Khám sức khỏe cho bà mẹ trẻ em tại vùng ảnh hưởng lũ lụt

13/11/2020 19:39
Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không thể để phụ nữ phải tử vong khi sinh con và phải đảm bảo điều này ngay cả trong các trường hợp khẩn cấp.

Ngày 13/11, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cùng Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã có buổi làm việc với 6 tỉnh miền trung bị ảnh hưởng lũ lụt về chương trình khám sức khỏe, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em lưu động.

Tại buổi làm việc, các đại điểu đã thảo luận về kế hoạch khám sức khỏe, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em lưu động cho đồng bào tại các vùng ảnh hưởng lũ lụt tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Các đoàn khám lưu động sẽ được tổ chức tại 6 tỉnh miền Trung trong tháng 11 và 12 năm 2020 với khoảng 150 đợt khám khoảng 30 nghìn người dân, triển khai tại các xã chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ kéo dài. Mỗi đợt khám sẽ thực hiện tại 1 điểm trong 2 ngày để đảm bảo người dân có nhu cầu tiếp cận dịch vụ.

Ông Nguyễn Đức Vinh – Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cho biết, trong thời gian vừa qua các tỉnh miền Trung đã chịu nhiều cơn bão gây tàn phá nặng nề, ảnh hưởng đến hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung, cũng như chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ trẻ em nói riêng.

Để góp phần giúp các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là việc chăm sóc sức khỏe người dân trong và sau thảm họa, trong thời gian qua, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế đã phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) vận động được một số kinh phí để tổ chức các đợt khám sức khỏe cho đồng bào vùng bị ảnh hưởng của lũ lụt tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi (ưu tiên phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai).

Bà Phan Lê Thu Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế) - Giám đốc dự án cho biết, mưa lũ đi qua khiến điều kiện vệ sinh, môi trường, nước sạch không được đảm bảo gây ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe của người dân đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Vì vậy, sự hỗ trợ cho đồng bào vùng lũ lụt là hết sức cấp thiết.

Theo bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, trong điều kiện thảm họa thiên tai, mọi sinh hoạt của phụ nữ vẫn diễn ra bình thường, do đó các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản vẫn cần phải được duy trì và không bị gián đoạn.

Phụ nữ và trẻ em gái là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong thời kỳ thảm họa. Không thể để phụ nữ phải tử vong khi sinh con và phải đảm bảo điều này ngay cả trong các trường hợp khẩn cấp.

UNFPA đang nỗ lực hỗ trợ Chính phủ Việt Nam khôi phục và cải thiện cuộc sống của các nạn nhân lũ lụt, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất; hỗ trợ bộ cứu trợ khẩn cấp dành cho phụ nữ và các thiết bị y tế chăm sóc sức khỏe bà mẹ cho khu vực bị ảnh hưởng bởi bão lụt; hỗ trợ cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục lưu động tiếp cận tới người dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi bão lũ cũng như hỗ trợ y tế cho các phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực giới.

Kim Anh