Hải Phòng: Ứng dụng chữ ký số, lưu trữ, liên thông điện tử trong y tế

18/05/2022 21:27
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc ứng dụng chữ ký số, lưu trữ, liên thông điện tử trong ngành Y tế hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số của Hải Phòng.

Ngày 18/5, Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng phối hợp với Sở Y tế tổ chức Hội thảo "Ứng dụng chữ ký số, lưu trữ và liên thông điện tử trong chuyển đổi số lĩnh vực Y tế".

Hội thảo được tổ chức trực tuyến với 270 điểm tại các phòng; Trung tâm Y tế quận, huyện; các Trạm Y tế xã, phường trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Quang cảnh hội thảo (Ảnh: Phạm Linh)

Quang cảnh hội thảo (Ảnh: Phạm Linh)

Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế

Chuyển đổi số là động lực trong phát triển thành phố Hải Phòng và cũng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nhằm phục vụ tốt nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Trong đó, ngành Y tế là một trong những ngành tiên phong của Hải Phòng trong công tác chuyển đổi số.

Hội thảo "Ứng dụng chữ ký số, lưu trữ và liên thông điện tử trong chuyển đổi số lĩnh vực Y tế" là sự kiện nhằm thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số của thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Qua đó, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số đối với các cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn Hải Phòng, đặc biệt trong lĩnh vực Y tế.

Hội thảo được tổ chức trực tuyến với 270 điểm cầu tại các quận, huyện, xã trên địa bàn Hải Phòng (Ảnh: Phạm Linh)

Hội thảo được tổ chức trực tuyến với 270 điểm cầu tại các quận, huyện, xã trên địa bàn Hải Phòng (Ảnh: Phạm Linh)

Tại hội thảo, ông Nguyễn Trường Nam – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế đã chia sẻ về tầm nhìn cùng những nhiệm vụ trọng tâm trong y tế: “Tầm nhìn của chuyển đổi số ngành y tế tới năm 2030 là việc ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành y tế.

Từ đó, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.

Ông Nguyễn Trường Nam – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế chia sẻ tại hội thảo (Ảnh: Phạm Linh)

Ông Nguyễn Trường Nam – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế chia sẻ tại hội thảo (Ảnh: Phạm Linh)

Cụ thể, y tế hướng tới những giải pháp trọng tâm và toàn diện, bao gồm: phát triển nền tảng chuyển đổi số, phát triển chính phủ số trong y tế, phát triển kinh tế số trong y tế, phát triển xã hội số trong y tế, chuyển đối số trong chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh, chuyển đổi số bệnh viện.

Trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số toàn diện (AI, Big Data, ký số, IoMT, điện toán đám mây…), xây dựng bệnh viện điện tử, không giấy tờ, y tế từ xa”.

Các giao dịch điện tử ngày nay ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất trong các giao dịch điện tử chính là việc ràng buộc trách nhiệm của các bên liên quan cũng như đảm bảo tính xác thực của các giao dịch.

Chính vì vậy, chữ ký điện tử, chữ ký số ra đời dùng để ký các văn bản điện tử nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử.

Để bệnh án điện tử, bảo hiểm y tế điện tử thực sự có thể trao đổi, giao dịch trên môi trường số hay lưu trữ điện tử trong tổ chức thì cần có công cụ xác thực, bảo đảm tính đúng đắn, chính xác, toàn vẹn của dữ liệu.

Đó chính là vai trò của ký số. Vì vậy, chữ ký số, lưu trữ điện tử là những hệ thống chuyển đổi số quan trọng trong bất kỳ tổ chức nào, giúp hình thành quy trình số hoàn chỉnh.

Ứng dụng chữ ký số, lưu trữ và liên thông điện tử

Trong phần trình bày về Ứng dụng chữ ký số, lưu trữ và liên thông điện tử trong chuyển đổi số lĩnh vực Y tế, ông Hoàng Nguyên Vân – Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ SAVIS nhấn mạnh: “Ký số thông thường không thể đáp ứng nhu cầu về lưu trữ tài liệu trong dài hạn bởi tài liệu sẽ không thể xác thực được sau thời điểm chứng thư số hết hạn, bị thu hồi hay nhà cung cấp ngừng dịch vụ.

Bên cạnh đó, tính toàn vẹn, chống chối bỏ về nội dung cũng không được đảm bảo.

Những tài liệu nhạy cảm về thời gian trong Y tế như hồ sơ, bệnh án điện tử, hợp đồng điện tử, bảo hiểm y tế điện tử… đối mặt với những rủi ro về pháp lý và mất giá trị bằng chứng, chứng cứ.”

Ông Hoàng Nguyên Vân – Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ SAVIS phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Phạm Linh)

Ông Hoàng Nguyên Vân – Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ SAVIS phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Phạm Linh)

Giải pháp trong trường hợp này là phát triển hệ thống ký số theo tiêu chuẩn ký số nâng cao AdES, công nghệ xác thực lâu dài LTV, LTANS, gắn ký đóng dấu thời gian Timestamp cho phép kéo dài hiệu lực xác thực.

Đảm bảo tính toàn vẹn lâu dài của tài liệu trong 10 năm, 20 năm hay vĩnh viễn với mức độ chống gian lận cao nhất.

Kết hợp với những phương thức ký số mới như ký số từ xa, các tổ chức có thể ký số an toàn theo tiêu chuẩn châu Âu từ bất kỳ đâu, trên bất kỳ thiết bị di động nào mà không phải kết nối thủ công với USB token như trước. Đây sẽ là tương lai của ký số.

Cũng tại hội thảo, đại diện Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), Cục Chứng thư số và bảo mật thông tin (Ban Cơ yếu Chính phủ), Trung tâm Chứng thực Điện tử Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Công ty SAVIS cùng các điểm cầu trực tiếp, trực tuyến đã có phần toạ đàm, trao đổi thông tin.

Năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành, mọi cấp, toàn dân và toàn diện trên địa bàn thành phố, là chìa khóa để Hải Phòng phát triển bền vững.

Chuyển đổi số đối với ngành Y tế sẽ là tiền đề cho các lĩnh vực cùng bứt phá để chuyển đổi số thành công.

Hội thảo "Ứng dụng chữ ký số, lưu trữ và liên thông điện tử trong chuyển đổi số lĩnh vực Y tế"là cơ hội để các Sở, ngành, quận, huyện và các đơn vị thuộc lĩnh vực Y tế trên địa bàn thành phố được nghe và chia sẻ các định hướng của Chính phủ về chuyển đổi số và một số giải pháp cụ thể.

Góp phần tạo sự thuận lợi khi triển khai chuyển đổi số của ngành theo tinh thần và yêu cầu đã nêu trong Quyết định số 284/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 26/10/2021 của Ban Thường vụ Thành uỷ về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Phạm Linh