Học sinh đi trại hè cần có kỹ năng phòng tránh côn trùng

09/05/2021 09:21
Thu Giang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thiên nhiên rất tươi đẹp nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Làm thế nào để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia những hoạt động cắm trại, dã ngoại nơi rừng núi?

Hiện nay, xu hướng các gia đình cho con đi cắm trại hè ngày càng trở nên phổ biến. Đây là hoạt động để giúp các con có thể học thêm kĩ năng sống và có những khoảng thời gian gần gũi với thiên nhiên.

Tuy nhiên, thực tế khi đi cắm trại ở núi rừng cũng có nhiều nguy hiểm rình rập nếu các phụ huynh không chuẩn bị kĩ lưỡng.

Nhiều loại côn trùng, rắn rết, chuột bọ… mang nhiều mầm bệnh, thậm chí không ít loài có nọc độc chết người.

Để phòng tránh các tình huống nguy hiểm, các bậc phụ huynh cần lưu ý những điều sau:

1. Lựa chọn trang phục phù hợp

Lựa chọn trang phục phù hợp cho bé khi đi cắm trại là điều rất quan trọng. Ngoài tiêu chí thoải mái di chuyển thì việc chọn màu sắc cũng cần cần lưu ý.

Các bố mẹ nên lựa chọn cho gia đình mặc những bộ quần áo mang màu sắc trung tính, tránh những bộ trang phục có màu sắc sặc sỡ vì màu sắc nổi sẽ thu hút sự chú ý của các loại côn trùng nhiều hơn.

Đây là phương pháp giúp bé tránh bị côn trùng cắn hiệu quả. Ngoài ra, khi đi cắm trại trong rừng bạn nên mặc quần dài và đi giày cao cổ quá mắt cá chân để tránh bị vắt hoặc bọ chét cắn.

Khi đi cắm trại, các gia đình cần tránh những trang phục sặc sỡ thu hút sự chú ý của côn trùng. (Ảnh: Phạm Hoàng Anh/Baovanhoa.vn)

Khi đi cắm trại, các gia đình cần tránh những trang phục sặc sỡ thu hút sự chú ý của côn trùng. (Ảnh: Phạm Hoàng Anh/Baovanhoa.vn)

2. Dùng các loại thuốc chống côn trùng

Các loại thuốc chống côn trùng là phương pháp hiệu quả và được mọi người áp dụng nhiều nhất. Bạn nên chuẩn bị trong balo một số loại thuốc cần thiết như: kem chống muỗi, thuốc chống vắt,...

Ngoài ra, một chai nước muối loãng cũng sẽ rất hữu ích để bạn có thể sát trùng vết thương khi bị côn trùng cắn.

Túi thuốc y tế và đồ sơ cứu thông thường cũng là những thứ cần thiết phải mang đi khi cắm trại, du lịch.

3. Tránh những khu vực rậm rạp và ẩm ướt

Lựa chọn nơi cắm trại, các bậc phụ huynh nên lựa chọn những khu vực thoáng đãng cao ráo và tránh những nơi ẩm ướt, có cây gỗ và lá mục. Vì những khu vực đó là môi trường sinh sống của các loại côn trùng như rắn rết, vắt hay đỉa...

4. Sử dụng các vật liệu tự nhiên để chống muỗi

Các bố mẹ nên tận dụng mùi thơm của vỏ cam, chanh, bưởi để đuổi côn trùng. Đây là một cách chống muỗi đơn giản mà vô cùng hiệu quả.

Khi đi cắm trại bạn nên mang theo một ít trái cây như cam, chanh, bưởi... Bên cạnh đó, có thêm vài lát vỏ dưa chuột cũng sẽ giúp đuổi được lũ kiến đến gần.

Các loại vỏ cam, chanh, bưởi có khả năng giúp đuổi côn trùng. (Ảnh: Vtv.vn)

Các loại vỏ cam, chanh, bưởi có khả năng giúp đuổi côn trùng. (Ảnh: Vtv.vn)

5. Dùng túi ngủ chống muỗi

Túi ngủ chống muỗi sẽ bảo vệ bạn an toàn trước sự tấn công của lũ côn trùng khi đi cắm trại, nó sẽ giúp bạn ngủ ngon mà chẳng phải lo lắng tới lũ côn trùng đáng ghét.

6. Kiểm tra vùng có bọ chét

Đi dã ngoại tại các bãi cỏ, các bậc phụ huynh nên lưu ý đề phòng các loại bọ chét, ve, rệp. Một cách kiểm tra để xem có bọ chét trên cỏ hay không là dùng một mảnh vải trắng quệt qua đám cỏ (khu vực bạn cho là có bọ chét), nếu có thì chúng sẽ bám vào vải.

7. Phòng tránh rắn cắn

Khi đi cắm trại, dã ngoại ở trong rừng cần thận trọng với các loài rắn độc. Các bậc phụ huynh nên tìm hiểu cách xử lý khi bị cắn, để tránh được nguy cơ tử vong hay các biến chứng về sau.

Đặc biệt, không nên cho trẻ nhỏ leo trèo cây, vì dễ bị tai nạn do ngã hoặc rắn lục núp trong các tầng lá tấn công.

Rắn lục đuôi đỏ. (Ảnh: VOV)

Rắn lục đuôi đỏ. (Ảnh: VOV)

Mang giày cao cổ, ủng và mặc quần dài phủ ngoài giày, đội mũ rộng vành khi đi trên cỏ rậm hoặc vùng có nhiều rắn.

Dùng đèn khi đi trong bóng tối hoặc ban đêm, không ngủ dưới nền đất, và cẩn thận khi đi ra ngoài mùa hè, trời mưa, tối. Ngoài ra, bạn có thể đem theo người một số loại cây như sả, lưỡi hổ, nén, sắn dây, hoa lan tỏi... vì chúng đều có tác dụng đuổi rắn.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Xuân Dương (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), khi bị có người bị rắn cắn cần trấn an người bệnh, không để bệnh nhân tự đi lại.

Bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn). Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn (vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề).

Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường), băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt.

Dùng các băng chun giãn, băng vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (còn sờ thấy động mạch đập).

Bắt đầu băng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn. Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng,...) cố định chân, tay bị cắn.

Tuy nhiên, không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm. Có thể chích nặn rửa vết cắn dưới bòi nước sạch với xà phòng rồi sát trùng.

Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay,..).

Nếu có dấu hiệu ngừng tuần hoàn thì tiến hành hồi sinh tổng hợp ngay tại chỗ và chờ nhân viên y tế đến.

Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động, để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân.…

Bác sĩ Lê Xuân Dương lưu ý: "Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu trễ sau 24-48 giờ, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả". [1]

8. Không dùng nước hoa có mùi thơm thu hút ong

Các gia đình khi đi dã ngoại, cắm trại ở khu vực rừng núi không nên dùng nước hoa, dầu gội đầu, các mỹ phẩm... có mùi thơm và ngọt sẽ thu hút ong. Khi ong bay đến, không chạy, cần đứng hoặc ngồi im và không cử động.

Khi phải tiếp xúc với ong, nên mang đủ trang bị phòng tránh như quần áo dày, mũ trùm đầu, kính... để đề phòng bị ong đốt.

Theo bác sĩ Đinh Thuận chia sẻ trên Báo Sức khoẻ và Đời sống, khi bị ong tấn công, người bị nạn phải hết sức bình tĩnh và nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong. Tuyệt đối không dùng nhánh cây, quần áo để xua vì càng xua, ong sẽ càng tấn công.

Trước khi đến cơ sở y tế để xử lý, người bị ong đốt tự làm hoặc nhờ sự giúp đỡ của người khác, nhanh chóng sơ cứu ban đầu bằng một trong những cách có thể như sau: Lấy vòi chích của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ra vì hầu hết sau khi đốt, ong đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da.

Tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra; Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm. Bôi dung dịch sát khuẩn như povidine 10% hoặc cồn 70 độ lên vết đốt mỗi ngày 2 lần; Uống nhiều nước để loại thải các độc tố; Chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng.

Sau khi xử trí như trên, người bị ong đốt cần được chăm sóc và theo dõi cẩn thận và cần đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất khi có các dấu hiệu nặng để được cấp cứu kịp thời. [2]

Tài liệu tham khảo:

[1] http://benhvien108.vn/cach-so-cuu-ban-dau-khi-bi-ran-can.htm

[2] https://suckhoedoisong.vn/viec-can-lam-ngay-khi-bi-ong-dot-n19724.html

Thu Giang