Nhan sắc bị hủy hoại vì tin dùng mỹ phẩm trôi nổi, không nguồn gốc, xuất xứ

23/11/2019 09:00
Nhật Minh
(GDVN) - Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế đã luôn mạnh tay, minh bạch trong kiểm tra, xử lý các sản phẩm mỹ phẩm không đạt chất lượng.

Qua công tác kiểm tra, từ đầu năm 2019 đến nay, Cục Quản lý Dược đã phát hiện rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng của các đơn vị sản xuất, phân phối bị buộc đình chỉ lưu hành và thu hồi.

Điển hình trong tháng 10/2019, Cục Quản lý Dược ra thông báo đình chỉ lưu hành thu hồi trên toàn quốc đối với 5 công ty đưa mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng ra thị trường.

Mỹ phẩm trôi nổi được bày bán công khai. Ảnh minh họa
Mỹ phẩm trôi nổi được bày bán công khai. Ảnh minh họa

Mới đây nhất, 7 sản phẩm mỹ phẩm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Châu Thông (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Thành phố Đà Nẵng) bị buộc đình chỉ lưu hành và thu hồi.

Theo Cục Quản lý dược, lý do thu hồi là vì mỹ phẩm lưu thông được sản xuất tại cơ sở không đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn cơ bản “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (CGMP-ASEAN).

Cục Quản lý Dược cũng kiên quyết xử lý tình trạng nhập nhèm trong việc ghi nhãn mác sản phẩm của đơn vị nhập khẩu, khi mỹ phẩm bán ra thị trường đã gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, thậm chí có thể bán với giá đắt khiến người tiêu dùng khó phân biệt khá phổ biến.

Mới đây, sau khi Cục Quản lý dược kiểm tra, phát hiện sự “nhập nhèm” này đã ra quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc 7 sản phẩm mỹ phẩm do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuân Thì (phường Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội) nhập khẩu và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

Lý do thu hồi là nhãn sản phẩm không ghi tên nước sản xuất (Trung Quốc) và không ghi địa chỉ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuân Thì (Công ty chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường) theo quy định; thành phần công thức ghi trên nhãn không thống nhất với thành phần ghi trên hồ sơ công bố và bản công thức sản phẩm của nhà sản xuất.

Cục Quản lý Dược dù rất nỗ lực xử lý nhưng nếu chị em vẫn thích xài hàng mỹ phẩm rẻ, không rõ nguồn gốc thì rất khó dẹp được các sản phẩm mỹ phẩm kém chất lượng.

Chị em ngày càng có nhu cầu làm đẹp. Ăn mặc đẹp, dáng người đẹp và họ cũng cần một làn da đẹp. Đáp ứng nhu cầu cầu làm đẹp ngày càng tăng cao của phụ nữ Việt Nam, thị trường mỹ phẩm cũng vì thế mà trăm hoa đua nở.

Từ mỹ phẩm nhập ngoại đến hàng sản xuất trong nước, mỹ phẩm nguồn gốc thảo dược…vô cùng.

Thật khó tin, khi chỉ cần dạo quanh một vòng các cửa hàng ở khu vực Cầu Giấy hay chợ Nhà xanh (Cầu Giấy – Hà Nội) người ta dễ dàng bắt gặp các thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng như: Loreal, Mac, Sk-ll, Olay, Lancome... Sốc hơn cả là giá của các sản phẩm này thì rẻ bất ngờ.

Cùng với đó, hàng ngàn loại kem dưỡng da, kem trị mụn, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo liên tục xuất hiện, trôi nổi trên thị trường.

Đáng lo ngại do tìm hiểu không kỹ càng, ham rẻ và tin vào những lời quảng cáo đường mật mà nhiều chị em sẵn sàng sử dụng những sản phẩm này. Sau một thời gian ngắn, thay vì đẹp lên như mong muốn, nhiều người tá hỏa phát hiện khuôn mặt bị biến dạng, mất rất nhiều tiền bạc, thời gian để vào bệnh viện điều trị.

Hậu quả sử dụng mỹ phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc.
Hậu quả sử dụng mỹ phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc.

Chị Nguyễn Thu D. (sinh viên một trường Đại học trên địa bàn Hà Nội) vừa mất 2 tuần điều trị tại bệnh viện Da Liễu Trung ương cảm thấy may mắn vì cứu vớt được khuôn mặt.

Chị D kể, khi chuyển phòng trọ, vừa đến chỗ ở mới được tuần, da mặt chỉ nổi một số nốt đỏ. Vì thế, chị D. đã tự ra cửa hàng tìm mua mỹ phẩm. Đến một tiệm mỹ phẩm, được người bán rôm rả giới thiệu loại kem dùng rất tốt cho da, trị hết ngứa, hết nổi mẩn đỏ nhanh chóng, đồng thời còn dưỡng da và làm trắng da, chị D. thấy đúng các tiêu chí mình cần nên mua về ngay lập tức.

Tuy nhiên, sau 2 tuần sử dụng liên tiếp, thay vì hết mẩn đỏ, da mặt chị bắt đầu xuất hiện các mụn nước, bóng nước li ti khắp mặt, tình trạng đỏ da kèm bỏng rát ngày càng tăng.

Đến khi đến bệnh viện khám lâm sàng, làm các xét nghiệm và được chỉ định các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm, các thuốc dưỡng da…, chị D. mới hoàn hồn khi da trở lại bình thường sau nửa tháng điều trị nghiêm ngặt.

Câu chuyện “lợn lành thành lợn què” sau khi sử dụng mỹ phẩm trôi nổi của chị D. có lẽ không phải hiếm. Bởi theo Ban chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội, mỹ phẩm nhập lậu bằng nhiều hình thức vận chuyển qua đường mòn biên giới để vào nội địa.

Vào thị trường, mỹ phẩm khó kiểm soát khi nó được gắn mác các thương hiệu nổi tiếng bán với giá thành đắt đỏ.

Cùng với đó, nhiều người trong nước sản xuất mỹ phẩm giả, thuê mướn nhà xưởng, mua nguyên liệu về trộn làm mỹ phẩm. Thậm chí, đầu nậu còn đặt hàng mỹ phẩm của những tên tuổi nổi tiếng sản xuất ở nước ngoài, sau đó nhập lậu vào trong nước, dán nhãn mác giả và bán ra thị trường.

Điển hình là mới đây vào ngày 7/9, Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý Thị trường Quảng Ninh) khám xét kho hàng tại Thành phố Móng Cái nằm trong khuôn viên Chợ 2. Lực lượng chức năng đã phát hiện tại đây là một điểm tập kết 22 mặt hàng với tổng số 26.438 sản phẩm mỹ phẩm gồm son môi, tuýp kem nền, miếng đắp mặt lạ, hộp phấn đánh mắt, kem dưỡng da, kem chống nắng… đều là những nhãn hàng quen thuộc của nước ngoài và được ưa chuộng tại Việt Nam.

Chủ hàng khai nhận với cơ quan chức năng là mua toàn bộ số mỹ phẩm trên có nguồn gốc từ Trung Quốc, không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp về bán bán vào nội địa.

Không những vậy, còn một mối nguy cơ từ một dòng mỹ phẩm gọi là “xách tay” hoặc tự sản xuất từ đủ các loại kem trộn, sau đó quảng cáo rao bán trên mạng là chữa sạch nám, làm trắng da, sạch mụn.

Đây là mối nguy hiểm bởi mỹ phẩm xách tay bán trên mạng hầu hết là không rõ nguồn gốc, nhãn mác và mỹ phẩm tự sản xuất trái phép đã khiến người tiêu dùng mua về sử dụng phải nhập viện cấp cứu vì biến chứng, dị ứng.

Nhật Minh