Người dân gặp họa, nhà sản xuất chịu trách nhiệm, cơ quan chức năng có vô can?

20/09/2020 11:42
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Xảy ra ngộ độc thì người dân tổn hại sức khoẻ, đơn vị kinh doanh chịu phạt thậm chí đóng cửa cơ sở sản xuất. Vậy cơ quan quản lý cấp phép chịu trách nhiệm gì?

Chỉ trong vòng 3 ngày tại huyện Đông Anh, Hà Nội liên tiếp xảy ra 3 vụ nghi ngộ độc thực phẩm tại 2 trường tiểu học và 1 trường mầm non khiến cho hơn 30 em học sinh có biểu hiện nôn, đau bụng, đi ngoài nhiều lần phải vào viện điều trị.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố Hà Nội cho biết, nhận định bước đầu, nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm do yếu tố vi sinh.

Ngày 12/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, theo ghi nhận có 45 ca nghi ngộ độc thực phẩm sau bữa cơm trưa tại Trường Tiểu học Bình Trưng Đông.

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ nghi ngộ độc thực phẩm trong trường học như vậy khiến dư luận đòi hỏi phải có người chịu trách nhiệm.

Không thể chấp nhận tình trạng khi sự việc xảy ra, người dân gặp họa, nhà sản xuất chịu trách nhiệm còn các cơ quan chức năng thì vô can.

Việc chọn đơn vị cung cấp suất ăn bán trú làm cho hơn 50 học sinh tại Trường Tiểu học Tiên Dương (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh) nghi bị ngộ độc thức ăn là trách nhiệm của Ban giám hiệu và trực tiếp là Hiệu trưởng Nguyễn Thị Cúc. Ảnh: Tùng Dương.

Việc chọn đơn vị cung cấp suất ăn bán trú làm cho hơn 50 học sinh tại Trường Tiểu học Tiên Dương (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh) nghi bị ngộ độc thức ăn là trách nhiệm của Ban giám hiệu và trực tiếp là Hiệu trưởng Nguyễn Thị Cúc. Ảnh: Tùng Dương.

Câu chuyện thực phẩm mất vệ sinh, mất an toàn, thực phẩm “bẩn” luôn là chủ đề nóng được cả xã hội quan tâm. Dù đã có chế tài xử lý …nhưng thực phẩm bẩn vẫn ngang nhiên tồn tại, xâm hại trực tiếp đến sức khỏe nhân dân.

Theo báo cáo trong 6 tháng của năm nay, lực lượng chức năng tại các tỉnh, thành trong cả nước đã kiểm tra gần 280.000 cơ sở, phát hiện hơn 38.000 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm. Các lực lượng đã xử lý gần 6.800 cơ sở.

Đơn cử như vụ ngộ độc Pate Minh Chay tại huyện Đông Anh, Hà Nội khiến cho nhiều nạn nhân phải nhập viện điều trị và cho đến thời điểm này chưa có bệnh nhân nào cai được máy thở và việc hồi phục rất khó khăn.

Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa truyền nhiễm bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: Gần 30 năm nay bệnh viện mới tiếp nhận trường hợp ngộ độc này, việc thở máy kéo dài có thể gây nhiều biến chứng tổn thương cho các nạn nhân.

Các chế tài quy định liên quan đến việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn chưa đủ bao quát để xử lý thích đáng các hành vi cố tình vi phạm. Đó là chưa kể quy định việc thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm một năm một lần đối với cơ sở sản xuất kinh doanh là quá ít.

Trong khi thực phẩm mất an toàn, thực phẩm bẩn vẫn ngang nhiên tồn tại, thậm chí tuồn vào cả trường học, bệnh viện trong sự bất lực của người tiêu dùng và các cấp quản lý.

Rõ ràng những “lỗ hổng” trong công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm cần được đẩy mạnh lên bằng các chế tài chi tiết, cụ thể, rõ ràng để đủ sức răn đe với bất cứ hành vi vi phạm nào.

2 cháu học sinh của Trường mầm non Tiên Dương (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh) cũng phải vào viện cấp cứu vì nhiễm khuẩn đường tiêu hóa nhưng đã được ra viện ngày hôm qua sau 5 ngày nằm điều trị tại viện. Ảnh: Tùng Dương.

2 cháu học sinh của Trường mầm non Tiên Dương (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh) cũng phải vào viện cấp cứu vì nhiễm khuẩn đường tiêu hóa nhưng đã được ra viện ngày hôm qua sau 5 ngày nằm điều trị tại viện. Ảnh: Tùng Dương.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội người tiêu dùng Việt Nam thì người tiêu dùng sẽ phải “lãnh đủ” nếu khâu hậu kiểm chất lượng sản phẩm của cơ quan chức năng không được thực hiện tốt.

"Trước đây, người ta kiểm tra theo chế độ tiền kiểm tức là kiểm tra trước xem có đủ an toàn không rồi mới cho phép lưu thông, nhưng chính cải cách hành chính để cho hàng hóa lưu thông một cách thuận tiện thì thay vì tiền kiểm, bây giờ là hậu kiểm.

Nhưng mà ngược lại hậu kiểm rất quan trọng, nếu bây giờ buông lỏng trong kiểm tra thì rõ ràng là người tiêu dùng sẽ lãnh đủ. Rõ ràng thay tiền kiểm bằng hậu kiểm thì vai trò của cơ quan chức năng rất lớn do là hậu kiểm thì mới phát hiện ra những vi phạm".

Trong vụ việc pate Minh Chay, Cục an toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã vào cuộc tích cực xử lý vi phạm. Nhưng còn trách nhiệm của cơ quan cấp phép hoạt động cho Pate Minh Chay thì chịu trách nhiệm ra sao tới nay chưa được làm rõ?

Giờ đây là lúc các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chuyên ngành phải làm thực chất, thể hiện hết trách nhiệm của mình trước thực trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm đang diễn ra trong xã hội.

Tránh tình trạng kiểm tra cấp giấy mà không thanh tra, hậu kiểm để thực phẩm mất vệ sinh, mất an toàn, thực phẩm bẩn hoành hành gây ra nhiều hậu quả xấu khiến người dân, người tiêu dùng lãnh đủ mà không biết kêu ai.

Việc kiểm soát sản xuất thực phẩm không thể mãi chờ vào công tác tuyên truyền và lương tâm con người, mà cần phải có một chế tài mạnh được thực thi một cách hiệu quả của các cơ quan chức năng, thay vì hô hào các khẩu hiệu.

Cho tới nay khi xem xét trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường, của đơn vị cung cấp thực phẩm thì trách nhiệm của những người đứng đầu Ban an toàn Vệ sinh an toàn thực phẩm huyện Đông Anh được xem xét thế nào?

Chỉ trong một thời gian ngắn mà liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc tại địa bàn là chuyện không thể xem thường.

Từ câu chuyện ấy cũng phải đặt ra trách nhiệm của các cơ quan chức năng có chuyên môn quản lý an toàn thực phẩm tại các địa phương trên cả nước.

Hàng chục học sinh Trường tiểu học Lê Hữu Tựu (huyện Đông Anh, Hà Nội) ngộ độc phải nhập viện, xem xét trách nhiệm của bà Hiệu trưởng Dương Thị Lan Phương như thế nào? Ảnh: Tùng Dương.

Hàng chục học sinh Trường tiểu học Lê Hữu Tựu (huyện Đông Anh, Hà Nội) ngộ độc phải nhập viện, xem xét trách nhiệm của bà Hiệu trưởng Dương Thị Lan Phương như thế nào? Ảnh: Tùng Dương.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Đại diện Phòng Y tế huyện Đông Anh cho rằng, trước khi phát hiện có vi khuẩn yếm khí tạo độc tố botulinum trong pate Minh Chay, đơn vị không lấy mẫu và không kiểm tra thường xuyên sản phẩm của công ty bởi đơn vị y tế huyện không có chức năng và quyền hạn để kiểm tra sản phẩm của doanh nghiệp theo Nghị định 15/2018 và Quyết định 14/2019 về phân công, phân cấp quản lý an toàn thực phẩm.

Trách nhiệm lấy mẫu, kiểm tra thường xuyên của Chi cục quản lý nông lâm và thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vì đây là đơn vị cấp giấy chứng nhận cho công ty này.

Tờ Lao động đăng phát biểu của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội - ông Chu Phú Mỹ, cho biết: Sở giao cho Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm Thủy sản việc cấp giấy chứng nhận, sau khi cấp giấy chứng nhận kinh doanh có điều kiện thì thường xuyên kiểm tra giám sát.

Hiện chưa tìm ra được nguyên nhân nên chưa thể đánh giá được là bị hổng ở khâu nào. Việc này cần phải chờ ngành Y tế kết luận xem nguyên nhân gây ngộ độc là từ đâu ra, vi khuẩn đó từ đâu mà có, nó nằm ở khâu nào thì chúng tôi mới phân tích được.

Ông Mỹ nhấn mạnh, trách nhiệm quản lý thuộc Chi Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm Thủy sản. Sở đã thành lập đoàn kiểm tra rà soát nguồn gốc của các nguyên liệu tạo nên sản phẩm pate Minh Chay.

Bước đầu nhận thấy nguyên liệu được nhập từ rất nhiều tỉnh thành về, chúng tôi phải truy xuất nguồn gốc xem nguyên liệu đó có đảm bảo hay không, kể cả nếu có hóa đơn chứng từ đầy đủ thì vẫn cần phải kiểm tra truy xuất.

Đã gần 20 ngày mà các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được nguồn gốc thực phẩm. Ảnh: TD.

Đã gần 20 ngày mà các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được nguồn gốc thực phẩm. Ảnh: TD.

Ngày 19/8, khi có tin 2 bệnh nhân phải vào cấp cứu tại Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai do sử dụng pate Minh Chay dẫn đến ngộ độc.

Ngay lập tức trong ngày, Cục An toàn thực phẩm đã có Công văn hỏa tốc số 1907/ATTP-NĐTT đề nghị Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương điều tra, xác minh thông tin.

Ngày 20/8, thực hiện chỉ đạo của Cục An toàn thực phẩm, đoàn kiểm tra của Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống Mới tại Thị trấn Đông Anh, Hà Nội và ghi nhận:

Đây là cơ sở sản xuất do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Chi Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội) quản lý và cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm từ ngày 3/1/2020.

Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, công ty không duy trì điều kiện vệ sinh như: Vệ sinh nhà xưởng, vệ sinh dụng cụ, cống rãnh thoát nước… Đoàn kiểm tra đã giao Phòng Y tế huyện Đông Anh đình chỉ hoạt động sản xuất của công ty.

Yêu cầu khắc phục điều kiện vệ sinh, đồng thời đoàn kiểm tra lấy mẫu sản phẩm tại công ty gửi Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia xét nghiệm tìm vi khuẩn Clostridium Botulinum.

Ngày 29/8 Cục An toàn thực phẩm ban hành Công văn số 1996/ATTP-NĐTT gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội (đơn vị quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống Mới) đề nghị tiếp tục kiểm tra, xác minh vi phạm và chuyển Cơ quan cảnh sát điều tra khi có dấu hiệu hình sự theo quy định.

Cục An toàn thực phẩm đã hết sức tích cực triển khai các biện pháp cần thiết trong thời gian nhanh nhất để xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, rõ ràng sản phẩm pate Minh Chay được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Vậy phải xem xét trách nhiệm của cơ quan này như thế nào? Đó là câu hỏi phải đặt ra để giải quyết nhằm bảo vệ tốt cho sức khoẻ của nhân dân.

Điều 41 Nghị đinh 15/2018/NĐ-CP có ghi rõ: Phối hợp trong hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm.

1. Các bộ quản lý ngành trong phạm vi quản lý nhà nước của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước để bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm có hiệu quả.

2. Bộ Y tế chủ trì xây dựng chương trình thông tin giáo dục truyền thông về an toàn thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các bộ, ngành khác theo chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế để thực hiện chương trình thông tin giáo dục truyền thông về an toàn thực phẩm.

3. Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý, các bộ, ngành khác có trách nhiệm phối hợp.

4. Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm. Bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ, thông tin liên quan tới nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; phối hợp với Bộ Y tế điều tra nguyên nhân và chủ trì trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

5. Khi phát hiện sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý của bộ, ngành khác vi phạm và có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý ngành thực hiện việc thanh tra, kiểm tra và kết luận.

Tùng Dương