Giảm nhẹ chương trình học, phát triển ngành tâm lý để tránh trầm cảm ở trẻ em

22/04/2022 06:30
Nhật Tân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ông Lê Như Tiến và ông Ngô Văn Sửu chia sẻ một vài giải pháp nhằm tránh trầm cảm ở trẻ em.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ hai gây hại đến sức khỏe của con người chỉ sau tim mạch. Đáng nói, trầm cảm học đường ở Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng.

Theo thông báo của UNICEF có tới 29% thanh thiếu niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần, tại Hà Nội, tỷ lệ từ 28-32% ở học sinh Trung học cơ sở (theo kết quả nghiên cứu khoa học của Bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Môi trường và Sức khỏe, Nguyên phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) -Nghiên cứu trong giai đoạn 2009-2011, công bố năm 2012. [1]

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trầm cảm học đường, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) chia sẻ: “Gần đây có một số thông tin về việc các em trầm cảm, tự kỷ dẫn đến tự tử. Theo tôi có 3 yếu tố ảnh hưởng đến trẻ một là gia đình, hai là nhà trường, ba là xã hội."

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII). Ảnh: VOV

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII). Ảnh: VOV

Người thân trong gia đình phải quan tâm và không nên gây áp lực cho các em ví dụ như bắt con phải học nhiều, không học thì đánh đập, mắng mỏ.

Thậm chí có người bố, người mẹ mắng con học hành như thế thì ăn cơm công toi. Mắng như thế là xúc phạm đến nhân phẩm và giá trị của các em. Vì vậy không nên dùng những từ ngữ mang tính chất nhục mạ đối với các em.

Thứ hai nhà trường cũng là một môi trường rất quan trọng nếu các thầy cô gây áp lực lớn cho học sinh, không dạy các em bằng tình yêu thương, sự chia sẻ thậm chí các em các em được điểm không tốt lắm thì cũng phải động viên chứ không phải là nói những lời nặng nề, mang tính chất nhục mạ đối với học sinh.

Người lớn trong gia đình, nhà trường, xã hội đôi khi cũng không thể hiểu hết trẻ em trong khi các em là đối tượng rất khó có khả năng tự vệ và nhạy cảm Nếu cảm thấy bị xúc phạm quá mức các em dễ có những hành vi tự kết liễu cuộc đời mình, để đến khi sự việc không may xảy ra người lớn mới ân hận.

Vì vậy gia đình, nhà trường, xã hội cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau. Trẻ em là lứa tuổi rất non nớt, khi bị xúc phạm dễ dẫn đến việc suy nghĩ không được thấu đáo có khi dẫn đến hành động bộc phát, gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) cần có sự phối hợp giữa ba môi trường gia đình, nhà trường, và xã hội cần có những giải pháp động viên các em. Tôi cho rằng nên có trung tâm tư vấn giúp bố mẹ các em, hoặc chính bản thân các em vượt qua được những lúc trầm cảm để lấy lại cân bằng. Khi không có hướng giải quyết bố mẹ có thể hỏi ý kiến chuyên gia để có hướng xử lý phù hợp.

Thêm vào đó có thể nhận thấy chương trình học chưa có nhiều hoạt động để các em học được kỹ năng cân bằng cảm xúc, giải quyết tình huống.

Ông Lê Như Tiến nhận thấy học ở trường lâu nay chúng ta chỉ chuyên chú vào kiến thức. Đối với các kỹ năng mềm, những cách ứng xử phù hợp để đối mặt với các tình huống thì đôi khi thầy cô, phụ huynh cũng không hướng dẫn các em dẫn đến việc các em rất lúng túng khi đối mặt với những tình huống phức tạp và những hành vi bột phát. Vì vậy nhà trường và gia đình cần tăng cường giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng sống và đưa ra các tình huống để các em xử lý và thầy cô, gia đình giải đáp, tư vấn.

Ngành giáo dục nên giảm tải chương trình và thêm vào các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm. Đối với những em có độ tuổi nhỏ, các em phải vừa học, vừa chơi, vừa tham gia các hoạt động khác. Nếu chỉ chăm chăm vào việc nhồi nhét kiến thức thì đấy chưa phải là một nguyên lý giáo dục tốt.

Chia sẻ về vấn đề trầm cảm học đường, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng tình trạng học sinh tự tử do căng thẳng về mặt tư tưởng, tâm lý bố mẹ, bạn bè cũng không lường trước. Vì vậy căn cơ nhất là các nhà tâm lý học nghiên cứu vấn đề này để tìm ra giải pháp.

Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Đỗ Thơm

Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Đỗ Thơm

Lý giải ý kiến trên, ông Ngô Văn Sửu cho rằng trẻ bị trầm cảm, căng thẳng về mặt tâm lý nhiều khi bố mẹ không có khả năng thuyết phục cho nên phải là các nhà tâm lý học vì vậy cần nghiên cứu sâu về vấn đề này để có những giải pháp giúp cho gia đình, trường lớp và bạn bè.

Có rất nhiều giải pháp tức thời tuy nhiên trẻ bị trầm cảm nhiều khi không nói chuyện với ai về về những vấn đề của bản thân nhất là trong độ tuổi vị thành niên.

Vì vậy theo tôi nên đề xuất với nhà nước về việc đào tạo ngành tâm lý học, nước ta có đào tạo ngành tâm lý học tuy nhiên bối cảnh hiện tại đặt ra nhu cầu cấp bách hơn thế.

Trong những năm vừa qua, xu hướng trầm cảm ở trẻ ngày càng tăng, gây nguy hiểm rất lớn, các cơ quan ban ngành cần phải nghiên cứu thấu đáo để tìm ra giải pháp tháo gỡ từng bước. Bố mẹ đóng vai trò rất quan trọng nhưng nhiều khi chưa hiểu đúng và đủ các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Con cái không tâm sự gì với bố mẹ, trẻ cứ xa lánh, âm thầm chịu đựng nên sinh ra tâm lý tiêu cực.

Bên cạnh đó, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng nên đầu tư xây dựng các sân chơi cho trẻ em để giải tỏa áp lực, căng thẳng. Ở nhiều khu phố, khu chung cư không có sân chơi cho trẻ nên không có nơi để các em vui chơi, giải tỏa áp lực.

Thực tế cho thấy ngay từ lớp 1 trẻ đã phải học hành căng thẳng cộng thêm tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các phải học online trong một khoảng thời gian dài, không được đến trường để gặp mặt bạn bè, thầy cô. Nhiều phụ huynh muốn con học giỏi nên tạo áp lực tâm lý cho con. Tôi cho rằng chúng ta nên thay đổi khái niệm học giỏi.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/suc-khoe-hoc-duong/su-thieu-hieu-biet-cua-cha-me-cang-day-con-vao-tinh-trang-tram-cam-doi-tu-tu-post225745.gd?

Nhật Tân