Nơi hồng tâm Đà Nẵng: Những đêm trắng dựng “lá chắn” Tiên Sơn

06/08/2020 14:25
Thu Giang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tận mắt chứng kiến công việc bộn bề của những “chiến sĩ” không mặc áo lính hay blouse trắng, mới thấu hiểu hết được nỗi gian truân, sự hy sinh vì cộng đồng.

Luôn ở chế độ làm việc với cường độ cao, những chiến sĩ không mặc áo blouse trắng nơi tuyến đầu chống dịch của Tập đoàn Sun Group cùng các nhà thầu đã căng mình dồn sức cho 84 giờ lịch sử hoàn thiện “phòng tuyến” Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn.

Đột xuất, gấp rút và chính xác

Đêm khuya, Cung thể thao Tiên Sơn (đường Phan Đăng Lưu, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đèn vẫn sáng trưng.

Chẳng có cuộc thi đấu nào được phép tổ chức khi thành phố đang là tâm điểm dịch bệnh Covid-19.

Tiếng khoan cắt không ngơi nghỉ, những bước chân hối hả ngược xuôi. Những cuộc trao đổi gấp gáp, những cuộc điện thoại vội vàng bàn bạc, xử lý các công việc phát sinh.

Đó chỉ là một trong chuỗi 3 đêm trắng miệt mài của hàng trăm kỹ sư, công nhân và nhân viên Sun Group cùng các nhà thầu tại công trường “trọng điểm” - Bệnh viện dã chiến.

Tận mắt chứng kiến công việc bộn bề của những “chiến sĩ” không mặc áo lính hay blouse trắng, mới thấu hiểu hết được nỗi gian truân, sự hy sinh vì cộng đồng.

Ở nơi tuyến đầu chống dịch, mang trách nhiệm lớn và đầy áp lực: phải hoàn thành xây dựng Bệnh viện dã chiến trong vòng 5 ngày, hàng trăm con người đã luôn có mặt 24/24 tại công trường, gác lại công việc nhà còn nhiều bề bộn lo lắng giữa thời điểm giãn cách xã hội.

Vừa thoăn thoắt bắt những đường khoan chuẩn xác lên khung vách chia buồng của Bệnh viện dã chiến, một nhân viên thi công bộc bạch:

“Chúng tôi không sợ dịch bệnh, chúng tôi chỉ lo nếu về thì làm sao xong công trình lớn này trong thời gian đặt ra. Mỗi người một tay một chân, anh em đều dốc sức để hoàn thành tiến độ”.

Đà Nẵng những ngày hối hả hoàn thành Bệnh viện dã chiến, thời tiết oi nồng chờ đón những cơn mưa.

Do tính chất là bệnh viện bệnh lý hô hấp cấp tính phục vụ cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19, nên toàn bộ thiết bị điều hoà không khí ở đây đều phải ngưng sử dụng, thay vào đó là hệ thống thông gió tự nhiên.

Vài chục chiếc quạt máy hoạt động hết công suất ngày đêm vẫn không đủ xua tan cơn nóng.

Giọt mồ hôi rịn trên trán chưa kịp lau, lưng áo công trường ướt đẫm nhưng anh Đoàn Khắc Trung, Trưởng ban Quản lý xây dựng Sun Group vùng miền Trung chia sẻ:

“Chúng tôi làm việc không ngừng nghỉ, trực 24/24 giờ để sẵn sàng đáp ứng, xử lý những tình huống phát sinh.

Nửa đêm, có khi mệt quá vừa vội thiếp đi trên tấm bìa các tông trải vội, lại nhận cuộc gọi khẩn cấp, thế là mấy anh em tổ trưởng các tổ thi công lại họp bàn ngay để xử lý”.

Anh Lý Thành Quân, phụ trách Phòng Bảo trì, Công viên Châu Á – đơn vị được huy động tăng cường hỗ trợ xây dựng Bệnh viện dã chiến chia sẻ thêm, mấy ngày qua, không chỉ riêng anh mà các đồng nghiệp tại Đà Nẵng đều phải làm việc liên tục, cường độ cao gấp 3 lần so với những ngày thường.

Đặc biệt, việc xây dựng này quá gấp gáp, hầu như cán bộ, nhân viên đơn vị đều đang thực hiện giãn cách xã hội tại nhà, có những địa phương đang bị phong tỏa nên anh phải gọi điện cho từng người, động viên tinh thần anh em tham gia làm việc.

Để rồi sau đó, họ rất nhanh bị cuốn vào guồng quay công việc, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ, gác lại thời gian sum họp với những người thân, gia đình ở lại phía sau.

Tại công trường đặc biệt này, không khó để bắt gặp hình ảnh những bữa cơm vội vã, giấc ngủ tranh thủ, từng đôi mắt quầng thâm vì thiếu ngủ,…

Khi niềm tin là sức mạnh, điều không thể sẽ trở thành có thể

Vất vả, nỗ lực đã cho trái ngọt, Bệnh viện dã chiến do Tập đoàn Sun Group tài trợ và trực tiếp thi công sau 3,5 ngày lắp ráp khẩn trương, gấp rút đã được hoàn thiện, sớm trước 2,5 ngày so với kế hoạch đặt ra.

Đây được xem là Bệnh viện dã chiến đầu tiên của Việt Nam được xây dựng theo mô hình lắp modul, theo tư vấn thiết kế của Trung tâm tư vấn xây dựng thuộc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng với hệ thống buồng/giường bệnh, xử lý nước thải, ánh sáng, vách ngăn…. được thiết kế, lắp đặt theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng và Bộ Y tế đối với Bệnh viện dã chiến.

Theo thiết kế, các khu vực hành lang tầng 2, 3 của Cung thể thao Tiên Sơn được bố trí các giường bệnh dành cho bệnh nhân nhẹ, dự kiến tầng 2 sẽ bố trí khoảng 220 giường, tầng 3 khoảng 200 giường.

Khu vực tầng 4 sẽ trở thành chỗ làm việc, nghỉ ngơi cho y – bác sĩ điều trị. Để đáp ứng yêu cầu trước mắt, Bệnh viện dã chiến đã được lắp đặt 284 giường bệnh tại sàn thi đấu tầng 1.

Trong trường hợp dịch bùng phát mạnh, các không gian khác sẽ được tận dụng để lắp đặt thêm buồng, giường bệnh, với quy mô tối đa có thể đáp ứng 700-1.000 giường bệnh.

Khi cả trăm trái tim cùng chung nhịp đập, hướng về một mục tiêu chung bằng quyết tâm và sự tập trung cao độ, điều không thể sẽ trở thành có thể, như cái cách mà người Sun Group thần tốc dựng Bệnh viện dã chiến chỉ vỏn vẹn 84 giờ.

Vậy nhưng, hơn ai hết, những chiến sĩ thi công “lá chắn” chống dịch chỉ một lòng tâm nguyện mong sao cho bệnh viện luôn bị… “ế”.

Ông Dương Thế Bằng, Chủ tịch Sun Group Vùng miền Trung chia sẻ: “Mặc dù đối mặt với khá nhiều áp lực, thách thức để có thể thi công, hoàn thiện Bệnh viện dã chiến trong bối cảnh dịch bệnh và giãn cách xã hội với thời gian thần tốc, tuy nhiên, điều chúng tôi tâm niệm và mong muốn nhất là Bệnh viện dã chiến này sẽ không có cơ hội được dùng đến, hoặc nếu có thì cũng sẽ được sử dụng rất ít.

Chúng tôi vẫn hy vọng dịch Covid-19 sẽ sớm được khống chế hoàn toàn tại Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung”.

Không chiếc “đũa thần” nào thay thế được sự đồng tâm, hiệp lực trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch.

Từng hành động lặng thầm của doanh nghiệp, sự hy sinh nhỏ nhoi của mỗi cá nhân sẽ thắp lên niềm tin yêu, hy vọng.

Khó khăn rồi sẽ qua đi, dịch bệnh rồi sẽ kết thúc, nhưng những giá trị tốt đẹp, ý nghĩa nhất của đời sống sẽ mãi mãi bền lâu.

Lòng yêu nước không ở đâu đó xa xôi, mà ở chính tại nơi này - công trường không ngủ suốt 84h ở Bệnh viện dã chiến cung Tiên Sơn.

Thu Giang