Cục An toàn thực phẩm tiếp tục cảnh báo người dân đề phòng ngộ độc rượu

25/09/2020 11:19
Trúc Diệp
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vẫn còn những trường hợp nhập viện vì ngộ độc bia rượu và thậm chí mất mạng, nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn mất cảnh giác.

Bước vào giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm có khá nhiều dịp lễ, kỷ niệm và nhiều cuộc liên hoan cuối năm. Tình trạng sử dụng rượu bia tràn lan ở những cuộc liên hoan diễn ra khá phổ biến gây nhiều hệ lụy về sức khỏe, nhất là ngộ độc rượu chứa methanol. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tại Việt Nam, ngộ độc rượu chiếm trên 20% các loại ngộ độc.

Ở những quán tạp hóa các xã thuộc huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, nhiều mặt hàng có thể thiếu nhưng rượu bày bán thì lúc nào cũng có. Chúng được bán rất chạy. Hầu như ngày nào, trong làng cũng có người đến mua. Rượu được chủ tạp hóa mua về từ các lò nấu. Sau đó, cho vào từng bao, mỗi bao rượu chỉ 5 ngàn đồng. Rẻ như vậy mới dễ bán. Còn đằng sau loại rượu giá rẻ, chúng có thực sự được nấu đúng nghĩa là rượu gạo hay không thì chẳng ai biết được.

Miền núi các tỉnh Nam Trung Bộ, dễ bắt gặp hình ảnh quây quần bên rượu ở các làng từ sáng sớm đến giữa trưa và đến tận chiều tối...Chưa nói đến hàng loạt hệ lụy từ lạm dụng rượu bia, chỉ riêng nguy cơ ngộ độc rượu đã là rất đáng lo ngại. Mang Sang là nạn nhân của một ngộ độc rượu xảy ra cách đây 7 năm ở làng Liên Sơn 2, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Khi đó 5 người trong làng tử vong, còn Mang Sang qua cơn nguy kịch nhưng mắt bị mù. Hậu quả từ ngộ độc rượu quá lớn, gần như hủy hoại hoàn toàn tương lai của Mang Sang.

Và theo phản ánh từ người dân thì nhiều vụ ngộ độc rượu đã xảy ra ở miền núi hai tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận. Ai cũng lo ngại, nhưng, điều khó hiểu, rượu không rõ nguồn gốc, không biết chất lượng vẫn bán và vẫn được nhiều người mua về uống.

Điều trị bệnh nhân ngộ độc rượu. ảnh: Ngọc Vũ.

Điều trị bệnh nhân ngộ độc rượu. ảnh: Ngọc Vũ.

Nhiều người trẻ cũng lạm dụng bia, rượu

Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vào các dịp nghỉ lễ, Tết là dịp mà trung tâm liên tục tiếp nhận các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm, trong đó rất nhiều bệnh nhân ngộ độc rượu, thậm chí có những bệnh nhân chưa tới 20 tuổi, trong đó có cả phụ nữ. Trong số này có những thí dụ điển hình như bệnh nhân T. M. Đ, 28 tuổi ở Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội nhập viện trong tình trạng đau bụng, mệt mỏi, chán ăn.

Bệnh nhân được chẩn đoán viêm tụy cấp do lạm dụng rượu bia trong một thời gian dài với số lượng lớn. Sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy kịch tuy nhiên vẫn cần tiếp tục theo dõi và điều trị lâu dài.

Theo lời kể của bệnh nhân, mặc dù mới 28 năm tuổi nhưng đã có 8 năm uống rượu bia khá nhiều, mỗi lần tụ tập cùng bạn bè hoặc gia đình là anh uống khoảng nửa lít rượu hoặc 10 cốc bia. Một trường hợp khác cũng phải vào khoa Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) điều trị vào trước Tết nguyên đán, đó là bệnh nhân Đ.V.L, 27 tuổi, ở Bắc Ninh.

Theo lời kể của bệnh nhân, trong bữa tiệc liên hoan cuối năm cùng 12 người bạn uống khoảng 9 chai rượu có dung tích 500ml. Ngay sau đó anh thấy mệt, nôn nhiều và không biết gì nữa, được các bạn đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Chống độc.

Tại đây bác sĩ xác định bệnh nhân L. nhập viện trong tình trạng bất tỉnh, lơ mơ không biết gì. Xét nghiệm cho thấy kali /máu, đường/ máu của bệnh nhân hạ thấp, rối loạn nhịp tim. Nếu đưa vào cấp cứu muộn bệnh nhân có nguy cơ bị ảnh hưởng tới tính mạng, nếu may mắn qua được cũng có thể hứng chịu những di chứng sau này.

Tình trạng lạm dụng bia rượu vẫn còn khá phổ biến. ảnh: TD.

Tình trạng lạm dụng bia rượu vẫn còn khá phổ biến. ảnh: TD.

Một vụ việc điển hình cách đây ba năm khiến nhiều người còn hoảng sợ khi nhắc tới là vụ ngộ độc rượu khiến hơn một trăm người ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu nhập viện, trong số ấy 9 người không qua khỏi và tử vong.

Theo công bố từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), kết quả kiểm nghiệm 03 mẫu rượu được lấy tại hiện trường vụ ngộ độc: Hàm lượng methanol là 970 mg/cồn 1000, 556.000 mg/cồn 1000 và 475.000 mg/cồn 1000. Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống có cồn (QCVN6-3:2010/BYT), Tiêu chuẩn quốc gia về rượu trắng (TCVN 7043:2013), hàm lượng methanol trong rượu không được phép lớn hơn 100 mg/cồn 1000.

Như vậy, hàm lượng methanol của 03 mẫu rượu vượt ngưỡng cho phép nhiều lần và bước đầu xác định nguyên nhân gây tử vong có thể do sử dụng rượu có hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép.

Nguyên nhân gây ra hầu hết các vụ ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu, uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể, do sử dụng rượu không đảm bảo an toàn như uống phải rượu pha cồn công nghiệp Methanol hoặc Ethylene glycol; uống rượu ngâm với thảo mộc (như lá, rễ, hạt cây) hoặc ngâm với động vật (như mật, phủ tạng…) không rõ độc tính.

Trong một “đơn vị rượu” thường có từ 8-14g rượu nguyên chất. Mỗi đơn vị rượu tương đương một lon bia (270-330ml) từ 2-12 độ hoặc một chén rượu vang (125ml) 9-18 độ hay một chén rượu mạnh (40ml) 40 độ.

Nam giới uống quá 03 đơn vị rượu/ngày; nữ giới uống quá 02 đơn vị rượu/ngày được coi là lạm dụng rượu. Uống rượu lâu ngày có thể dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan và ruột; da, niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu; thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan; nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần…Phụ nữ mang thai uống nhiều rượu có thể gây sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.

Để phòng ngừa ngộ độc rượu bia, không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt, tử vong; không nên uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Đặc biệt, không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, không rõ nguồn gốc; rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng; uống khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.

Để phòng ngừa ngộ độc rượu bia trong dịp lễ, Tết, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân cần thực hiện các nguyên tắc sau: 1. Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.

2. Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.

3. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.

4. Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. 5. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.

Trúc Diệp