Nữ giảng viên điều dưỡng hạnh phúc vì được tham gia vào tuyến đầu chống dịch

26/08/2021 08:19
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cô Minh Phượng chia sẻ, ở khu điều trị các nhân viên y tế luôn nỗ lực giành giật từng hơi thở cho người bệnh.

Gia đình là động lực

“Mẹ cố lên, dịch hết nhanh, mẹ về! Con ở nhà sẽ dạy em học. Mẹ về chúng ta sẽ tổ chức tiệc trong phòng, mẹ nhớ mặc đồ đẹp nha”.

Đó là lời động viên của hai cô con gái 8 tuổi và 6 tuổi của Thạc sỹ Điều dưỡng Đặng Thị Minh Phượng, Giảng viên Đơn vị Huấn luyện kỹ năng Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học, Khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đang tình nguyện tham gia công tác chăm sóc cho người bệnh mắc Covid-19 tại thành phố.

Thạc sỹ Đặng Thị Minh Phượng, giảng viên Đơn vị huấn luyện kỹ năng Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học, Khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh tham gia tình nguyện tại tâm dịch thành phố. (Ảnh NVCC)

Thạc sỹ Đặng Thị Minh Phượng, giảng viên Đơn vị huấn luyện kỹ năng Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học, Khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh tham gia tình nguyện tại tâm dịch thành phố. (Ảnh NVCC)

Tháng 5, tình hình dịch Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu diễn biến phức tạp, số ca nhiễm dần lan nhanh trong cộng đồng.

Trước tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng, nhiều giảng viên, sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng đã chi viện cho thành phố nhằm đảm bảo, thắt chặt hơn công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Đó cũng là lý do vì sao cô Minh Phượng cùng đồng nghiệp và học trò của mình gác lại công việc gia đình để tham gia tình nguyện, tiếp thêm sức mạnh bảo vệ thành phố trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, phức tạp hơn 1 tháng qua.

Ở ngay trong tâm dịch, những diễn biến của dịch bệnh khiến đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp của mình thúc giục những người trẻ như giảng viên Minh Phượng biết mình phải làm gì, cần làm gì và quyết tâm như thế nào.

Có rất nhiều khó khăn và lo lắng trước khi đi vào thực hiện công tác tình nguyện tại tâm dịch thành phố, cô Phượng chia sẻ: "Điều băn khoăn, lo lắng nhất của mình trước khi đi vào tâm dịch chính là sẽ làm được gì ở đó và làm sao để vừa thực hiện công tác hiệu quả vừa phải đảm bảo được an toàn cho bản thân, gia đình và các bạn đồng nghiệp.

Thật may mắn khi mình có gia đình là nguồn động lực, hỗ trợ và chia sẻ công việc ở nhà để vững tâm tham gia cùng đoàn chống dịch. Mình hiểu rằng, nếu ở ngoài kia vẫn còn nhiều ca dương tính thì gia đình mình và nhiều gia đình khác cũng chưa thể an yên. Trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm với cộng đồng thôi thúc mình lên đường”.

Để tham gia cùng đoàn tình nguyện chống dịch, cô Minh Phượng đã chuẩn bị trước cho các con của mình một thời gian để các bé hiểu và thông cảm cho công việc của mẹ.

“Con sẽ dạy em học”, “chúng con hứa sẽ ngoan” là lời hứa của tụi nhỏ với mẹ, nhưng đó cũng là những băn khoăn, trăn trở, động lực khi cô Minh Phượng quyết tâm lên đường tình nguyện chống dịch. Bởi cô hiểu rằng, bao nhiêu ngày tham gia chống dịch thì cũng là bấy nhiêu ngày không được gần gia đình.

“Mình đã cho con xem rất nhiều clip trên mạng xã hội về các nhân viên y tế tham gia chống dịch như thế nào. Giải thích cho con hiểu rằng, ngoài kia có rất nhiều người bị ốm, nhiều người đang cần đến mẹ chăm sóc, các con có ba, có bà ngoại, có dì năm và gia đình mình, mẹ sẽ tham gia cùng mọi người chăm sóc người bệnh và tụi nhỏ dần cũng nhận thức được mẹ đi đâu, làm gì.

Nhờ có công nghệ, thời gian nghỉ mình gọi điện video cho tụi nhỏ, được nhìn thấy con và gia đình vẫn bình an. Tụi nhỏ luôn động viên mẹ cố lên. Hơn tất thảy đó là chỗ dựa vững chắc nhất cho mình vượt qua những khó khăn trong thời gian này, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh”, cô Phượng tâm sự.

Cùng người bệnh giữ gìn sự sống

Cô Minh Phượng tham gia chống dịch trên nhiều mặt trận. Lúc đầu, cô cùng sinh viên và đồng nghiệp thực hiện lấy mẫu cộng đồng tại quận Bình Tân.

Cô Minh Phượng cùng đồng nghiệp và học trò tham gia lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng. (Ảnh NVCC)

Cô Minh Phượng cùng đồng nghiệp và học trò tham gia lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng. (Ảnh NVCC)

Là một giảng viên, mình nhận thấy khi sinh viên tham gia chống dịch tại cộng đồng, bản thân các em cũng có nguy cơ bị phơi nhiễm. Chính vì vậy, sinh viên cần nắm được các kiến thức về kiểm soát nhiễm khuẩn để làm sao vừa giúp cho người dân và vừa bảo vệ bản thân mình không bị nhiễm bệnh.

Mình luôn luôn nhắc nhở bản thân, đồng nghiệp và các em sinh viên là phải đảm bảo được an toàn, sức khỏe cho chính bản thân, như vậy mới bảo vệ được những người khác”, cô Phượng cho hay.

Kết thúc đợt lấy mẫu cộng đồng tại Quận Bình Tân để khoanh vùng F0, cô Minh Phượng tham gia vào đội 2, đội phản ứng nhanh trong mô hình “2 đội y tế” tại trạm cấp cứu ngoại viện, cấp cứu và chăm sóc cho bệnh nhân Covid.

Cô Phượng chia sẻ: "Khi đi vào khu điều trị, tiếp xúc trực tiếp, chăm sóc hằng ngày cho những người bệnh, mình cảm nhận được rõ hơn về cuộc chiến giành giật từng hơi thở cho người bệnh".

Cô Minh Phượng kể rằng, người bệnh ở đây được hỗ trợ điều trị, chăm sóc về thuốc, về hô hấp, về các nhu cầu cơ bản như ăn uống, vệ sinh cá nhân. Nhân viên y tế có gì, người bệnh có đó, nhân viên y tế ăn gì, người bệnh ăn đó. Có thể chưa đủ tốt như ở nhà, nhưng đội ngũ nhân viên y tế chúng mình chăm sóc bằng tất cả tình yêu thương và khả năng của mình.

"Nhiều người bệnh khi đã được chăm sóc ổn định họ rất cảm động và biết ơn. Họ cảm nhận được rõ tâm huyết của những nhân viên ngành y đang nỗ lực chăm sóc và bảo vệ họ. Được trực tiếp làm những việc ấy, mình thật sự hạnh phúc", cô Phượng bày tỏ.

Trong quá trình tham gia tình nguyện, sự đoàn kết của toàn đội là điều không thể thiếu. Cô Minh Phượng chia sẻ, chăm sóc người bệnh, chúng mình là một, không phân biệt trình độ chuyên môn, không phân biệt vai trò, vị trí, tất cả đều chung một chí hướng, một mục tiêu, chung một tình yêu thương là làm sao để giúp cho người bệnh qua khỏi cơn nguy kịch.

Nói về vai trò của một giảng viên, một cố vấn học tập đồng hành với các em sinh viên đầy nhiệt huyết tuổi trẻ trong chống dịch, cô Minh Phượng chia sẻ: “Khi tham gia lấy mẫu cộng đồng hay trực tiếp chăm sóc cho người bệnh tại các khu điều trị, cách ly đều sẽ có nhiều tình huống phát sinh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, đến tâm lý của các em.

Mình được các thầy cô lớn hỗ trợ, chăm sóc như thế nào thì mình hỗ trợ các em như thế đó. Luôn thăm hỏi, động viên tinh thần các em, mang những phần quà từ các mạnh thường quân đến cho các em.

Các bạn sinh viên được các thầy cô chuẩn bị tâm lý từ trước khi tham gia công tác tình nguyện. Sinh viên cũng sẽ được biết các bạn sẽ phải làm gì, được phân công vị trí và nhiệm vụ. Tất cả các công việc phải phù hợp năng lực, chuyên môn của các bạn sau khi được kiểm tra kiến thức và thực hành.

Điều quan trọng nhất là thực hiện thật tốt, nghiêm ngặt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn để bảo vệ bản thân an toàn".

Với cô Phượng, vai trò của một người làm thầy, làm cô rất quan trọng. Đó không chỉ là người hướng dẫn mà còn là người có trách nhiệm bảo vệ, bao bọc, chia sẻ với học trò của mình và phải luôn hướng về các em.

“Bất kỳ một thông tin gì, khó khăn nào của các em sinh viên đều được các thầy cô cố gắng giải quyết thật nhanh. Các thầy cô thấu hiểu rằng, khi sinh viên đi chống dịch thì nhiệt huyết rất lớn và trách nhiệm của những người làm giảng viên giống như cha, mẹ, phải đảm bảo được sự an toàn cho các bạn. Vô cùng biết ơn tinh thần tình nguyện của các bạn”, cô Phượng nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo cô Minh Phượng, để mọi người có thể yên tâm làm công tác chuyên môn, chiến đấu với dịch bệnh, không thể không kể đến phần hỗ trợ rất lớn của nhà trường, của các thầy cô, ban ngành và các mạnh thường quân. Nếu không có họ thì cả đội sẽ rất khó làm tốt công việc của mình.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Cao Kim Anh