Lạm dụng thuốc chứa corticoid dễ dẫn tới hậu họa khôn lường

10/11/2019 09:00
Nhật Minh
(GDVN) - Ở những trường hợp nặng sẽ gây ra hiện tượng tại lông - tóc - móng như nữ sẽ mọc ria mép, lông tay- lông chân mọc nhiều hơn.

Dù đã có không ít lời cảnh báo về những mặt trái khi lạm dụng corticoid, thế nhưng, nhiều người vẫn tìm mua thuốc có chứa corticoid về tự điều trị dẫn đến hậu quả khôn lường.

Nhiều năm qua, tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, các bác sĩ tiếp nhận không ít bệnh nhân sử dụng kem làm trắng da, kem trộn, nhất là các loại mỹ phẩm giả, trôi nổi có chứa corticoid.

Dấu hiệu sạm da và những vết bầm rải rác ở bệnh nhân bị tác dụng phụ của corticoid. Ảnh minh họa.
Dấu hiệu sạm da và những vết bầm rải rác ở bệnh nhân bị tác dụng phụ của corticoid. Ảnh minh họa.

Theo các bác sĩ, lúc đầu mới sử dụng bôi, làn da của người dùng sẽ trắng sáng rất nhanh nhưng đó chỉ là tác dụng nhất thời. Nếu lạm dụng dùng lâu dài sẽ gây ra tác dụng phụ như: Giãn mạch, nám, mụn hay tăng sắc tố da… Đây là những triệu chứng điển hình do corticoid gây ra.

Đáng ngại hơn, tình trạng lạm dụng corticoid còn diễn ra phổ biến ở không ít cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, các nhà thuốc gia truyền trên cả nước.

Chị Nguyễn Thị H. (Yên Bái) đang chăm con 6 tuổi điều trị tại một bệnh viện tuyến Trung ương chia sẻ, con chị nhập viện trong tình trạng béo phì, mặt sưng nề, mọc lông và rậm lông vùng mặt, mép.

Theo đó, con chị ho sốt và được bệnh viện tuyến dưới chẩn đoán, điều trị viêm tiểu phế quản nhưng chưa khỏi hoàn toàn. Gia đình đã đưa bé tới phòng khám tư tại địa phương để tiếp tục chữa trị.

Tại đây, bé được tiêm corticoid 2 lần/ngày, kéo dài 4 ngày liên tục để trị ho. Sau khi tiêm, bé D. khỏi bệnh rất nhanh. Nhưng khoảng một tháng sau, bé D. bắt đầu có dấu hiệu tích nước vùng mặt, trông bụ bẫm, ăn khỏe hơn bình thường (4 bát cơm/bữa), tăng 3-4kg, xuất hiện ria mép. Bé được các bác sĩ chẩn đoán bị suy tuyến thượng thận nặng do lạm dụng corticoid…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Dược sĩ Nguyễn Hữu Đức - nguyên giảng viên Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, với tác dụng kháng viêm, giảm đau nhanh chóng, corticoid được nhiều người coi như “thần dược” để điều trị nhiều loại bệnh, trong đó có các bệnh cơ xương khớp. Thế nhưng, việc lạm dụng corticoid tiềm ẩn vô vàn biến chứng nguy hiểm.

Những trường hợp bệnh nhân sử dụng thuốc kháng dị ứng thông thường không có cải thiện thì bác sĩ kê toa có chứa corticoid. Do hiểu rõ những tác dụng phụ của thuốc, các bác sĩ sẽ không lạm dụng thuốc.

Nếu thuốc sử dụng trong thời gian ngắn sẽ không để lại tác dụng phụ với điều kiện không sử dụng lại nhiều lần. Bệnh nhân thường có xu hướng mua lại thuốc theo toa thuốc cũ, chính vì điều này khiến cho bệnh nhân phụ thuộc vào corticoid ngoài ý muốn của bác sĩ.

Mặc khác, đối với những bệnh nhân đã bị phụ thuộc vào corticoid, bác sĩ cho toa và giảm liều để tránh tình trạng bùng lên sau khi ngưng thuốc đột ngột.

Người dân mình thường có tâm lý khi uống thuốc không kê toa sẽ có tâm lý rất thoải mái, nhưng khi được bác sĩ kê toa thường lo lắng thuốc có chứa “dexa” hay không. Nếu nghe thuốc có chứa “dexa” sẽ hoảng lên và tự ý cắt thuốc ấy.

Đối với những bệnh nhân này, những người đang phụ thuộc vào thuốc hoặc những người có bệnh lý mà chuyên khoa khớp gọi là bệnh lý tự miễn như viêm khớp dạng thấp, bác sĩ buộc phải xài nhóm thuốc này để ức chế quá trình viêm của bệnh nhân vì nếu ngưng thuốc đột ngột sẽ làm bùng các cơn viêm khớp hoặc những triệu chứng phụ thuộc vào corticoid khiến bệnh nhân đau bụng, mệt mỏi, biếng ăn, mất ngủ,…

Do đó với thuốc được kê toa bởi bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa thì bệnh nhân nên tuân thủ theo toa và trao đổi với bác sĩ những tác dụng phụ mà bản thân lo lắng để được tư vấn rõ ràng hơn.

Dược sĩ Nguyễn Hữu Đức chia sẻ, dấu hiệu đầu tiên dễ nhận biết nhất biến chứng do lạm dụng corticoid là khuôn mặt bệnh nhân tròn lên.

Những người có thân hình gầy nhưng tự dưng mặt tròn ra, bị giữ nước, cảm giác nặng mặt, lâu dài hơn sẽ có những phân bố mỡ ở vùng vai. Những u mỡ giờ gồ lên như lưng trâu và bụng to ra nhưng tay chân sẽ teo nhỏ lại, nhìn người mập ra nhưng rất mất cân đối.

Ở những trường hợp nặng hơn sẽ gây ra hiện tượng tại lông - tóc - móng như nữ sẽ mọc ria mép, lông tay - lông chân mọc nhiều hơn.

Về nguyên tắc, nếu thấy xuất hiện những dấu hiệu bất thường, dễ nhận biết nhất là khi người bệnh uống theo toa thuốc, nhưng khi ngưng không sử dụng thuốc cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, bủn rủn tay chân. Nếu bệnh nhân có các bệnh lý về khớp sẽ cảm thấy sưng đau nhiều hơn.

Trong những trường hợp trên, bệnh nhân nên đi khám chuyên khoa. Bệnh nhân bị hen suyễn, bệnh lý về tai - mũi - họng thì nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng để bác sĩ cho mình hướng điều trị đúng hơn.

Bệnh nhân uống thuốc vì đau khớp phải đến chuyên khoa cơ xương khớp để kiểm tra. Có những bệnh về khớp bác sĩ bắt buộc phải kê nhóm thuốc đó nhưng sẽ dặn dò bệnh nhân các tác dụng phụ của thuốc để bệnh nhân hiểu rõ, không tự ý dừng thuốc và giúp giảm liều lượng thuốc tùy theo diễn tiến của bệnh, tránh được tình trạng bệnh nhân phụ thuộc vào thuốc.

Nếu sử dụng lâu, kéo dài, bị hội chứng cushing do tuyến thượng thận hoạt động quá mức dẫn đến suy tuyến thượng thận, kéo theo việc suy tuyến yên với trục tuyến yên và tuyến thượng thận thì nên đi khám ở chuyên khoa nội tiết.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Trường (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nếu được dùng đúng chỉ định, đúng liều lượng và thời gian, các thuốc này có thể góp phần cứu sống người bệnh với rất nhiều loại bệnh lý nguy hiểm như cơn hen phế quản ác tính, sốc phản vệ, thấp tim, suy tuyến thượng thận, xơ cứng rải rác… nhưng nếu dùng liều cao, kéo dài, không có kế hoạch giảm liều thích hợp và không có những biện pháp hỗ trợ điều trị để giảm bớt các độc tính của thuốc, corticoid có thể gây ra rất nhiều tai biến nguy hiểm cho người bệnh.

Bên cạnh đó, nếu dùng corticoid liên tục quá 15 ngày và bị dừng đột ngột, có thể gây suy tuyến thượng thận cấp tính, một biến chứng hết sức nguy hiểm, với các biểu hiện như trụy tim mạch, rối loạn nước và điện giải… không chỉ có nguy cơ gây ra các tai biến do độc tính của thuốc, việc lạm dụng corticoid không đúng chỉ định còn có thể khiến người bệnh bị lệ thuộc thuốc, bệnh thường bùng lên mạnh mẽ mỗi khi hết thuốc.

Nhật Minh