Quảng Nam đảm bảo vệ sinh thực phẩm trong khu cách ly, khu công nghiệp ra sao?

29/09/2021 11:05
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngoài việc tăng cường kiểm tra, giám sát các bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp thì việc đảm bảo an toàn thực phẩm ở khu cách ly cũng được triển khai.

Kiểm tra bếp ăn tại các khu cách ly

Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh Quảng Nam thì từ ngày 18/7 đến nay, địa phương này ghi nhận 678 ca bệnh. Trong đó, số ca bệnh đang cách ly tại khách sạn/cơ sở lưu trú: 4.477 người, đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung dân sự: 1.203 người.

Lực lượng chức năng kiểm tra bếp ăn tại một cơ sở cách ly ở Quảng Nam. Ảnh: AN

Lực lượng chức năng kiểm tra bếp ăn tại một cơ sở cách ly ở Quảng Nam. Ảnh: AN

Cùng với các bếp ăn phục vụ cho bệnh nhân, người cách ly thì một số lượng lớn cán bộ, công an, nhân viên các cấp chính quyền cùng tham gia đội ngũ chống dịch cùng được bố trí ăn uống tại các bếp ăn dã chiến.

“Việc bảo đảm đảm an toàn thực phẩm cho người lao động, cán bộ tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 luôn được chúng tôi quan tâm, giám sát chặt chẽ.

Trong đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã có văn bản thực hiện nghiêm yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các khu cách ly, khu công nghiệp”, bà Lê Thị Hồng Cẩm – Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm Quảng Nam cho hay.

Cụ thể, đối với cơ sở cách ly tổ chức bếp ăn dã chiến thì cần đảm bảo khu vực chế biến, nấu ăn vệ sinh, cách biệt với nguồn ô nhiễm, bố trí tách biệt với phân khu cách ly. Dụng cụ chế biến, ăn uống bảo đảm vệ sinh.

Có đủ nước sạch để sử dụng. Thực hiện ăn chín, uống chín, ăn ngay sau khi chế biến. Bố trí khu vực rửa tay, rửa tay trước, trong và sau khi chế biến thực phẩm. Có thùng đụng rác, có nắp đậy, đạp chân và lót túi.

Người cung cấp dịch vụ ăn uống phải được kiểm tra, giám sát sức khỏe, đảm bảo các điều kiện vệ sinh như đo nhiệt độ, khai báo y tế hằng ngày, đeo khẩu trang và găng tay khi phục vụ, đảm bảo khoảng cách trong quá trình giao nhận thực phẩm.

Còn tại cơ sở cách ly thì phải cung cấp suất ăn riêng cho từng trường hợp được cách ly, không ngồi ăn chung. Có xe đẩy chuyển thức ăn cho người được cách ly, đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình phân phối thức ăn.

Bố trí khu vực rửa tay sát khuẩn, rửa tay sát khuẩn trước và sau khi ăn. Thu gom rác thải sau khi ăn uống.

“Vừa rồi, chúng tôi đã tiến hành đi kiểm tra các bếp ăn tại 6 khu cách ly trên địa bàn tỉnh. Đối với các bếp ăn tự phát do dân quân tự vệ, hội phụ nữ… tổ chức nấu thì chúng tôi đã có những hướng dẫn cụ thể về việc chế biến, bảo quản thực phẩm sao cho đảm bảo, an toàn, tránh trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Còn tại các bếp ăn do các khách sạn (được trưng dụng làm khu cách ly) thì thực hiện khá tốt và được Chi cục cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm”, bà Cẩm thông tin thêm.

Bếp ăn trong các khu công nghiệp phải an toàn

Hiện tại nhiều Khu công nghiệp của Quảng Nam đã hoạt động trở lại bình thường. Do đó, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm cho các công nhân trong các khu công nghiệp này cũng là một vấn đề bức thiết.

Ông Nguyễn Đây – Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm Quảng Nam cho hay, đối với vấn đề này thì địa phương đã ban hành những quy định cụ thể.

Trong đó, đối với cơ sở cung cấp lương thực, thực phẩm, suất ăn cho cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp, thì yêu cầu ký cam kết phòng chống dịch.

Phối hợp quản lý danh sách người lao động, lịch trình, thời gian làm việc, định kỳ xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ người lao động; yêu cầu người lao động thực hiện 5K, ghi lại lịch trình tiếp xúc hằng ngày.

Doanh nghiệp cung cấp suất ăn cá nhân, bố trí việc lấy suất ăn theo nguyên tắc một chiều. Khi xuất hiện trường hợp mắc Covid-19, trường hợp là F1, F2, thực hiện cách ly, truy vết, khoanh vùng theo quy định, khuyến khích cung cấp suất ăn tại từng vị trí làm việc tùy theo tình hình dịch bệnh tại cơ sở.

Để đảm bảo an toàn thì doanh nghiệp được khuyến nghị sắp xếp ca ăn lệch giờ, tránh tập trung đông người ở căng tin, phòng ăn trong một khung giờ.

Khuyến khích bố trí khu vực ăn riêng theo từng phân xưởng sản xuất, dây chuyền, tổ, khu vực sản xuất tại căng tin, phòng ăn của cơ sở.

Đảm bảo khoảng cách khi ăn, bố trí so le tùy theo tình hình dịch. Lắp vách ngăn giữa các vị trí ngồi ăn, khuyến khích đánh mã số tại vị trí ngồi ăn, người ăn ghi lại mã số tại vị trí của mình để dễ dàng truy vết khi cần.

Tránh ngồi đối diện, trò chuyện khi ăn. Ăn xong rời khỏi căng tin ngay, tránh tiếp xúc không cần thiết.

Bố trí khu vực rửa tay, sát khuẩn tay trước và sau khi ăn. Thực hiện vệ sinh, thu gom rác thải, khử khuẩn ngay sau mỗi lượt người lao động ăn uống. Có biện pháp hạn chế sử dụng tiền mặt hoặc phiếu ăn để trả tiền ăn”, hướng dẫn của Chi cục An toàn thực phẩm nêu rõ.

“Đợt này, chúng tôi chủ yếu làm công tác tuyên truyền, nhắc nhở và hướng dẫn các đơn vị, bếp ăn thực hiện tốt việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong đó, đặc biệt chú ý khâu lưu mẫu để trường hợp có xảy ra ngộ độc thực phẩm thì kịp thời kiểm tra, phát hiện và xử lý nhanh”, bà Cẩm cho hay.

AN NGUYÊN