Những nguy cơ có thể xảy ra khi trẻ nhỏ đến bể bơi

30/07/2019 06:09
Hồ Thu
(GDVN) - Bơi lội là môn thể thao rất tốt cho sức khoẻ, tuy nhiên bể bơi công cộng cũng là nơi chứa nhiều nguy hiểm, đặc biệt là khả năng lây lan các bệnh truyền nhiễm.

Nguy cơ mắc bệnh ở bể bơi

Nhiều chuyên gia nghiên cứu về nguồn nước tại các bể bơi nhận xét: “Nước bể bơi rất bẩn!”.

Cụ thể, 60% bể bơi chứa các vi khuẩn độc hại, trong đó 58% chứa vi khuẩn ecoli – thủ phạm chính gây ra tiêu chảy và các bệnh đường ruột.

Mỗi người vào bể bơi mang theo rất nhiều vi khuẩn khiến cho bể bơi trở thành một nơi cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe con người. 

Hiện nay các bể bơi đều sử dụng clo để làm sạch nước. Tuy nhiên, khi clo gặp amoni sẽ phản ứng rất nhanh và tạo thành chất mà khả năng sát khuẩn kém clo tới hàng trăm lần gọi là monocloramin. Nhiều bể bơi thấy bẩn cứ đưa clo xuống, nước lại càng bẩn thêm.

Một số bể bơi cho phèn vào để xử lý nước. Phèn tuy làm cho nước trong nhưng sẽ làm giảm độ PH trong nước, dẫn đến tình trạng nhiều người đi bơi về thấy mắt cay sè, hoặc da rát bỏng, nhất là những vùng da bị trầy xước.

Mùa hè nhiều người tìm đến các bể bơi công cộng để vui chơi và rèn luyện sức khỏe. (Ảnh minh họa: suckhoedoisong.vn)
Mùa hè nhiều người tìm đến các bể bơi công cộng để vui chơi và rèn luyện sức khỏe. (Ảnh minh họa: suckhoedoisong.vn)

Khi bơi lội ở nơi có nguồn nước không vệ sinh, bạn rất dễ mắc phải những bệnh về mắt. 

Chia sẻ trên Báo Nhân dân, Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Xuân Nguyên, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, nguyên nhân phổ biến của bệnh viêm kết mạc là việc mắt bệnh nhân bị nhiễm khuẩn khi đi bơi ở sông ngòi, hồ ao và trong các bể bơi công cộng.

Trong đó viêm kết mạc có thể do trong hồ bơi có chất chlorine làm mắt đỏ kích ứng kéo dài.

Ngoài ra, việc tiếp xúc với nước bẩn không chỉ dẫn đến đau mắt thông thường còn làm tăng cơ hội lây nhiễm các loại vi khuẩn như Chalamydia, một loại vi khuẩn bộ phận sinh dục xâm nhập mắt.

Biểu hiện của bệnh này là mắt đỏ, ra gỉ nhiều, kết mạc có hột đặc hiệu, diễn biến kéo dài nếu không được điều trị đúng. [1]

Chia sẻ trên Báo An ninh Thủ đô, Tiến sĩ - Bác sĩ Ngô Hồng Phong, chuyên ngành Da liễu, Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc, Hà Nội khuyến cáo nguy cơ mắc một số bệnh nhiễm như mụn cóc, trùng roi nếu nước ở bể bơi không được sát khuẩn tốt.

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung (Trưởng phòng khám sản khoa - nam khoa, Trung tâm Y tế Thái Hà) lại đặc biệt khuyến cáo nguy cơ viêm nhiễm âm đạo và các bệnh phụ khoa khác khi chị em tắm ở bể bơi.

Ngoài ra, chúng ta cũng có nguy cơ nhiễm trùng bàng quang khi thường xuyên tắm ở bể bơi có nguồn nước bị ô nhiễm. [2]

Nguy cơ đuối nước khi bơi

Mùa hè, mùa tai nạn của học trò?
Mùa hè, mùa tai nạn của học trò?

Ngoài các nguy cơ mắc bệnh do nước tại bể bơi, các phụ huynh cho con đi bơi cũng cần phòng tránh trẻ bị đuối nước.

Đã có một số trường hợp trẻ bị tử vong do đuối nước khi tắm ở bể bơi.

Dù bể bơi có nhân viên cứu hộ nhưng trong thời điểm bể bơi quá đông, việc quan sát được hết những bất thường khi bơi là khá khó khăn.

Vì thế phụ huynh khi đưa con đến bể bơi cần đặc biệt chú ý quan sát trẻ, để trẻ bơi ở khu vực phù hợp, hướng dẫn trẻ những nguyên tắc đảm bảo an toàn để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra.

Những lưu ý khi bơi tại bể

Trước khi bơi, bạn cần khởi động tránh chấn thương và các sự cố sức khỏe khi tập luyện. Đặc biệt, nếu bơi vào mùa đông bạn nên khởi động kỹ hơn.

Để tránh các loại vi khuẩn ô nhiễm tại các bể bơi công cộng, bạn nên tắm trước khi xuống bể. Việc này sẽ giúp loại bỏ những vi khuẩn có hại, dễ lây lan cho những người khác.

Khi bơi tốt nhất nên đeo kính bơi để bảo vệ mắt bạn tránh khỏi các vi sinh vật mang mầm bệnh cũng như bị ảnh hưởng bởi hoá chất trong hồ bơi.

Việc sử dụng mũ bơi bảo vệ tóc để tránh cho tóc và da đầu tiếp xúc với những chất độc hại trong bể bơi là một việc cần thiết. Sau khi bơi, bạn nên gội đầu và dùng dầu xả dưỡng tóc để tóc không bị khô.

Vì nước hồ bơi không hề sạch cho nên bạn cần hạn chế tối đa việc uống nước ở hồ bơi.

Sau khi bơi nên đi tiểu tiện ngay, bởi vì bên trong bể nước có nhiều tính kiềm, hơn nữa trong nước lại chứa lượng lớn vi khuẩn lây truyền, rất dễ dẫn đến tình trạng lây nhiễm.

Sau khi bơi, bạn cũng nên chú ý bổ sung đủ lượng nước để tế bào da có thể tự hồi phục.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.nhandan.com.vn/suckhoe/item/36734902-mua-di-boi-can-trong-voi-cac-benh-ve-mat.html

[2] https://anninhthudo.vn/doi-song/di-boi-ngay-nang-nong-ban-co-biet-nhung-dieu-nay/727309.antd

Hồ Thu