Sài Gòn luôn kiên cường, mạnh mẽ!

02/09/2021 06:39
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Trong hoàn cảnh dịch bệnh, nhiều người đã nén thương đau, tiếp tục giữ vững tinh thần chiến đấu, mang tình yêu thương đến với mọi người”, Đức tâm sự.

Khi những F0 cùng bác sĩ hỗ trợ điều trị bệnh nhân

Hoàn thành xong kỳ thi tốt nghiệp được 10 ngày, Nguyễn Hữu Đức (sinh năm 1997, quê Phú Thọ), sinh viên ngành Bác sĩ Y học cổ truyền của Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam lại sắp xếp hành lý, lên đường vào miền Nam chống dịch.

Trải qua 40 ngày cùng Thành phố Hồ Chí Minh chiến đấu với giặc Covid, chăm sóc từng bệnh nhân, chứng kiến nhiều câu chuyện xúc động, Hữu Đức càng thấu hiểu giá trị, ý nghĩa của cuộc sống và tình người.

Nguyễn Hữu Đức - sinh viên Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam đã có hơn 1 tháng làm việc tại tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Nguyễn Hữu Đức - sinh viên Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam đã có hơn 1 tháng làm việc tại tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Thời gian đầu, Đức được phân công nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm tại huyện Củ Chi. Về sau, em được chuyển về làm công việc điều trị bệnh nhân tầng 1 - khu vực điều trị những bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ.

Ngoài nhiệm vụ điều trị bệnh nhân, Hữu Đức tham gia quản lý khu, lên kế hoạch xét nghiệm, lên thực đơn, suất ăn cho phù hợp với tình trạng của từng bệnh nhân như cơm, cháo, sữa..... Nam sinh trường y cùng các bác sĩ tích cực điều trị giúp bệnh nhân khỏi bệnh, hoàn thành cách ly.

“Có những hôm em phải làm việc đến tận 1-2 giờ sáng. Công việc nhiều áp lực, vất vả nhưng động lực lớn nhất với em chính là khoảnh khắc được chứng kiến bệnh nhân điều trị thành công, hoàn thành cách ly để trở về.

Nhìn những nụ cười, ánh mắt sáng ngời niềm hạnh phúc, bản thân em cũng vui chung với niềm vui của mọi người”, Đức tâm sự.

Theo chia sẻ của Đức, trong khu điều trị bệnh nhân tầng 1 được phân chia vùng xanh là khu vực của bác sĩ và vùng đỏ là khu vực điều trị bệnh nhân.

Có nhiều F0 sức khỏe tốt đã xung phong được trở thành tình nguyện viên chăm sóc các bệnh nhân trong phòng, hỗ trợ các bác sĩ trong quá trình điều trị. Họ sẽ thăm hỏi triệu chứng, đo thân nhiệt và đo nồng độ oxy Spo2 hằng ngày cho các bệnh nhân.

Nếu kết quả nồng độ oxy xuống thấp, bệnh nhân có triệu chứng nặng thêm, các bác sĩ sẽ có mặt để hỗ trợ cho bệnh nhân thở oxy, chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị can thiệp.

Hữu Đức chia sẻ niềm hạnh phúc là khi được chứng kiến bệnh nhân khỏe lại, có kết quả âm tính và hoàn thành cách ly trở về nhà. (Ảnh: NVCC)

Hữu Đức chia sẻ niềm hạnh phúc là khi được chứng kiến bệnh nhân khỏe lại, có kết quả âm tính và hoàn thành cách ly trở về nhà. (Ảnh: NVCC)

“Em vẫn còn nhớ có một gia đình gồm có đôi vợ chồng trẻ, một người con nhỏ và bố mẹ cùng vào điều trị. Người chồng chỉ bị triệu chứng nhẹ, sức khỏe tốt nên xin được hỗ trợ các bác sĩ trong quá trình chăm sóc bệnh nhân.

Về sau, bố mẹ anh ấy phải chuyển lên tuyến trên điều trị. Không lâu sau, anh nhận được tin mẹ đã qua đời. Trong hoàn cảnh éo le như vậy nhưng anh vẫn nén đau thương, vẫn tiếp tục làm việc, chăm sóc vợ con, hỗ trợ bác sĩ, giúp đỡ các bệnh nhân bên cạnh mình.

Em càng thấy thương những bệnh nhân nhỏ tuổi cùng bố mẹ vào điều trị, có bé chỉ vài tháng tuổi, có bé chỉ mới chập chững tập đi. Nhưng các em đều là những “chiến binh nhí” dũng cảm chiến đấu với dịch bệnh.

Sài Gòn đã trải qua thời gian có đau thương nhưng vẫn thật kiên cường, mạnh mẽ. Hàng ngàn người vẫn đang chung tay cùng với ngành y tế đối mặt với Covid, sẵn sàng giúp đồng bào lúc nguy nan”, Hữu Đức tâm sự.

Với Nguyễn Hữu Đức, Sài Gòn không chỉ kiên cường mà còn ấm áp tình yêu thương. Những ngày lấy mẫu thực địa, người dân luôn mang nước, hoa quả đến tặng các chiến sĩ tình nguyện.

Hơn một tháng tham gia chống dịch tại thành phố mang tên Bác, Đức và đồng đội đã có nhiều bài học ý nghĩa về cuộc sống cũng như những kinh nghiệm chuyên môn cho công việc của mình.

Ngoài những chiến sĩ trực tiếp làm việc nơi tâm dịch, nhiều bạn bè của Đức ở Hà Nội vẫn đang tiếp sức cho cuộc chiến bằng cách hỗ trợ điều trị bệnh nhân từ xa, trực tổng đài, tư vấn cho bệnh nhân Covid-19.

Đoàn kết một lòng, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh

“Lựa chọn học ngành y chính là theo đuổi sứ mệnh chữa bệnh cứu người. Khi dịch bùng phát, em nghĩ tham gia chống dịch là trách nhiệm của mình.

Vừa có sức khỏe, sức trẻ lại có kiến thức chuyên môn, chúng em không thể thờ ơ, vì thế em quyết định vào miền Nam làm nhiệm vụ”, đó là tâm tư chia sẻ của Lê Thị Ngọc Mai (sinh năm 1999, quê Yên Bái) - sinh viên Trường Đại học Y Dược Thái Bình.

Những tình nguyện viên đoàn kết, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. (Ảnh: NVCC)

Những tình nguyện viên đoàn kết, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. (Ảnh: NVCC)

Ngày 16/7, Ngọc Mai cùng đoàn tình nguyện của trường đến với Thành phố Hồ Chí Minh, em được phân công lấy mẫu xét nghiệm tại phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân. Sau 2 tuần, Mai được chuyển về phường Tân Tạo A, thực hiện các công việc lấy mẫu, truy vết và tham gia vào đội phản ứng nhanh.

Ngọc Mai tâm sự: “Dù làm công việc gì, ở đâu, em cũng cảm nhận được sự dễ mến, tình cảm chân thành của người dân.

Có những ngày lấy mẫu từ sáng xuyên trưa, các cô các bác còn nấu cháo mang đến cho chúng em, rồi hoa quả, nước uống, tận tình từng chút một”.

Ngoài ra, Mai còn tham gia vào đội phản ứng nhanh, bất cứ khi nào có cuộc gọi thông báo có bệnh nhân cần giúp đỡ, cả nhóm lại theo nhiệm vụ đã giao, thần tốc đến cứu người.

Ngọc Mai nhận nhiệm vụ trực điện thoại, hỗ trợ tâm lý và tư vấn cho bệnh nhân trong khoảng thời gian chờ nhân viên y tế đến.

Đối với các đối tượng F0, nhiều người sẽ gặp vấn đề về tâm lý, hoang mang, lo sợ. Mai sẽ trấn an họ giữ sự bình tĩnh, dạy họ cách tập thở, điều hòa hơi thở của mình. Trong khi những người đồng đội khác sẽ lên đường đến hỗ trợ điều trị.

Người dân luôn quan tâm, yêu thương, tặng hoa quả cho các tình nguyện viên tham gia chống dịch. (Ảnh: NVCC)

Người dân luôn quan tâm, yêu thương, tặng hoa quả cho các tình nguyện viên tham gia chống dịch. (Ảnh: NVCC)

"Làm việc tại trạm y tế phường Tân Tạo A không chỉ có sinh viên trường em mà còn có nhiều tình nguyện viên đến từ thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.

Em luôn cảm thấy tự hào, hạnh phúc vì có những người đồng đội kiên cường, dũng cảm, luôn sẵn sàng dấn thân và cống hiến. Quá trình tham gia chống dịch, một số bạn không may trở thành F0. Tuy nhiên, sau khi được cách ly và điều trị thành công, các bạn tiếp tục xung phong quay trở lại công việc ở trạm.

Có bác sĩ trong đội phản ứng nhanh cũng trở thành F0, anh về cách ly tại nhà nhưng vẫn tiếp tục hỗ trợ cho đội, bằng cách tư vấn online cho các F0, đánh giá tình trạng bệnh nhân qua điện thoại để đội có giải pháp kịp thời.

Có những ngày, đội phải làm việc xuyên đêm, nhiều anh chị làm việc đến quên ăn nhưng chưa bao giờ có một lời than vãn. Mỗi người một công việc, một nhiệm vụ nhưng người ai nấy đều nhiệt huyết, bản lĩnh, mạnh mẽ vượt qua chính mình, vượt qua những thử thách của dịch bệnh”, Ngọc Mai chia sẻ.

Ban đầu, do sự khác biệt về ngôn ngữ nên đôi lúc những người đồng đội không hiểu ý nhau. Nhưng 1 thời gian cùng sát cánh bên nhau, chung một nhiệm vụ, các chiến sĩ ngành y đã yêu thương nhau như những người anh em trong cùng một gia đình.

Những nhân viên tại trạm y tế không chỉ hỗ trợ truy vết, xét nghiệm mà còn tận tình chăm sóc các tình nguyện viên. Sau những ngày đi làm về, Ngọc Mai và bạn bè lại được các anh chị chuẩn bị đồ ăn, nước uống.

Và với những chiến sĩ ngành y, dù học tập ở những ngôi trường khác nhau, đến từ những miền quê cách nhau hàng ngàn cây số, họ đều chung một mục đích, một quyết tâm là đẩy lùi dịch bệnh. Họ cùng hẹn sẽ gặp lại nhau vào một ngày Sài Gòn trở lại nhịp sống vui tươi vốn có.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Phạm Minh