Sinh viên lặn lội về buôn làng, cùng chống dịch Covid

18/08/2020 06:20
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lâm Đồng vốn đã và đang là địa phương làm công tác chống dịch rất tốt ở nước ta.

Tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 về buôn làng, vùng sâu, vùng xa là một trong những nội dung, mục tiêu cần hoàn thành nằm trong chiến dịch mùa hè xanh song song với chương trình “Đưa tri thức vào mùa hè xanh” do sinh viên Đại học Đà Lạt thực hiện.

Thực hiện song song hai chương trình trong chiến dịch mùa hè xanh

Lâm Đồng vốn đã và đang là địa phương làm công tác chống dịch rất tốt ở nước ta. Mặc dù, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm phần lớn dân số của tỉnh, nhưng các tầng lớp nhân dân rất đồng lòng trong việc phòng, chống dịch bệnh.

Sinh viên tình nguyện đóng vai trò quan trọng trong việc đưa thông tin tuyên truyền về bà con vùng sâu, vùng xa.

Khi thực hiện chiến dịch mùa hè xanh với dự án “Đưa tri thức vào mùa hè xanh” tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng cũng là lúc dịch bệnh quay trở lại và có những diễn biến phức tạp hơn so với đợt dịch đầu tiên.

Về với địa bàn tình nguyện, tiếp xúc với bà con nơi đây, những chiến sỹ “Tri thức xanh” nhận ra rằng, mặc dù các kênh truyền thông liên tục cập nhật, khuyến cáo, kêu gọi nhân dân phòng, chống dịch bệnh với nhiều biện pháp khác nhau, thế nhưng đối với vùng sâu vùng xa như Đạ Huoai lại hoàn toàn mới lạ.

Đồng bào nơi đây vốn hiểu biết đơn thuần, không được tiếp xúc thường xuyên với các kênh thông tin nhanh nhất, hiệu quả nhất như: báo điện tử, mạng xã hội…

Sinh viên tuyên truyền thông tin đến từng người dân vùng cao huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Sinh viên tuyên truyền thông tin đến từng người dân vùng cao huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Thêm vào đó, nguồn thông tin về đến bản làng cũng không cụ thể, tính chính xác không cao do hạn chế về mặt tiếp nhận công nghệ thông tin.

“Ngay cái tên của dịch bệnh cũng khiến bà con hoang mang, lúc thì tên nCoV, lúc thì Covid-19, lúc thì SARS-COV-2…

Sự hiểu biết thông tin không đầy đủ, không đồng đều làm bà con cũng có phần băn khoăn, lo lắng trong các cách phòng chống dịch.

Bà con cũng không ý thức được tầm quan trọng của việc sử dụng khẩu trang đúng cách trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Chính vì thế, tham gia hoạt động cộng đồng, đi làm sản xuất nông nghiệp… mọi người đều không sử dụng khẩu trang phòng bệnh dù tiếp xúc và tụ tập nơi đông người”, thầy Phan Tuấn Anh, Bí thư đoàn trường Đại học Đà Lạt, người bỏ tâm huyết rất nhiều vào các dự án sinh viên tình nguyện cho biết.

Thầy Tuấn Anh tâm sự: “Thực hiện chiến dịch mùa hè xanh về với bà con trong giai đoạn diễn biến dịch bệnh cam go hơn, thấy bà con còn mơ hồ trong việc phòng chống dịch bệnh.

Nhà trường và sinh viên tình nguyện đã quyết định thực hiện song song hai nội dung là đưa tuyên truyền phòng, chống dịch và “Đưa tri thức vào mùa hè xanh” đồng thời cùng một lúc mặc dù trước đó chỉ có một chương trình đưa tri thức về với đồng bào dân tộc.

Thực tế việc phòng, chống dịch không đầy đủ không phải do bà con chủ quan, mà do kiến thức về công tác này của người dân không có. Đưa tri thức vào công tác tình nguyện cũng là mục tiêu trọng điểm của chiến dịch mà sinh viên đang làm. Vậy tại sao mình không kết hợp để tuyên truyền và bảo vệ cộng đồng”.

Sinh viên tình nguyện phát miễn phí cho người dân dung dịch sát khuẩn do sinh viên và các nhà khoa học của Trường Đại học Đà Lạt pha chế theo công thức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Sinh viên tình nguyện phát miễn phí cho người dân dung dịch sát khuẩn do sinh viên và các nhà khoa học của Trường Đại học Đà Lạt pha chế theo công thức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Để tuyên truyền có hiệu quả, nhóm sinh viên tình nguyện đã chủ động cập nhật các thông tin về phòng, chống dịch Covid-19 từ các thông tin chính thống của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, sinh viên tình nguyện đã đưa dung dịch sát khuẩn do sinh viên và các Nhà khoa học của Trường Đại học Đà Lạt pha chế theo công thức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO tới địa bản tình nguyện để phát miễn phí cho bà con.

Đội tình nguyện chia thành những nhóm nhỏ, đi từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng người dân trong thôn bản để tư vấn, thông tin, tuyên truyền, tặng dung dịch sát khuẩn, hướng dẫn phòng, chống Covid-19, cách cài đặt Bluezone với những bà con có điện thoại thông minh.

Dù đường mưa xuống trơn trượt, ngoằn ngoèo khó đi, đi một lúc lại phải dừng lại vì đất sét quấn vào bánh xe.

Thế nhưng, nhóm tình nguyện đã dùng loa di động, di chuyển trên các cung đường vào vùng sâu nhất, xa nhất, cập nhật tin tức từng ngày.

Phổ biến tình hình nguy hiểm của dịch bệnh cho người dân vùng sâu vùng xa phải dễ hiểu, dễ nhớ gắn vào thực tế, không nên nói vĩ mô. Muốn bà con làm đúng, làm đủ cách phòng chống dịch bệnh ngoài việc sâu sát vào đời sống người dân thì không còn cách nào khác.

Cùng dự án “Đưa tri thức vào mùa hè xanh”, sinh viên tình nguyện phải bám dân, ăn ở, chia sẻ cùng họ cuộc sống thường nhật. Làm công tác tình nguyện tức là xác định phải vất vả.

Tuy nhiên, mỗi lần tiếp xúc, dân thêm một lần tin tưởng để rồi các thông tin mình cung cấp, họ hưởng ứng chống dịch nghiêm túc, tích cực.

Biết là công việc sẽ vất vả hơn cho các chiến sỹ tình nguyện nhưng đã là tình nguyện, đã là công việc cấp bách cho đồng bào thì phải ưu tiên, phải làm đến nơi đến chốn”, thầy Tuấn Anh chia sẻ.

Tuyên truyền phòng, chống dịch trước cổng trường thi

Cũng xuất phát từ thực tế và những trăn trở, thầy Tuấn Anh cho rằng: “Phụ huynh, học sinh trong kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông cũng là đồng bào mình.

Thay vì phải đến từng nhà gõ cửa thì mình tuyên truyền thông tin, cài đặt công nghệ phòng chống ngay tại kỳ thi, vừa tiết kiệm được thời gian, vừa lan tỏa, tiếp cận được nhiều người dân hơn”.

Sinh viên Đại học Đà Lạt “Tiếp sức thí sinh – Vận động phụ huynh cài đặt Bluezone”. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Sinh viên Đại học Đà Lạt “Tiếp sức thí sinh – Vận động phụ huynh cài đặt Bluezone”. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Đây là một mùa tình nguyện đặc biệt, mùa tình nguyện xuất hiện dịch bệnh, cũng là một mùa tình nguyện mà các kế hoạch ban đầu đều phải thay đổi để thích ứng với thời điểm và hoàn cảnh hiện nay.

Vốn dĩ công tác đưa tri thức vào vùng sâu vùng xa, hay công tác tiếp sức mùa thi đều là công tác đơn. Thế mà năm nay thầy trò tình nguyện Trường Đại học Đà Lạt đều thêm mục tiêu kép trong các chương trình đã xây dựng từ trước.

Chính vì thế, chiến dịch tình nguyện mùa thi năm nay của sinh viên Trường Đại học Đà Lạt lại thêm một mục tiêu, triển khai thành chương trình mục tiêu kép: tiếp sức mùa thi và tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19.

Với chương trình Tiếp sức mùa thi, sinh viên Đại học Đà Lạt đã đặt ra khẩu hiệu “Tiếp sức thí sinh – Vận động phụ huynh cài đặt Bluezone”.

Các thí sinh trước khi bước vào khu vực thi đều được các tình nguyện viên nhắc nhở việc đeo khẩu trang, xịt khuẩn và dành những lời chúc tự tin để động viên các bạn có tinh thần thoải mái và làm bài hiệu quả nhất.

Với phụ huynh ở mỗi buổi thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông, khi tiếng trống báo hiệu đã đến giờ làm bài thi của các thí sinh thì các tình nguyện viên Tiếp sức mùa thi lại tiếp tục với công việc tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 tới các phụ huynh đang ngồi đợi phía ngoài cổng trường.

Đồng thời, phụ huynh đang sử dụng điện thoại thông minh được các chiến sỹ tình nguyện vận động, hướng dẫn cài đặt Bluezone để bảo vệ mình và cộng đồng trước đại dịch Covid-19.

Dù ngày thi, các thì sinh và phụ huynh đều căng thẳng, nhiều người cũng rất ngại để lắng nghe tuyên truyền, nhưng “thêm một người có cài đặt Bluezone thì quản lý của đất nước mình về chống dịch lại siết chặt thêm được một phần”.

Nghĩ đến đấy, không quản ngại vất vả, thầy trò tình nguyện “tận dụng tất cả phương tiện, thời điểm, đặc biệt sự nhiệt tình, tâm huyết của các sinh viên tình nguyện mà công tác tiếp sức mùa thi năm nay được diễn ra rất quy củ, đồng bộ và đảm bảo được an toàn cho tất cả mọi người trong hoàn cảnh dịch bệnh”, thầy Tuấn Anh chia sẻ.

Mặc dù có nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch do địa hình hiểm trở, điều kiện thông tin thiếu thốn, cơ sở vật chất lạc hậu, đặc thù dân cư của vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Thế nhưng, với quyết tâm “dám nghĩ, biết cách làm, chịu trách nhiệm” sinh viên tình nguyện Đà Lạt sẽ chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh, mang cuộc sống bình yên trở lại như vốn có.

Cao Kim Anh