Những thói quen ảnh hưởng xấu tới sức khỏe

24/01/2021 06:50
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có những thói quen trong đời sống sinh hoạt tưởng chừng vô hại nhưng lại là nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể gây ra những bệnh lý nghiêm trọng.

1. Bỏ bữa sáng

Hãy tập thói quen ăn uống điều độ với nguyên tắc: “Sáng ăn cho mình, trưa ăn cho bạn bè và tối ăn cho kẻ thù”. Điều này để thấy rằng sự cần thiết và quan trọng của bữa sáng mỗi ngày.

Sau một giấc ngủ đêm khá dài, bạn cần phải nạp năng lượng cho cơ thể bằng việc ăn sáng. Việc nhịn ăn là thói quen xấu của rất nhiều người, khiến cơ thể không đủ để thực hiện trao đổi chất, dễ dẫn đến tiểu đường và nhiều nguy hiểm tiềm ẩn khác.

2. Ngồi nhiều

Ngày nay, công việc, học tập, di chuyển trên các phương tiện… khiến chúng ta ngồi nhiều hơn vận động. Chính các thói quen ngồi nhiều tưởng vô hại này lại gây ta không ít bệnh lý liên quan đến cột sống, xương khớp, giãn tĩnh mạch, táo bón, trĩ, tăng cân, béo bụng…

Do đó, nếu tính chất công việc, học tập bắt buộc chúng ta ngồi nhiều thì nên nhớ thỉnh thoàng đứng dậy đi lại đồng thời tập thể dục mỗi ngày để ngăn ngừa bệnh tật hiệu quả hơn.

3. Ăn quá nhanh

Chúng ta có những thói quen “lạ đời” rằng không tuân thủ ăn đúng bữa, ăn đúng giờ nhưng để quá giờ, khi dạ dày không chịu được những cơn đói lại ăn dồn, ăn nhanh.

Theo một số nghiên cứu cho rằng ăn nhanh ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề sức khỏe. Ăn nhanh trong một thời gian dài và tạo ra thói quen có thể gây ra tình trạng đau dạ dày, ảnh hưởng đến vị giác.

Mặt khác, khi ăn nhanh, nuốt vội khiến thức ăn khó di chuyển hơn qua đường tiêu hóa, không hấp thu dinh dưỡng cần thiết và tăng cảm giác cồng kềnh hoặc chướng bụng sau khi ăn.

Ngoài ra ăn với tốc độ nhanh có thể dẫn đến tăng cân với tốc độ nhanh, thậm chí nguy cơ mắc tim mạch, tiểu đường và đột quỵ.

4. Sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều

Thời đại 4.0, việc sử dụng các thiết bị điện tử phục vụ các nhu cầu của đời sống hàng ngày là điều cần thiết. Tuy nhiên, dành quá nhiều thời gian để sử dụng những thiết bị đó gây ra không ít bệnh cho giới trẻ như giảm thị lực, thoái hóa cột sống cổ, hội chứng ngón tay cái, trầm cảm, thiếu mãu não…

Do vậy, cần kiểm soát và hạn chế tối đa thời gian sử dụng điện thoại, máy tính, tivi…khi sử dụng các thiết bị cần có thời gian nghỉ ngơi cho bộ não, thư giãn mắt… để đảm bảo sức khỏe.

5. Bổ sung vitamin không đúng cách

Nên bổ sung vitamin tự nhiên có sẵn bằng thực phẩm ăn uống hàng ngày. (Ảnh: Báo Sức khỏe và Đời sống)

Nên bổ sung vitamin tự nhiên có sẵn bằng thực phẩm ăn uống hàng ngày. (Ảnh: Báo Sức khỏe và Đời sống)

Nhiều người cho rằng, việc bổ sung vitamin luôn cần thiết và bổ sung mọi lúc mọi nơi, bằng nhiều cách. Bổ sung vitamin bằng thực phẩm ăn uống hàng ngày, cũng có người bổ sung thêm bằng cách uống các loại thực phẩm chức năng.

Tuy nhiên, uống một cách “vô tội vạ”, không theo quy định hướng dẫn của bác sỹ về bổ sung các chất còn thiếu trong cơ thể dẫn đến thừa chất. Điều này cực kì nguy hiểm, gây ra các bệnh mãn tính cho cơ thể. Chính vì thế, khi bổ sung bất cứ vitamin nào bằng việc uống các loại thực phẩm chức năng và thuốc đều cần có ý kiến của bác sỹ để tránh “lợi bất cập hại”.

6. Lạm dụng thuốc giảm đau

Nhiều người thường có thói quen đau thì uống ngay một viên giảm đau “thần dược” để giải quyết cơn đau “ngay lập tức”. Thế nhưng, thói quen uống thuốc giảm đau như thế là kéo theo cả một hệ lụy nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo nghiên cứu trên thế giới, thuốc giảm đau có thể lây lan cảm lạnh, cảm cúm thông thường. Việc sử dụng thuốc giảm đau đôi khi không làm cơn đau thuyên giảm mà còn khiến nó trầm trọng hơn, tăng nguy cơ đột quỵ, đau tim và các bệnh có liên quan đến thận.

Điều nguy hiểm hơn tất cả là phụ thuộc thuốc giảm đau có thể gây nghiện. Sử dụng thuốc giảm đau lâu dài dẫn đến sự phụ thuộc về thể chất vào thuốc. Điều này có nghĩa bạn phải thích nghi với các hóa chất và tạo dụng khả năng dung nạp nó.

Chính vì thế nhiều người đã phải “cai nghiện” thuốc giảm đau sau một thời gian dài phụ thuộc và có khả năng kháng thuốc trong việc điều trị các bệnh lý khác.

7. Sử dụng thuốc lá điện tử

Thuốc lá điện tử chứa nicotine không được đánh giá an toàn cho thanh thiếu niên, thanh niên trẻ tuổi hay phụ nữ mang thai. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ cũng cho biết Nicotin tác động xấu lên sự phát triển não bộ ở trẻ em và thanh thiếu niên, cũng như rất độc hại với các bào thai đang phát triển.

Trẻ em và người lớn cũng bị nhiễm độc nếu nuốt, hít phải và bị thấm dính dịch lỏng trong thuốc lá điện tử qua da hoặc mắt.

Hút thuốc và sử dụng các sản phẩm nicotine rất có hại cho da, phổi, khả năng chữa lành vết thương và các yếu tố quan trọng khác.

Nhiều người có quan niệm sai lầm khi hút thuốc lá điện tử không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhưng thực tế họ tiếp xúc với liểu lượng nicotine và hóa chất, thậm chí còn cao hơn cả thuốc lá truyền thống.

8. Lười vận động

Mỗi ngày nên dành ra ít nhất 15 phút để tập thể dục đều đặn, mang lại hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe con người. (Ảnh: Báo Sức khỏe và Đời sống)

Mỗi ngày nên dành ra ít nhất 15 phút để tập thể dục đều đặn, mang lại hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe con người. (Ảnh: Báo Sức khỏe và Đời sống)

Chúng ta thường hay biện minh cho việc lười vận động bằng những công việc bận rộn và không có thời gian. Tuy nhiên, việc lười vận động, lười tập thể dục mang lại nhiều hậu quả lâu dài về sức khỏe.

Thể dục mỗi ngày không chỉ giúp gọn gàng vóc dáng, làn da đẹp hơn về mặt thẩm mỹ mà còn bảo vệ cả sức khỏe con người. Tim mạch, bộ não, tuần hoàn máu và đặc biệt các cơ xương khớp được luyện tập hàng ngày sẽ có độ nhịp nhàng, dẻo dai về sức vóc, vận hành của các bộ phận trong cơ thể con người.

Việc lười vận động, lười tập thể dục dẫn đến sự chây ỳ, lão hóa của tất cả các bộ phận trên cơ thể con người. Mỗi ngày nên dành ra ít nhất 15 phút để tập thể dục đều đặn, mang lại hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe con người.

Cao Kim Anh