tái sử dụng, có thành phần coóc-ti-cô-ít (corticoid) để giảm đau, chống viêm, trị các bệnh xương khớp, các bệnh tự miễn, dị ứng ngoài da… nhưng cũng để lại nhiều tác dụng phụ nếu sử dụng thời gian dài như: loét dạ dày, tổn hại chức năng gan, giết chết tế bào, làm suy giảm hệ miễn dịch… khiến cơ thể dễ mắc thêm các bệnh khác.

Việc tái sử dụng đơn thuốc nói riêng, lạm dụng thuốc nói chung là thói quen vô cùng nguy hiểm dẫn đến kháng kháng sinh – nguy cơ lớn thứ hai trong những vấn đề lớn của thế giới, sau biến đổi khí hậu. Chính vì thế, mỗi người cần thay đổi thói quen này để bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân.

“Thuốc uống dù đúng bệnh, nhưng phải có liều lượng nhất định, sử dụng đúng lứa tuổi, cân nặng, kể cả thuốc bổ.

Nếu uống quá liều lượng sẽ làm trầm trọng bệnh, gây ra bệnh khác. Kể cả thuốc bôi da cũng phải sử dụng theo đúng lứa tuổi. Bởi cùng một bệnh, nhưng đối với trẻ em và người lớn bôi thuốc khác nhau. Hơn nữa, cùng một bệnh, nhưng tùy vào vị trí tổn thương trên cơ thể mà bác sĩ chỉ định các loại thuốc bôi khác nhau.

Để kê toa không phải chuyện đơn giản. Đó là kết quả của quá trình thăm khám - chẩn đoán - đưa ra phác đồ điều trị và phải được thực hiện bởi người có chuyên môn. Chính vì vậy, khi bị bệnh, người dân bắt buộc phải đến các cơ sở y tế để được bác sĩ có chuyên môn khám và chỉ định điều trị cụ thể, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra”, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh lại.

Thanh Thủy