Cô giáo vào ‘biệt đội’ truy vết và câu chuyện không cầm được nước mắt của F0

01/09/2021 06:15
Hữu Đức
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cô giáo Trần Thị Thư cho biết, những ngày đầu tiên tham gia truy vết, cô không thể kiềm lòng khi chứng kiến nhiều hoàn cảnh thương tâm.

Mới ra trường và nhận nhiệm vụ được vài tháng thì đợt dịch thứ tư (27/4) bùng phát, cô Trần Thị Thư, Tổng phụ trách Đội Trường trung học cơ sở Bình Đa (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) lập tức xung phong tham gia tình nguyện hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 ở địa phương.

Nhờ xông xáo nên cô Thư được Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Biên Hòa cử đi tập huấn công tác phòng chống dịch do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai tổ chức.

Sau khi tập huấn, ngày 14/7, cô Thư được Ủy ban nhân dân Thành phố Biên Hòa trưng tập vào Đội truy vết số 1. Đây là đội truy vết đầu tiên được thành lập ở tỉnh Đồng Nai với nhiệm vụ thần tốc xác định F0, bóc tách bệnh nhân Covid-19 ra khỏi cộng đồng, đồng thời truy vết các trường hợp F1 và F2 để có biện pháp ngăn chặn lây lan.

Đội truy vết số 1 đang test nhanh tại khu vực cách ly phường Tân Phong (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: Hữu Đức

Đội truy vết số 1 đang test nhanh tại khu vực cách ly phường Tân Phong (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: Hữu Đức

Đội truy vết số 1 gồm 12 thành viên, trong đó có 3 thành viên nữ gồm cô giáo Thư và 2 nhân viên y tế của trường tiểu học Nguyễn An Ninh và tiểu học Long Hưng.

Là thành viên nữ, lại không có chuyên môn về ngành y tế, cô giáo Thư không ngừng học hỏi kiến thức từ y bác sĩ và anh chị có chuyên môn trong đội.

Lúc đầu tham gia đội, cô Thư được ưu tiên ở nhà nhập liệu, còn các anh, chị giáo viên khác theo bác sĩ đi truy vết. Tuy nhiên, cô giáo trẻ vẫn năn nỉ xin theo với mong muốn san sẻ gánh nặng công việc cùng đồng đội.

3 thành viên nữ Đội truy vết số 1 tại khu phong tỏa phường Tân Hạnh (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: Nhân vật cung cấp

3 thành viên nữ Đội truy vết số 1 tại khu phong tỏa phường Tân Hạnh (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Lần đầu tiên xuất quân đi test nhanh ở ổ dịch phường Tân Hạnh, thành phố Biên Hòa, phát hiện kết quả gia đình 5 người đều dương tính với virus SARS-CoV-2, lúc đó em rất bối rối, vì nghĩ bản thân mình lỡ có mắc bệnh không sao, chỉ sợ về nhà lây cho bố mẹ. Hơn nữa, sợ mình sẽ tính vào diện F1, phải cách ly. Quan trọng hơn là em mới tham gia tuyến đầu chống dịch, chưa làm được gì mà phải đi cách ly, tiếc lắm!”, cô giáo Thư nói.

Nếu như lúc đầu cô Thư chỉ làm công việc rất đơn giản là ghi thông tin thì giờ đây cô đã thuần thục các công đoạn từ lấy mẫu dịch mũi, nhúng mẫu, bóp dịch đến đổ mẫu.

Theo cô Thư, công việc không quá khó, có điều phải cẩn trọng tuyệt đối. Ở công đoạn lấy dịch mũi, người được lấy dịch hay xảy ra tình trạng khó chịu và hắt xì, gây ra giọt bắn rất nguy hiểm.

Khi bóp dịch, đây là công việc nguy hiểm hơn, nếu không cẩn thận thì rất dễ gây ra giọt bắn. Còn lúc nhỏ mẫu, do hơi thở nên kính chắn giọt bắn hơi mờ, khó quan sát, nhưng phải cố gắng nhìn, tránh trường hợp cúi sát mặt vào mẫu gây nguy hiểm.

“Kiềm chế cảm xúc, giữ vững tâm lý bình tĩnh trước F0 là một yêu cầu bắt buộc đối với tất cả thành viên đội truy vết, và đây cũng là yêu cầu khó nhất đối với cô giáo trẻ như em vốn dĩ rất giàu cảm xúc”, nữ giáo viên trẻ nói, đồng thời cho biết, nhất là những ngày đầu tiên tham gia truy vết, không thể kiềm lòng khi chứng kiến nhiều hoàn cảnh thương tâm.

“Có trường hợp, gia đình gồm 5 người, có đến 4 người dương tính, còn lại 1 bé 10 tuổi âm tính. Bi đát hơn, đó là trường hợp một bà mẹ đơn thân - đang nuôi 2 con nhỏ gồm một bé 3 tuổi và một bé 7 tuổi - bị mắc COVID-19 phải đưa đi cách ly tập trung, bỏ lại hai đứa nhóc ở nhà. Nhìn cảnh này, em không cầm được nước mắt.

Chưa hết, một trường hợp khác, cả ba và mẹ dương tính, gửi 2 đứa con cho em dâu trông coi, sau đó đứa bé lây cho cả nhà của người em dâu. Bữa chiều hôm đó, em thấy trong lòng buồn nản, nuốt cơm không vào luôn”, cô Thư kể lại.

Cô giáo Trần Thị Thư (mặc bảo hộ màu trắng) cùng với đồng đội ăn vội bữa trưa để tiếp tục nhiệm vụ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô giáo Trần Thị Thư (mặc bảo hộ màu trắng) cùng với đồng đội ăn vội bữa trưa để tiếp tục nhiệm vụ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Mặc dù hay mềm lòng nhưng cô giáo Thư có nghị lực và tinh thần quyết tâm rất cao trong nhiệm vụ truy vết F0”, thầy Trần Vĩnh Phúc - Tổng phụ trách đội Trường tiểu học Nguyễn An Ninh, đồng đội cô giáo Thư trong đội truy vết số 1 - nhận định và cho biết, đội truy vết số 1 làm việc với tốc độ ‘thần tốc’, bất kể giờ giấc.

Bình quân mỗi ngày, đội phải vào vùng dịch lấy mẫu khoảng 300 trường hợp, cao điểm lên đến 800 mẫu. Ngày thường, đội phải làm việc đến 11 hoặc 12 giờ đêm mới về, có hôm 1- 2 giờ sáng, thậm chí thức trắng đêm.

Đối với một cô giáo mới ra trường như cô Thư, có thể "bám trụ" đội hình đến thời điểm này là điều mà thầy Phúc cho rằng rất đáng nể phục.

Cô giáo Trần Thị Thư - Đội truy vết dịch Covid-19 số 1 (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: NVCC

Cô giáo Trần Thị Thư - Đội truy vết dịch Covid-19 số 1 (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: NVCC

Theo ông Võ Văn Minh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Biên Hòa cho biết, đội truy vết số 1 là đội đầu tiên thành lập với các thành viên rất năng nổ, nhiệt tình.

Từ giữa tháng 7 đến nay, đội đã đóng góp không nhỏ cho công tác chống dịch trên địa bàn thành phố Biên Hòa và được ngành y tế ghi nhận. Đặc biệt, đội có 3 thành viên là nữ, trong đó cô Thư trẻ nhất và rất xông xáo.

Hiện nay, Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa đã trưng tập thêm 2 đội truy vết, nâng tổng số đội truy vết lên 3 đội với 562 giáo viên trên địa bàn thành phố Biên Hòa tham gia.

Tính tới thời điểm này, toàn ngành giáo dục thành phố Biên Hòa có 1025 viên chức, nhân viên tham gia hỗ trợ chống dịch, chung tay đẩy lùi dịch bệnh với tinh thần quyết tâm cao nhất.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Hữu Đức