Những biện pháp giúp thầy cô, học sinh miền Bắc chống rét

25/12/2020 09:35
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thời tiết lạnh giá ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, gây trở ngại quá trình học tập và làm việc của học sinh và giáo viên.

Các tỉnh miền Bắc chuẩn bị đón thêm những đợt không khí lạnh mới, nhiệt độ có thể giảm sâu, ở nhiều nơi dự báo xuống dưới 10 độ, vì vậy các thầy cô và học sinh đều cần phải đặc biệt quan tâm giữ gìn sức khỏe để duy trì các hoạt động dạy và học.

Bệnh lý về đường hô hấp tăng cao

Trong hơn hai tuần trở lại đây, nhiệt độ miền Bắc luôn ở mức thấp, thời điểm thấp nhất trong ngày có khi xuống dưới 10 độ C và đây cũng là thời điểm lạnh nhất tính từ đầu mùa đông này đến nay.

Thông thường khi thay đổi thời tiết, thể trạng con người bắt buộc phải thay đổi để thích nghi nếu không sẽ xảy ra các bệnh lý. Mùa đông ở miền Bắc lại có đặc điểm lạnh nhanh, lạnh sâu, khô và chênh lệch nhiệt độ tại các thời điểm diễn ra nhanh chóng, đột ngột.

Chính vì thế quá trình thay đổi thời tiết từ ấm sang lạnh diễn ra nhanh dễ gây ra các bệnh lý về đường hô hấp như cảm lạnh, ho, viêm họng, sổ mũi… Nếu bản thân không chăm sóc tốt, đúng cách để tăng cường sức đề kháng thì khó có thể chống chọi sự khắc nghiệt của thời tiết.

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, những vi rút phổ biến gây cảm lạnh ở người sinh trường và phát triển tốt hơn trong môi trường mát mẻ. Điều này đồng nghĩa với việc vào mùa đông, các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh có xu hương chọn mũi thay vì sinh sống trong đường ruột ấm và ẩm ướt.

Thêm vào đó, không khí lạnh cũng khiến hệ miễn dịch của cơ thể sản xuất ít tế bào bạch cầu hơn, khiến cho các vi khuẩn, vi rút có thể “tự do” hơn trong việc xâm nhập cơ thể. Nhiệt độ lạnh hơn cũng khiến cho các phản ứng miễn dịch trở nên chậm chạp hơn, đồng thời khiến cơ thể nhạy cảm hơn so với nhiệt độ thông thường.

Ngoài những bệnh lý thông thường về mặt hô hấp, thời tiết thay đổi nóng, lạnh đột ngột còn gây ra những biến chứng như đột quỵ, huyết áp, các bệnh về tim mạch, xương khớp…

Cũng đã có rất nhiều trường hợp trẻ em bị tiêu chảy do virut Rota. Đây là chứng bệnh phổ biến thường gặp vào thời điểm giao mùa hoặc khi thời tiết trở lạnh.

Theo tìm hiểu thực tế, ghi nhận rằng số ca bệnh hô hấp, tiêu chảy nhập viện phần lớn là trẻ em. Con số đó cũng tương đồng với việc số phép nghỉ học tại các trường học tăng theo.

Ngoài ra, do đặc thù công việc, học tập, phần lớn học sinh và giáo viên di chuyển vào sáng sớm, có thói quen học bài, làm việc rất khuya, đây là hai thời điểm lạnh nhất trong ngày nên nguy cơ nhiễm lạnh rất cao, khả năng mắc bệnh lớn, nhiều trường hợp còn đột quỵ gây tử vong.

Thời tiết trở lạnh nhưng không khí Noel vẫn ngập tràn trong các lớp học được giữ ấm tại miền Bắc. (Ảnh C.K.A)

Thời tiết trở lạnh nhưng không khí Noel vẫn ngập tràn trong các lớp học được giữ ấm tại miền Bắc. (Ảnh C.K.A)

Những biện pháp chăm sóc sức khỏe ngày lạnh đúng cách

Chủ động bảo vệ sức khỏe, luôn giữ ấm cơ thể và tăng cường sức đề kháng là những biện pháp chống chọi lại sự khắc nghiệt của thời tiết khi trở lạnh.

Thứ nhất: Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ chất.

Thực phẩm chính là nguồn cung cấp năng lượng cần thiết để giữ ấm cơ thể trong mùa đông. Do đó muốn giữ ấm cơ thể tốt nhất nên ăn đủ bữa và nạp đủ lượng dinh dưỡng cần thiết.

Lượng thực phẩm cung cấp sẽ giúp cho quá trình đốt cháy calo được diễn ra thuận lợi, tạo điều kiện sinh nhiệt liên tục cho cơ thể. Bên cạnh đó, thức ăn còn cung cấp năng lượng cần thiết thông qua lượng đường được hấp thu, tăng khả năng giữ ấm trong điều kiện thời tiết lạnh.

Đặc biệt nên bổ sung các loại gia vị có tác dụng giữ ấm như gừng, tỏi…, ăn các món ăn khi còn nóng vừa giúp làm ấm cơ thể hơn, vừa giúp bảo vệ hệ thống miễn dịch.

Thứ hai: Bổ sung đủ lượng nước cơ thể cần thiết.

Nhiều người quan niệm sai lầm là lượng nước cơ thể cần trong mua đông ít hơn so với mùa hè nhưng thực tế dù nhiệt độ cao hay thấp thì nhu cầu nước cung cấp cho cơ thể là không thay đổi. Cơ thể cần cung cấp nước không phụ thuộc vào việc toát nhiều mồ hôi trong vận động hay khát nước.

Nước có vai trò vận chuyển chất dinh dưỡng và oxy đến các tế bào, loại bỏ chất thải, tạo điều kiện cho cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng, bảo vệ các cơ quan quan trọng, loại bỏ chất thải, tạo điều kiện cho cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng, bảo vệ các cơ quan quan trọng, làm ẩm, làm dịu da và mắt, đảm bảo duy trì huyết áp bình thường.

Nước cũng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, giúp bảo vệ chống lại sự kiệt sức do nhiệt độ quá nóng vào mùa hè hay quá lạnh của thời tiết mùa đông.

Theo nghiên cứu khoa học, nên uống 2 lít nước mỗi ngày để giữ nước và luôn giữ ấm cho cơ thể trước thời tiết trở lạnh. Điều này sẽ có lợi ích lớn trong việc tránh cho cơ thể bị giảm nhiệt độ, khiến chúng ta dễ mắc các bệnh hô hấp như ho, sổ mũi hoặc cảm lạnh, nặng hơn là viêm phế quản, viêm phổi cùng nhiều biến chứng dễ xảy ra.

Dù có tia nắng ít ỏi vào ban trưa nhưng phố đi bộ Hồ Gươm vẫn đông đúc các gia đình đưa trẻ dạo chơi cuối tuần để tăng cường vận động trong những ngày thời tiết lạnh giá. (Ảnh C.K.A)

Dù có tia nắng ít ỏi vào ban trưa nhưng phố đi bộ Hồ Gươm vẫn đông đúc các gia đình đưa trẻ dạo chơi cuối tuần để tăng cường vận động trong những ngày thời tiết lạnh giá. (Ảnh C.K.A)

Thứ ba: Tạo thói quen luyện tập thể dục, thể thao hàng ngày.

Khi thời tiết lạnh, cơ thể thường ít vận động hơn, rất khó duy trì tập thể dục, thể thao đều đặn mỗi ngày. Tuy nhiên, việc tập luyện hàng ngày giúp cơ thể giải phóng một lượng endorphin – một chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ, có tác dụng tạo cảm xúc tích cực, cải thiện tâm trạng và giảm đau.

Việc thể dục, thể thao trở thành thói quen hàng ngày rất tốt cho cơ thể. Mỗi người nên bỏ ra 150 phút để luyện tập mỗi tuần. Tuy nhiên, trong quá trình luyện tập, người tập nên uống đủ nước để máu lưu thông tốt trong cơ thể tránh tình trạng cơ thể sốc nhiệt gây đột quỵ.

Thứ tư: Bổ sung các vitamin thiết yếu.

Đặc trưng của mùa đông là cơ thể con người ít được tiếp xúc với ảnh nắng trực tiếp hơn mùa hè, điều này làm giảm lượng vitamin D trong cơ thể.

Đây là một chất thiết yếu có vai trò quan trọng trong việc giữ cho hệ thống miễn dịch và khả năng miễn dịch thích ứng của chúng ta hoạt động tốt. Cả hai hệ miễn dịch này đều cần vitamin D ở mức đầy đủ để cơ thể hoạt động.

Vì thế, thiếu vitamin D có thể khiến các tế bào miễn dịch không thể phản ứng một cách thích hợp, làm chúng ta dễ bị nhiễm bệnh hơn.

Ngoài ra, những vitamin khác đóng vai trò quan trọng không kém như A, C, kẽm… tất cả đều cần thiết để chuẩn bị “màng bảo vệ” cho cơ thể chống chọi được thời tiết lạnh. Những vitamin này thường có trong các thực phẩm hàng ngày nên việc lựa chọn thực phẩm dành cho mùa đông cũng đóng vai trò quan trọng để bổ sung chất tự nhiên và an toàn nhất.

Báo điện tử VOV dẫn lời bác sĩ Đặng Thị Thúy - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, phần lớn trẻ nhập viện liên quan đến đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi. Căn nguyên gây bệnh thường gặp là virus theo mùa như cúm A, virus hợp bào hô hấp...

Trên cơ địa trẻ bị nhiễm những loại virus này sẽ dễ xảy ra hiện tượng bội nhiễm kèm theo. Đa phần các bệnh nhi đều không nặng, chỉ điều trị căn nguyên. Tuy nhiên, có một số trường hợp phải can thiệp thở máy, dùng kháng sinh liều cao.

Việc xử trí các bệnh đường hô hấp ở trẻ không quá phức tạp, kèm theo chế độ dinh dưỡng hợp lý trẻ sẽ mau khỏi bệnh. Với các trường hợp trẻ không được chăm sóc, điều trị viêm phổi kịp thời, trẻ có thể bị bội nhiễm kèm theo, nhiễm khuẩn huyết, khiến bệnh lâu khỏi, thời gian nằm viện dài ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.

Theo Bác sĩ Thúy, thời tiết lạnh như hiện nay tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát triển và lây lan làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho trẻ, nhất là cúm, bệnh đường hô hấp... Từ các biểu hiện ban đầu là hắt hơi, chảy nước mũi, dẫn đến trẻ bị ho có đờm khiến các cháu bị bội nhiễm viêm phế quản phổi, tình trạng nặng hơn có thể bị nhiễm khuẩn huyết. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo nếu trẻ xuất hiện những biểu hiện, triệu chứng như vậy, cha mẹ không nên tự ý điều trị cho con.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thời tiết lạnh, ẩm thấp thường kèm với nguy cơ cao mắc bệnh cảm lạnh hoặc cúm. Đây là đợt cao điểm của các chứng bệnh như viêm họng, ho và sổ mũi. Để phòng các bệnh đường hô hấp, các chuyên gia y tế khuyến cáo cha mẹ cần nâng cao thể trạng cho trẻ bằng cách đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý và đầy đủ.

Chú ý đảm bảo vệ sinh cho trẻ, tránh tụ tập đông người. Các virus gây bệnh đường hô hấp lây lan qua giọt bắn. Vì vậy, cần cho trẻ đeo khẩu trang khi ở nơi đông người. Hạn chế tối đa việc người lớn hôn má trẻ vì có thể lây bệnh.

Cao Kim Anh