Ngành Y tế “lấy người bệnh làm trung tâm” nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân

22/11/2020 10:39
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tình trạng cán bộ y tế vòi vĩnh, gây phiền hà người bệnh đã giảm rõ rệt. Cuộc gọi đường dây nóng phản ánh tiêu cực giảm nhiều, tỷ lệ thư khen ngợi tăng lên.

Những năm gần đây, Bộ Y tế đã triển khai hàng loạt các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Động thái này xuất phát từ việc đổi mới về mặt nhận thức quan điểm “lấy người bệnh làm trung tâm”, đổi mới về quản lý, cách làm và phương pháp kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện hàng năm.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng cho y tế tuyến dưới, thời gian qua ngành y tế đẩy mạnh thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám chữa bệnh để hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng cho y tế tuyến dưới, thời gian qua ngành y tế đẩy mạnh thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám chữa bệnh để hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Đón bệnh nhân từ 5 giờ sáng hàng ngày

Theo đánh giá mới đây của Viện Chiến lược và Chính sách y tế tại nhiều bệnh viện cho thấy, chỉ số hài lòng người bệnh đều ở mức cao, trên 90%. Thậm chí tại một số bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tuyến trung ương ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ hài lòng của người bệnh lên tới 95%.

Có được kết quả này là do nhiều bệnh viện đã tập trung các giải pháp giảm quá tải, hạn chế nằm ghép, cải tiến quy trình, thủ tục khám chữa bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian khám bệnh.

Bệnh viện K Trung ương có tới 3 cơ sở khám và điều trị, mỗi ngày có số người tới khám trên 2.000 người nên bệnh viện luôn bị quá tải trầm trọng.

Thấu hiểu sự vất vả của bệnh nhân mối khi đi khám bệnh, cán bộ, y bác sĩ của bệnh viện nhiều ngày từ 5 giờ sáng đã có mặt tại cơ sở Tân Triều và 5 giờ 30 tại cơ sở Quán Sứ tiếp đón, hướng dẫn để 6 giờ là bắt tay vào khám bệnh.

Cùng với đó, Bệnh viện K cũng đã triển khai một loạt giải pháp như: bấm số tự động, tăng cường bàn khám, phòng khám và bố trí thêm nhân lực hướng dẫn người bệnh để giảm áp lực tại khu vực phòng khám.

Đánh giá mới nhất của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho thấy người bệnh hài lòng với Bệnh viện K ngày càng tăng lên. Qua chấm điểm bệnh viện trong năm 2018 vừa qua, bệnh viện đã đạt 79/83 tiêu chí (tỷ lệ 95%), điểm trung bình chung của các tiêu chí là 4,16 điểm (so với năm 2017 là 3,56 điểm, năm 2016 là 2,79 điểm).

Tại bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã triển khai khám bệnh từ 5 giờ sáng bắt đầu từ năm 2016 để đáp ứng nhu cầu người bệnh, đồng thời rút ngắn các công đoạn để giảm chờ đợi.

Theo bác sỹ Phạm Xuân Dũng - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 2.500 lượt bệnh nhân đến thăm khám, riêng nội trú có khoảng 1.200 bệnh nhân.

Trong đó có tới hơn 60% người bệnh đến từ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và khu vực phía Nam. Người dân thường có thói quen đi khám bệnh vào buổi sáng và đi từ rất sớm, vì thế lượng bệnh dồn về thường rất đông, tốn nhiều thời gian chờ đợi đến giờ hành chính cũng như gây quá tải, tạo áp lực cho y bác sĩ.

Chính vì vậy, bệnh viện quyết định tổ chức khám bệnh từ 5 giờ sáng cho bệnh nhân. Để triển khai khám sớm, bệnh viện đã kêu gọi tinh thần tự nguyện của các y bác sĩ và nhân viên tích cực tham gia, phục vụ người bệnh.

Cùng với Bệnh viện K và Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nhiều bệnh viện trên cả nước cũng đã “nới” thêm giờ khám bệnh để kịp thời tiếp đón và giảm thời gian chờ đợi, phiền hà, mệt mỏi của bệnh nhân như bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh...

Tăng hơn 56.500 giường bệnh trên toàn quốc

Sau 5 năm triển khai Đề án giảm quá tải bệnh viện, số giường bệnh tăng thêm là 56.501 giường, trong đó tuyến Trung ương tăng 8.822 giường, tuyến tỉnh, thành phố tăng 24.290 giường và tuyến quận, huyện tăng 23.325 giường.

Về việc thực hiện giảm tải bệnh viện, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân thời gian qua. Kết quả khảo sát năm 2018 tại 723 bệnh viện trên toàn quốc cho thấy, tỉ lệ các khoa lâm sàng được cải tạo là 2.700 khoa, khoa cận lâm sàng là 977 khoa.

Tỉ lệ khoa lâm sàng được nâng cấp là 1.039 khoa, khoa cận lâm sàng là 362 khoa. Số giường bệnh kế hoạch tăng thêm sau 5 năm triển khai Đề án giảm quá tải bệnh viện là 29.524 giường, trong đó tuyến Trung ương tăng 4.980 giường, tuyến tỉnh, thành phố tăng 11.279 giường, tuyến quận, huyện tăng 13.265 giường.

Số giường bệnh thực kê là 56.501 giường, trong đó tuyến Trung ương tăng 8.822 giường, tuyến tỉnh, thành phố tăng 24.290 giường và tuyến quận, huyện tăng 23.325 giường.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng cho y tế tuyến dưới, thời gian qua ngành y tế đẩy mạnh thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám chữa bệnh để hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới.

Đến nay đã có 23 bệnh viện hạt nhân và 138 bệnh viện vệ tinh tại 62 tỉnh, thành phố. Các bệnh viện hạt nhân đã thực hiện việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, gói kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh tập trung vào các nhóm bệnh có tỷ lệ chuyển tuyến nhiều, các nhóm bệnh cần điều trị tại chỗ.

Theo Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế, qua kiểm tra chất lượng tại nhiều bệnh viện và qua khảo sát người bệnh trong năm 2018 cho thấy, chỉ số hài lòng người bệnh đều ở mức cao, trên 90%. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Theo Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế, qua kiểm tra chất lượng tại nhiều bệnh viện và qua khảo sát người bệnh trong năm 2018 cho thấy, chỉ số hài lòng người bệnh đều ở mức cao, trên 90%. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Nâng cao chất lượng dịch vụ

Mặc dù hiện nay tại nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng quá tải vẫn diễn ra nhưng người bệnh cũng đã cảm thấy thoái mái, dễ chịu hơn khi đi viện mỗi khi đau ốm.

Theo Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế, qua kiểm tra chất lượng tại nhiều bệnh viện và qua khảo sát người bệnh trong năm 2018 cho thấy, chỉ số hài lòng người bệnh đều ở mức cao, trên 90%.

Đáng mừng là tại các bệnh viện “có tiếng” vì đông đúc, chật chội và quá tải, như Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh viện K, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh thì có đến 95% người bệnh cho biết sẽ quay trở lại thăm khám vì hài lòng về phong cách phục vụ và chất lượng điều trị.

Khảo sát trực tuyến trên 1 triệu người bệnh cho thấy, tỷ lệ khi điều trị nội trú đạt 75,6%, ngoại trú đạt 66,3%, nhiều bệnh viện có tỷ lệ người bệnh hài lòng tới 80% - 90%.

Số liệu năm 2012 và 2018 cho thấy tỷ lệ bệnh nhân phải nằm ghép giảm từ 58% xuống 16,7% ở tuyến trung ương và ở tuyến tỉnh từ 47% xuống 11,4%.

Đây là sự chuyển mình ngoạn mục của ngành y tế, giảm tỷ lệ nằm ghép xuống hơn 3 lần. Cùng với đó đó, mạng lưới 17 bệnh viện vệ tinh đã giúp giảm tỷ lệ chuyển tuyến trung ương đối với chuyên khoa tim mạch, ngoại khoa là 98,5%, ung thư 97%, sản khoa 99%, nhi khoa 73%.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: “Với chủ đề xuyên suốt nhiệm kỳ 2016 - 2021 là “Siết chặt kỷ cương, tăng cường y đức, nâng cao nghiệp vụ”, các địa phương, đơn vị ngoài việc tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế, ngành Y tế còn tổ chức nhiều cuộc thi, có cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, đơn vị.

Tình trạng cán bộ y tế vòi vĩnh, gây phiền hà với người bệnh đã giảm rõ rệt. Số lượng cuộc gọi đường dây điện thoại nóng phản ánh tiêu cực giảm nhiều và tỷ lệ thư khen ngợi tăng lên.

Năm 2018, Tổ chức sáng kiến Việt Nam khảo sát qua điện thoại tại 60 bệnh viện tại 23 tỉnh, thành phố trong cả nước cho thấy, sự hài lòng chung của người bệnh đối với dịch vụ khám chữa bệnh đạt 80,8% (tăng so với năm 2017 đạt 79,6%).

Theo chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2018, chỉ số tham nhũng vặt ở bệnh viện huyện giảm còn 0,4% (năm 2016 là 17% và năm 2017 là 9%).

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, để đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác điều trị cho người bệnh như vậy, điều quan trọng đầu tiên đó là sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, và sự hài lòng của người dân, các đội ngũ y bác sỹ luôn quán triệt tinh thần "Lương y như từ mẫu” xứng đáng với danh hiệu cao quý bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân.

Tùng Dương