Miền Nam yêu thương và mệnh lệnh từ trái tim những sinh viên miền Bắc

31/08/2021 06:39
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều sinh viên ngành y chia sẻ về tình cảm đậm sâu với miền Nam ruột thịt sau thời gian dài gắn bó.

Nơi tâm dịch đầy khó khăn, hiểm nguy cũng chính là nơi mà hàng ngàn bác sĩ, sinh viên tình nguyện đang làm việc, cống hiến hết sức mình. Với “sứ mệnh từ trái tim”, họ kiên cường đối mặt với Covid, lặng lẽ âm thầm chăm sóc bệnh nhân, họ trụ lại nơi tuyến đầu bằng tất cả yêu thương và trách nhiệm.

Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua thời gian dài chống chọi với dịch bệnh, từ miền Bắc chi viện vào Nam, nhiều tình nguyện viên đã có những tình cảm gắn bó với mảnh đất và con người nơi đây.

Từ trách nhiệm đến yêu thương

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chống dịch ở Bắc Giang trở về, Vàng Thị Như Quỳnh (sinh năm 1998, quê Hà Giang) - sinh viên ngành Y đa khoa của Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam đã không ngần ngại đăng ký chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 21/7, Như Quỳnh cùng thầy cô, đồng đội của mình đáp chuyến bay vào Nam, sẵn sàng cho một cuộc chiến mới.

Vàng Thị Như Quỳnh (thứ 2 bên trái) cùng đồng đội giữ vững tinh thần quyết tâm và lạc quan khi bước vào tâm dịch. (Ảnh: NVCC)

Vàng Thị Như Quỳnh (thứ 2 bên trái) cùng đồng đội giữ vững tinh thần quyết tâm và lạc quan khi bước vào tâm dịch. (Ảnh: NVCC)

Nói về lý do tham gia chống dịch, Quỳnh chia sẻ: “Ban đầu, khi đứng trước quyết định vào tâm dịch Bắc Giang, em cũng lo lắng. Nhưng em đã nghĩ, mình là sinh viên ngành y, nếu mình lo sợ thì còn ai lên đường tiếp sức cho cuộc chiến này?

Vượt qua nỗi lo đó, trải qua cuộc chiến ở Bắc Giang, em đã can đảm, mạnh mẽ hơn, em quyết tâm đăng ký vào Thành phố Hồ Chí Minh làm nhiệm vụ.

Ban đầu xuất phát từ trách nhiệm, nhưng khi xem nhiều câu chuyện chống dịch ở miền Nam trên mạng xã hội, em rất thương, muốn nhanh được tiếp sức cho đồng bào mình trong đó. Và đến khi thực sự làm nhiệm vụ ở đây, chúng em càng đặt nhiều tình cảm yêu thương hơn nữa”.

Hiện tại, Như Quỳnh thực hiện công việc lấy mẫu xét nghiệm, truy vết tại huyện Củ Chi. Thời gian đầu, những khác biệt về ngôn ngữ, khí hậu hai miền cũng khiến các chiến sĩ áo trắng không khỏi bối rối.

Với Như Quỳnh, chất giọng miền Nam ngọt ngào, thân thương nhưng đôi lúc em cũng không hiểu được ý người dân muốn nói. Khí hậu thất thường, có những ngày buổi sáng nắng, chiều tối trời bất chợt đổ cơn mưa. Công việc vì thế cũng gặp đôi chút khó khăn nhưng Quỳnh và đồng đội dần thích nghi và cố gắng.

Hơn 1 tháng gắn bó ở đây, Quỳnh đã có nhiều kỷ niệm đẹp. Đó là những ngày đang lấy mẫu ngoài thực địa thì trời đổ cơn mưa, toàn đội phải ngồi trú mưa trong xe lưu động, có hôm lại trú mưa trong nhà dân.

Những người bạn, những người đồng đội lại có dịp gần bên nhau, chia sẻ cùng nhau nhưng cảm xúc dưới cơn mưa. Đôi lúc là cảm giác bồi hồi nhớ nhà, nhớ Hà Nội, rồi lại càng thương Sài Gòn hơn, tự nhủ phải cùng nhau cố gắng, hoàn thành tốt nhiệm vụ để đẩy lùi dịch bệnh.

Đoàn tình nguyện của Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam luôn dành những yêu thương cho miền Nam ruột thịt. (Ảnh: NVCC)

Đoàn tình nguyện của Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam luôn dành những yêu thương cho miền Nam ruột thịt. (Ảnh: NVCC)

“Ở Thành phố Hồ Chí Minh, chúng em nhận được rất nhiều tình cảm của các anh chị tại Trung tâm Y tế. Đoàn em ai cũng thích quả sa kê, biết vậy, sau 1 ngày làm việc, chú lái xe của trạm y tế đã chở chúng em đi qua nhà, chú vào hái sa kê tặng cho chúng em.

Đây là lần đầu tiên chúng em được thưởng thức đặc sản này, nhưng trên tất cả, chúng em trân trọng những tình cảm yêu thường nồng hậu của người dân”, Quỳnh chia sẻ.

Ngày đầu làm việc, đội của Như Quỳnh say sưa đến quên thời gian, 9 giờ tối mới trở về. Sau lần đó, các bạn được thầy cô nhắc nhở, trách nhiệm và nhiệt huyết là tốt, nhưng đây là một cuộc chiến dài, mỗi người đều phải chú ý đến sức khỏe của bản thân, như vậy mới có thể hoàn thành nhiệm vụ , giúp Sài Gòn chiến thắng dịch bệnh.

Cũng từ đó, các chiến binh trẻ làm việc hết mình nhưng sắp xếp thời gian hợp lý hơn.

“Có người hoàn cảnh khó khăn, phải mang những chiếc khẩu trang đã ngả màu. Có bác nhận cứu trợ thùng mì tôm, bao gạo mà nhảy cẫng lên vì vui sướng.

Những câu chuyện đó đã gieo vào trong em nhiều cảm xúc khó tả, vừa thương, vừa xúc động.

Bản thân em càng tự hào về những người đồng đội của mình, những người đang chăm sóc F0, có bạn trong đội phản ứng nhanh, mang bình oxy đến tận nhà bệnh nhân, các bạn đang mang nguồn sống quý giá đến để cứu người, thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của những chiến binh khoác trên vai áo Blouse trắng”, Quỳnh tâm sự.

Lên đường vào miền Nam ngay trong đêm

Chung một tình yêu thương với miền Nam ruột thịt, Phạm Kim Chi (quê Hà Nội), sinh viên năm cuối Khoa Điều dưỡng Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai cũng đăng ký, xung phong bước vào tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước đó, Kim Chi cũng tham gia công tác tiêm phòng vaccine Covid-19 tại tỉnh Bắc Giang.

Phạm Kim Chi tham gia nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm tại huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Phạm Kim Chi tham gia nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm tại huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Từng mong ước có dịp vào miền Nam nhưng chuyến đi đầu tiên này với Kim Chi thật đặc biệt, cô gái nhỏ lên đường ngay trong tối ngày 21/8 mang theo trách nhiệm, sứ mệnh thiêng liêng bảo vệ sức khoẻ của đồng bào.

“Từ hồi cuối tháng 5, em đã thuyết phục bố mẹ ủng hộ mình tham gia chống dịch ở Bắc Giang. Sau khi từ Bắc Giang trở về, em đã có kinh nghiệm nên gia đình ủng hộ khi em quyết định lên đường vào Nam.

Diễn biến dịch bệnh phức tạp, bố mẹ luôn đợi em đi làm về để gọi điện động viên, nhờ vậy em càng có thêm động lực, tinh thần để chiến đấu”, Chi chia sẻ.

Kim Chi cùng đồng đội được phân công nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm tại địa bàn huyện Bình Chánh. Làm việc với cường độ cao, thời tiết nắng nóng nhưng những chiến binh trẻ ngành y không nản lòng.

Những chiến sĩ áo trắng luôn sẵn sàng với mọi nhiệm vụ được giao. (Ảnh: NVCC)

Những chiến sĩ áo trắng luôn sẵn sàng với mọi nhiệm vụ được giao. (Ảnh: NVCC)

Sau khi kết thúc một ngày làm việc, Kim Chi cùng các bạn về nghỉ tại trạm y tế.

Kim Chi tâm sự: “Có những ngày làm xong ca sáng đến hơn 12 giờ mới nghỉ ăn trưa. Ai cũng ướt sũng, quần áo chưa kịp khô, chúng em lại phải mặc đồ bảo hộ để tiếp tục công việc.

Ngày nào cũng vậy nên khá mệt, nhưng chúng em vẫn giữ vững tinh thần chiến đấu. Đã quyết tâm lên đường phụng sự tổ quốc thì những khó khăn đó cũng không là gì.

Những ngày lấy mẫu dưới trời nắng gắt, người dân lại mang nước uống, quạt điện ra tận địa điểm lấy mẫu cho chúng em. Mặc bộ đồ bảo hộ kín mít như vậy, chúng em không cảm nhận được làn gió mát từ chiếc quạt, nhưng cảm nhận được tình cảm ấm áp, yêu thương của người dân. Chính điều đó mang đến cho chúng em niềm hạnh phúc, tinh thần lạc quan, tích cực ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất".
“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Phạm Minh