Đà Nẵng quyết liệt ngăn chặn thực phẩm bẩn

01/12/2018 09:21
An Nguyên
(GDVN) - Sau gần một năm thành lập, Ban quản lý an toàn thực phẩm Đà Nẵng trở thành “chốt” quan trọng ngăn thực phẩm bẩn tuồn vào thành phố.

Chốt chặn ngăn thực phẩm bẩn

Tháng 12/2017, Đà Nẵng là địa phương thứ 2 sau thành phố Hồ Chí Minh được Thủ tướng cho phép thí điểm thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm.

Một cơ sở chế biến thực phẩm bẩn ở Đà Nẵng bị phát hiện. Ảnh: TT
Một cơ sở chế biến thực phẩm bẩn ở Đà Nẵng bị phát hiện. Ảnh: TT

Đây là nơi tập trung các đầu mối công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn như các đơn vi:

Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (trực thuộc sở Y tế), Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (trực thuộc sở Nông nghiệp) hay như bộ phận an toàn thực phẩm của sở Công Thương để thực hiện nhiệm vụ.

Ban còn được giao thực hiện chức năng, thẩm quyền của thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm.

Quảng Bình kiểm tra chéo an toàn vệ sinh thực phẩm tại Kiên Giang

Điểm mới này tạo điều kiện cho Ban có đủ cơ sở pháp lý để tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tăng cường cơ chế ngăn chặn tình trạng không đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu bức thiết của người dân thành phố trong việc sử dụng thực phẩm sạch, an toàn.

“Với tư cách là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá thực trạng;

Nhận diện các nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm để tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố giải pháp quản lý an toàn thực phẩm đối với các loại hình sản xuất thực phẩm;

Thực phẩm nhập vào chợ, các cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố, rau, trái cây thành phố tiêu thụ được nhập từ ngoại tỉnh.

Ban đã xây dựng chương trình thí điểm xây dựng các các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống cam kết cung ứng thực phẩm an toàn.

Bộ Y tế yêu cầu Cục An toàn thực phẩm ban hành quy định về sữa học đường

Tổ chức đoàn công tác khảo sát và ký cam kết với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Vĩnh Long, là các tỉnh cung ứng lần lượt là 40% sản lượng rau, 20% sản lượng trái cây tiêu thụ cho thành phố thông qua Chợ đầu mối nông sản Hòa Cường” - ông Nguyễn Tấn Hải – Trưởng ban quản lý an toàn thực phẩm Đà Nẵng.

Ngoài ra, Ban còn phối hợp với sở Nông nghiệp khảo sát vùng trồng rau thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai (địa phương cung ứng khoảng 30% sản lượng rau tiêu thụ của thành phố) và vùng chăn nuôi tỉnh Bình Định (địa phương cung ứng khoảng 70% gia súc, gia cầm cho thành phố).

Hoàn thiện dự thảo để trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Bộ tiêu chí xây dựng mô hình chợ đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận tăng cường thanh, kiểm tra chấn chỉnh điều kiện an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất đậu khuôn, sữa bắp, nước đá, nước uống đóng chai…

Phát hiện nhiều mẫu thực phẩm không an toàn

Theo đại diện Ban quản lý an toàn thực phẩm thì trong 10 tháng đầu năm, toàn thành phố đã lấy 1.081 mẫu thực phẩm để kiểm tra các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, đã có kết quả 1.035 mẫu.

Cơ quan chức năng xử phạt một cơ sở chế biến thực phẩm bẩn ở Đà Nẵng. Ảnh: TT
Cơ quan chức năng xử phạt một cơ sở chế biến thực phẩm bẩn ở Đà Nẵng. Ảnh: TT

Trong đó, có 128 mẫu không đạt yêu cầu, chiếm tỷ lệ 12,36% và lấy 2.150 mẫu thực phẩm kiểm tra nhanh, kết quả có 23 mẫu không đạt yêu cầu.

"Ban đã xây dựng các kế hoạch thực hiện việc giám sát ô nhiễm thực phẩm tại các chợ đầu mối và các địa điểm cung cấp thực phẩm cho người dân.

Trong đó việc giám sát an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối Hòa Cường và Thủy sản Thọ Quang rất khó khăn và vất vả.

Cục An toàn thực phẩm đề nghị cắt giảm nhiều thủ tục hành chính

Thời gian lấy mẫu giám sát thường rơi vào thời gian nhập hàng vào chợ lúc 1-2h sáng, tần suất lấy mẫu rãi đều trong năm, số lượng mẫu nhiều", vị đại diện này cho hay.

Ban đã thực hiện lấy 271 mẫu rau, trái cây. Trong đó, 243 mẫu tại Chợ đầu mối Hòa Cường, 28 mẫu tại các cơ sở kinh doanh gửi phân tích các chỉ tiêu thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả có 10 mẫu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Giám sát an toàn thực phẩm đối với thủy sản thì Ban đã thực hiện lấy 75 mẫu thủy sản (70 mẫu tại Chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang, 5 mẫu tại cơ sở kinh doanh), gồm:

58 mẫu thủy sản khai thác gửi phân tích tồn dư kim loại nặng (Chì, Thủy ngân, Cadimi), 17 mẫu thủy sản nuôi trồng, gửi phân tích tồn dư hóa chất, kháng sinh (Chloramphenicol và nhóm Tetracycline).

Kết quả kiểm tra có 8 mẫu (chiếm tỷ lệ 13,8%) thủy sản khai thác tồn dư kim loại nặng (Thủy ngân và Cadimi) vượt mức giới hạn so với quy định tại QCVN 8-2:2011/BYT– Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm.

Giám sát an toàn thực phẩm đối với thịt tươi sống thì Ban đã lấy 43 mẫu thịt gồm 23 mẫu thịt (13 mẫu thịt heo, 10 mẫu thịt gà) tại các cơ sở kinh doanh và 20 mẫu thịt heo ở các chợ để kiểm tra các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm.

Những loại ung thư nào nguy hiểm nhất Việt Nam?

Kết quả có 13 mẫu không đạt yêu cầu (chiếm tỷ lệ 30%), trong đó 4 mẫu thịt gà nhiễm vi sinh E.coli vượt giới hạn cho phép, 9 mẫu thịt heo nhiễm vi sinh E.coli vượt giới hạn cho phép (trong 9 mẫu này có 1 mẫu đồng thời phát hiện Salmonella, 1 mẫu đồng thời tồn dư kim loại chì vượt giới hạn cho phép).

Giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm đã qua chế biến, đã lấy 355 mẫu thực phẩm kiểm tra các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm.

Kết quả có 25 mẫu không đạt yêu cầu, chiếm tỷ lệ 7,04%, gồm: 4 mẫu thức ăn chế biến sẵn, 4 mẫu nước đá viên, 5 mẫu nước uống đóng chai (chỉ tiêu vi sinh vượt giới hạn cho phép), 1 mẫu chả cá thu chiên (phát hiện hàn the), 11 mẫu chả (phát hiện Natribenzoat).

"Kết quả xử lý, đã có văn bản gửi các chủ hàng và địa phương có sản phẩm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, Ban Quản lý Chợ đầu mối Hòa Cường, Thủy sản Thọ Quang có biện pháp ngăn chặn.

Không tiêu thụ sản phẩm bị phát hiện không an toàn trong thời gian 30 ngày", đại diện Ban quản lý an toàn thực phẩm cho hay.

An Nguyên