Nhiệt độ xuống thấp có thể nguy hiểm đến tính mạng

13/12/2018 06:14
AN NHIÊN
(GDVN) - Nhiệt độ giảm thấp quá so với môi trường bên ngoài sẽ gây ra tình trạng sốc nhiệt, phát sinh nhiều bệnh tật như sổ mũi, cảm cúm, bệnh đường hô hấp…

Mùa lạnh cơ thể chúng ta trở nên nhạy cảm hơn, sức đề kháng liên tục bị tấn công do các yếu tố như độ ẩm, nhiệt độ thay đổi đột ngột, đặc biệt là khí hậu tại miền Bắc Việt Nam.

Theo các chuyên gia sức khỏe, nhiệt độ môi trường lý tưởng nhất với cơ thể con người là từ 25 đến 28 độ C.

Nhiệt độ giảm thấp quá so với môi trường bên ngoài sẽ gây ra tình trạng sốc nhiệt, phát sinh nhiều bệnh tật như sổ mũi, cảm cúm, bệnh đường hô hấp…

Thời tiết lạnh làm mạch máu bị thu hẹp, lưu lượng máu cùng oxy đến tim bị giảm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Ảnh hưởng của nhiệt độ thấp đối với sức khỏe (Ảnh minh họa: TTXVN).
Ảnh hưởng của nhiệt độ thấp đối với sức khỏe (Ảnh minh họa: TTXVN).

Những ảnh hưởng đối với sức khỏe con người khi nhiệt độ thấp như:

Cảm cúm: Đây là chứng bệnh càng ngày càng phổ biến trong suốt những tháng của mùa Đông.

Các virus cảm cúm thường đi vào cơ thể thông qua đường thở. Bản thân mũi của chúng ta có một lớp lót mũi có cơ chế phòng vệ khá phức tạp để ngăn chặn những loại virus này.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là khi trời trở lạnh, nhất là vào mùa đông, không những lạnh mà còn hanh khô thì vùng sống mũi thường bị lạnh, lớp lót mũi bị giảm tác dụng đáng kể và các loại virus nhờ đó mà đi vào cơ thể dễ dàng hơn.

Bệnh hen suyễn: Bệnh này gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng với người cao tuổi, bệnh có thể dễ tái phát, tăng nặng, nhất là lúc thời tiết thất thường, lạnh, mưa, khô hanh hoặc ẩm ướt.

Khi thời tiết chuyển mùa, đặc biệt là lạnh, rét, mưa, ẩm ướt, khô hanh, người cao tuổi nói chung và người cao tuổi bị bệnh hen nói riêng cần mặc ấm, ở trong phòng kín gió.

10 cách giữ ấm trong thời tiết lạnh giá

Nếu có điều kiện, mỗi khi trời rét, lạnh nên được sưởi ấm, tốt nhất là dùng đèn sưởi, lò sưởi, quạt sưởi bằng điện, nếu có điều hòa nóng thì càng tốt.

Nhồi máu cơ tim: Thời điểm lạnh, nhiệt độ thay đổi thất thường, lưu lượng máu qua não rất thấp, chức năng cơ thể suy yếu nên khó thích nghi với những thay đổi của thời tiết, nguy cơ bị đột quỵ nói riêng và các bệnh về tim mạch nói chung cao hơn.

Đối với bệnh nhân có bệnh mạch vành, khi trời lạnh nhu cầu ôxy cho cơ tim tăng hơn vì thế cũng có nguy cơ xuất hiện dấu hiệu của các bệnh mạch vành như đau ngực, nhồi máu cơ tim cấp.

Đặc biệt thời tiết lạnh còn làm tăng số lượng tiểu cầu, tăng hồng cầu và độ nhớt của máu, làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi.

Những người mắc bệnh nhồi máu cơ tim phải giữ ấm cơ thể cho dù ở trong nhà, hay lúc đi ngủ. Khi ra ngoài trời lạnh phải đeo găng tay, đội mũ, quàng khăn, vì nếu bị nhiễm lạnh sẽ gây ra cơn đau tim.

AN NHIÊN