Còn nhiều kẻ vô lương tâm huỷ hoại sức khoẻ của nhiều thế hệ

29/09/2020 06:19
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thời điểm cận Tết, hàng hóa tiêu thụ trên thị trường rất nhiều nên các đối tượng sẽ lợi dụng trà trộn đưa vào thị trường thực phẩm, sản phẩm bẩn không nguồn gốc.

Vào những tháng cuối năm, nhất là dịp Tết Dương lịch và cận Tết Nguyên đán, tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp không khỏi gây hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng.

Thời điểm cận Tết, số lượng lớn hàng hóa tiêu thụ trên thị trường nhiều, các đối tượng sẽ lợi dụng để trà trộn thực phẩm, sản phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, tuồn vào thị trường.

Có thể thấy, việc lo ngại của người tiêu dùng về vấn nạn thực phẩm thiếu an toàn tại các chợ cóc, chợ tạm, chợ dân sinh… không phải là không có cơ sở, đặc biệt vào dịp Tết. Chưa bao giờ người tiêu dùng lại phải đối mặt với nhiều nỗi lo từ nguồn thực phẩm bẩn len lỏi vào từng bữa ăn, gây nguy hại cho sức khỏe đến như vậy.

Hơn 6 tấn thực phẩm đủ mọi chủng loại như chân gà, tim lợn, nầm lợn, dạ dày lợn tập kết tại kho lạnh ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Cục Quản lý thị trường Hà Nội.

Hơn 6 tấn thực phẩm đủ mọi chủng loại như chân gà, tim lợn, nầm lợn, dạ dày lợn tập kết tại kho lạnh ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Cục Quản lý thị trường Hà Nội.

Vì thế, để bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp cuối năm cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giám sát việc thực hiện điều kiện cơ sở, kiến thức sức khỏe của người dân trực tiếp chế biến thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến, vận chuyển, bảo quản, kinh doanh sử dụng thực phẩm và phụ gia thực phẩm.

Để tồn tại những vấn đề nói trên, một trong những nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chưa cao do sự nhận thức yếu kém, chạy theo lợi nhuận và cố tình vi phạm của một số tổ chức, cá nhân, làm ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng.

Chính vì vậy để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm Trung ương chọn chủ đề Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020 là “Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm”.

Vẫn còn nhiều kẻ vô lương tâm bán thực phẩm bẩn

Ngày 8/5/2020, Đội Quản lý thị trường số 17 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Đội 4 Phòng Cảnh sát môi trường (PC05) - Công an Thành phố Hà Nội, tiến hành kiểm tra kho lạnh của Công ty TNHH kinh doanh thực phẩm Tiến Phát, có địa chỉ tại 119 Phố Viên, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, phát hiện 10 tấn hàng đông lạnh.

Trong đó có hơn 6 tấn là không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng với thực phẩm đủ mọi chủng loại, bao gồm chân gà, tim lợn, nầm lợn, dạ dầy lợn… đều được bảo quản trong tình trạng mất vệ sinh, thậm chí nhiều chân gà đã ngả sang màu đen.

Làm việc với cơ quan chức năng chủ cơ sở khai nhận, toàn bộ số hàng hóa được nhập lậu từ nước ngoài về với mục đích để bán kiếm lời.

Ngày 2/6/2020, tổ công tác của Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Đống Đa phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện một xe ô tô đang dừng đỗ tại đầu ngõ 168 phố Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, có dấu hiệu khả nghi.

Qua kiểm tra trên xe đã phát hiện hàng chục thùng xốp được đóng gói, niêm phong, nhiều khả năng bên trong chứa hàng thực phẩm đông lạnh.

Tài xế điều khiển phương tiện là Nguyễn Văn Khải (sinh năm 1987, trú tại xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, Hà Nội) trình bày, toàn bộ số hàng hóa trên xe là nầm lợn đông lạnh. Tài xế này không xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của lô hàng.

Ngày 21/8/2020, Đội Quản lý thị trường số 17 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an thành phố Hà Nội) kiểm tra kho hàng tại phường Tứ Liên (quận Tây Hồ), phát hiện lượng lớn thực phẩm bẩn.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hơn 1,4 tấn nầm, vịt hun khói, ba chỉ bò, cánh gà đông lạnh… đã bốc mùi, không rõ nguồn gốc, đang được các đối tượng đóng gói chuẩn bị mang đi tiêu thụ.

Toàn bộ số hàng này không có hóa đơn chứng từ, giấy đăng ký kiểm dịch, được các đối tượng đưa vào tiêu thụ tại các nhà hàng và đưa về các tỉnh lân cận.

Ông Lê Mạnh Thắng, Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 17 cho biết, năm 2019, cơ sở này cũng đã bị bắt quả tang khi đang đóng gói hơn một tấn thịt vịt, tràng, trứng… chuẩn bị đưa vào các nhà hàng.

Rất nhiều vụ thực phẩm bẩn đã được các cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ trong thời gian gần đây. Ảnh: Cục Quản lý thị trường Hà Nội.

Rất nhiều vụ thực phẩm bẩn đã được các cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ trong thời gian gần đây. Ảnh: Cục Quản lý thị trường Hà Nội.

Ngày 13/8/2020, Đội Quản lý thị trường số 6 (Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh) đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông Công an Hà Tĩnh bắt giữ xe ô tô tải mang biển kiểm soát 34C - 09538 chở một lượng lớn ruốc bông không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe chở 22 bao tải thực phẩm, cụ thể là chà bông gà tương đương với 1,1 tấn. Theo lời khai của lái xe, số chà bông gà trên được một người ở thành phố Hồ Chí Minh thuê vận chuyển ra Hà Nội để tiêu thụ.

Tài xế Vũ Văn Diện (sinh năm 1991, trú tại tỉnh Hải Dương) điều khiển chiếc xe trên không cung cấp được hóa đơn chứng từ của lô hàng hóa, hàng hóa không có nhãn mác không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó, vào khoảng 9h30 ngày 11/8/2020, tại thôn Nam Tiến, xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh), Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng xã Kỳ Bắc, phát hiện tại hộ kinh doanh chị Lê Thị Lan (SN 1973, trú tại xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh) đang tập kết 148 kg sản phẩm động vật gồm chân gà và gà thịt đã giết mổ.

Số gà này không rõ nguồn gốc xuất xứ, đã biến đổi màu sắc, không đảm bảo vệ sinh thú y, không đủ điều kiện làm thực phẩm. Qua đấu tranh, chị Lan khai nhận, số gà trên được mua ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Bình, sau đó đưa bán cho tiểu thương ở các chợ trên địa bàn.

Ngày 6/5/2020, Phòng Cảnh sát môi trường Công an Hà Tĩnh phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông và Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ 8 tạ thực phẩm bẩn vận chuyển trên xe khách có biển kiểm soát 17B-01869 di chuyển trên Quốc lộ 1A theo hướng Nam - Bắc qua địa bàn thị trấn Cẩm Xuyên.

Qua kiểm tra, phát hiện xe khách này vận chuyển 9 thùng xốp chứa 8 tạ cá thể chó đã được ướp đá lạnh và nội tạng động vật bốc mùi hôi thối.

Tại thời điểm kiểm tra, tài xế Nguyễn Anh Trịnh (sinh năm 1976, trú tại Nam Trung, Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) và phụ xe không xuất trình được bất kỳ giấy tờ hợp pháp nào liên quan.

Tối 18/9/2020, trên quốc lộ 2C thuộc địa phận xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương, phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Tuyên Quang đã phát hiện và phối hợp với phòng Cảnh sát giao thông công an tỉnh, đội quản lý thị trường số 3, Chi cục chăn nuôi - thú y tỉnh Tuyên Quang, kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 99C-044.79 do Vũ Văn Bốn, trú tại xã Hợp Lý, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc điều khiển.

Qua kiểm tra phát hiện trên xe vận chuyển 501kg thịt lợn đã bốc mùi hôi thối và 10 con lợn sống. Lái xe kiêm chủ sở hữu số hàng trên khai nhận đang vận chuyển số lợn và thịt lợn trên về huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc để tiêu thụ.

Thông tin trên Thông tấn xã Việt Nam, kết quả xét nghiệm ngày 19/9 của trung tâm Chuẩn đoán thú y Trung ương cho thấy, tất cả số lợn và thịt lợn này đều có phản ứng dương tính với virus tả lợn châu Phi.

Rạng sáng 3/9/2020, đội Quản lý thị trường số 17 thuộc cục Quản lý thị trường đã phối hợp với đội 4 phòng Cảnh sát môi trường Công an thành phố Hà Nội kiểm tra địa điểm tập kết nguyên liệu trà sữa tại địa chỉ: xóm 4, Yên Bài, Tự Lập, Mê Linh, Hà Nội do ông Lỗ Văn Nam, sinh năm 1989, hộ khẩu thường trú: Yên Bài, Mê Linh, Hà Nội làm chủ.

Tại đây trong kho hàng xập xệ, ẩm ướt tại huyện Mê Linh, Thành phố Hà Nội, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ gần 10 tấn hàng do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc bao gồm 5.000 sản phẩm nguyên liệu làm trà sữa gồm bột trà sữa, siro hương trái cây…

Đại điện lãnh đạo đội 4, phòng Cảnh sát Môi trường cho biết: "Kho hàng là điểm tập kết các nguyên liệu chế biến thực phẩm nhưng rất bẩn, mùi ẩm mốc bốc lên rất khó chịu".

Các sản phẩm đều có nhãn mác ngước ngoài. Ảnh: Cục Quản lý thị trường Hà Nội.

Các sản phẩm đều có nhãn mác ngước ngoài. Ảnh: Cục Quản lý thị trường Hà Nội.

Đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền loại bỏ thực phẩm bẩn

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế): Để góp phần ngăn chặn và làm giảm nguy cơ nguồn thực phẩm bẩn được đưa vào thị trường, Cục sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ mình trong an toàn thực phẩm.

Đặc biệt là quyền khiếu nại, trách nhiệm khai báo, tố giác các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Hướng dẫn cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn. Hướng dẫn đọc nhãn mác sản phẩm thực phẩm.

Tuyên truyền để người tiêu dùng có thói quen từ chối các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm; Không tiêu thụ những thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn hoặc có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; khai báo khi bị ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu rõ tác hại của sử dụng rượu, đặc biệt là rượu pha bằng hóa chất, cồn công nghiệp, rượu có chứa hàm lượng methanol cao. Kịp thời công khai tên, địa chỉ các cơ sở, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm; thông tin danh sách, địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Tùng Dương