Nguy cơ tử vong vì dùng thuốc sai cách tăng cao

06/09/2013 14:57
Theo VnMedia
Theo nghiên cứu của các chuyên gia về dị ứng và miễn dịch lâm sàng, tỷ lệ bệnh nhân dị ứng thuốc ngày càng gia tăng với những hậu quả rất đáng lo ngại. Theo báo cáo của nhiều nước trên Thế giới, tỷ lệ dị ứng thuốc khoảng 2-2,5% dân số.
Tại Việt Nam, Hải Phòng là địa phương có tỷ lệ dị ứng cao nhất với 9,3%, tiếp đến là TP. HCM là 8,85%, Hòa Bình 8,3%, Hà Nội 7,05%.

Dị ứng thuốc có thể gây ra bong tróc da, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan nội tạng, gây suy thận…Ở một số người dị ứng nặng có thể gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong.

TS, BS Lê Thị Minh Hương, Trưởng khoa Dị ứng - Khớp - Miễn dịch BV Nhi Trung ương, thuốc là con dao hai lưỡi, nếu sử dụng không đúng cách thường có tác dụng phụ. Những sai lầm của các bậc cha mẹ và của các bệnh nhân sử dụng thuốc là vấn đề không tuân thủ điều trị như: tự ý đi mua thuốc mà không biết con mình có được sử dụng hay không? Thứ hai là có thuốc rồi nhưng không tuân thủ điều trị theo đơn của bác sĩ như không đúng liều, đúng thời gian, đúng loại thuốc, cách sử dụng vì mỗi một loại thuốc có cách sử dụng riêng…gây ra tác hại khôn lường. 

Việc sử dụng thuốc không đúng, sai cách có thể gây hại cho sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến cả tính mạng. Tuy nhiên, tình trạng dị ứng thuốc vẫn thường xuyên xảy ra do người bệnh tự ý mua thuốc uống mà không hiểu rõ bản chất của thuốc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cách sử dụng thuốc

TS, BS Lê Thị Minh Hương khuyến cáo, nên sử dụng đúng bệnh, đúng thuốc. Nếu nghi ngờ thì nên cho trẻ đi khám bệnh, bị bệnh gì có nên dùng thuốc hay không? Cha mẹ nên cân nhắc lợi ích của việc dùng thuốc và tác dụng phụ của thuốc .Trong trường hợp cho trẻ dùng thuốc, bác sĩ sẽ cân nhắc, tùy từng bệnh, tùy từng cơ địa của trẻ cũng như mức độ nặng nhẹ của bệnh để cho thuốc đúng bệnh.

Khi có đơn thuốc cho trẻ, các bậc phụ huynh nên tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Khi uống thuốc thì mỗi loại thuốc viên, thuốc siro, thuốc đặc hậu môn hoặc tiêm tùy theo dược động học để khoảng cách uống thuốc trước ăn, sau ăn hay trong khi ăn và giữa các liều thuốc cách nhau bao nhiêu tiếng. Nếu khoảng cách uống trong ngày gần nhau, còn đêm thì cách quá xa thì tác dụng sẽ kém đi.

Khi có tác dụng bất thường xảy ra thì cha mẹ nên theo dõi và cho trẻ đi đến bác sĩ điều trị để hỏi ý kiến, liệu có bất thường hay không để xử lý cho kịp thời.

Lưu ý khi sử dụng thuốc:

- Với thuốc siro, hỗn dịch người lớn phải đặc biệt lưu ý cho trẻ uống đúng chỉ dẫn, sử dụng các dụng cụ có vạch đo liều lượng, khi uống các loại thuốc này cần lắc kỹ trước khi sử dụng.

- Với thuốc viên: Có thể uống theo các cách như uống cả viên, hòa tan thuốc hoàn toàn vào trong nước lọc đun sôi và uống.

- Đối với viên nén sủi bọt: nhai nát trước khi sử dụng, ngậm hoặc đặt dưới lưỡi… tùy loại thuốc.

- Với thuốc bao tan: Uống cả viên, không nên mở viên nang.

Khi dùng thuốc cần phải uống với nước đun sôi để nguội, không dùng nước khoáng, nước ngọt, nước chè, sữa hay bia rượu vì có thể làm mất tác dụng của thuốc hoặc làm biến đổi các thành phần có trong thuốc gây nguy hiểm đối với sức khỏe.

Để tránh các trường hợp dùng thuốc không đúng cách dẫn đến tình trạng nguy hiểm đến sức khỏe, người bệnh cần phải tuân thủ theo đơn thuốc của bác sĩ và cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng để biết cách dùng đúng, an toàn và hiệu quả.

Theo VnMedia