Chuẩn bị thông tuyến bảo hiểm y tế năm 2021

24/11/2020 18:19
Phúc Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Thông tuyến Bảo hiểm y tế phải đi cùng với tăng cường chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, nâng cao năng lực cho nhân viên y tế.

Ngày 24/11, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam họp về chuẩn bị thông tuyến Bảo hiểm y tế năm 2021 dưới sự chủ trì của Giáo sư Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế.

Theo quy định tại khoản 6 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế, từ ngày 1/1/2021 sẽ thực hiện chính sách thông tuyến tính trong điều trị nội trú đối với Khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế.

Theo đó, người có thẻ Bảo hiểm y tế tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc được quỹ Bảo hiểm y tế chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng (như đúng tuyến).

Thông tuyến bảo hiểm y tế tạo thêm nhiều thuận lợi cho người dân.

Thông tuyến bảo hiểm y tế tạo thêm nhiều thuận lợi cho người dân.

Theo báo cáo của ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh: Thực tế, rất nhiều trường hợp đã vượt tuyến Bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh khiến bệnh viện tuyến tỉnh phải bù tới 40% chi phí. Do đó, các bệnh viện phải tăng cường việc điều trị cho bệnh nhân, không để bệnh nhân từ bệnh viện tuyến dưới vượt lên tuyến trên để điều trị, gây ra tình trạng quá tải.

Tại cuộc họp, ông Lê Văn Phúc - Trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế Việt Nam nhận định: Một trong những hệ lụy khi thông tuyến Bảo hiểm y tế ở tuyến tỉnh vào năm 2021 là việc các bệnh viện sẽ phải đối mặt với tình trạng quá tải khi bệnh nhân điều trị nội trú gia tăng.

Khi thông tuyến Bảo hiểm y tế tuyến tỉnh, chi phí y tế cũng gia tăng tạo ra áp lực lớn lên quỹ Bảo hiểm y tế. Dự kiến, quỹ dự phòng Bảo hiểm y tế chỉ đáp ứng chi trả đến năm 2021.

Đối với phương thức thanh toán cho người dân khi thông tuyến Bảo hiểm y tế, ông Lê Văn Phúc cho biết, hiện nay phương thức thanh toán Bảo hiểm y tế theo định suất và nhóm chẩn đoán liên quan (DRG) vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế, khi thanh toán bằng DRG, tổng ngân sách cho hoạt động khám, chữa bệnh ở bệnh viện sẽ được khống chế. Vì vậy, cần đẩy mạnh phương thức thanh toán này.

Ngoài các giải pháp để khống chế dòng bệnh nhân, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cần chung tay, truyền thông, nâng cao nhận thức bệnh nhân trong việc khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến dưới. Giúp bệnh nhân hiểu rằng các bệnh viện tuyến tỉnh, địa phương sẽ được điều chỉnh dần dần nâng cao chất lượng. Đi kèm với đó, bản thân lãnh đạo và đội ngũ y bác sĩ bệnh viện tuyến dưới cũng phải không ngừng nâng cao nhân lực, vật lực. Để có đón tiếp, điều trị bệnh nhân một cách tốt nhất.

Để thực hiện thông tuyến Bảo hiểm y tế có hiệu quả, Giám đốc các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh các tuyến phải chủ động kiểm tra và triển khai các chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí.

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện phải có kế hoạch kiểm tra, chấn chỉnh công tác tổ chức khám bệnh, xây dựng và thực hiện đúng quy trình khám, chữa bệnh theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế, giám sát chặt chẽ việc chỉ định điều trị nội trú; xây dựng và trình cấp có thẩm quyền quyết định số lượng giường nội trú phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, khả năng cung ứng dịch vụ của cơ sở; nâng cao chất lượng khám bệnh, bố trí đủ nhân lực, đảm bảo chất lượng trong khám, tư vấm, chỉ định điều trị nội trú; tổ chức thực hiện nghiêm túc việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý và giám định, thanh toán chi phí theo đúng quy định của Chính phủ và Bộ Y tế; có kế hoạch phối hợp và chủ động phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh khác, bao gồm cả cơ sở tuyến huyện để điều chuyển bệnh nhân khi quá tải.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Giáo sư Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị phải thúc đẩy quá trình thông tuyến Bảo hiểm y tế. Thông tuyến phải đi cùng với việc tăng cường chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, nâng cao năng lực cho nhân viên y tế, đồng thời giao nhiệm vụ cho các đơn vị như sau:

Cục Quản lý Khám chữa bệnh sớm xây dựng, trình ban hành quy định về cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh; quy định số lượng giường bệnh của cơ sở khám, chữa bệnh phù hợp với nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất; quy định về quy trình khám, chữa bệnh trên tuyến tỉnh phải đặt lịch hẹn trước, trên cơ sở này, Sở Y tế sẽ quyết định số lượng giường của từng cơ sở trên địa bàn.

Vụ Kế hoạch Tài chính đánh giá về phương thức thanh toán theo định xuất theo nhóm chẩn đoán liên quan (DRG) để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về nội dung này.

Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng phải xây dựng kế hoạch và chủ động tuyên truyền đến người lao động tại cơ sở khám, chữa bệnh, cơ quan Bảo hiểm xã hội và người tham gia Bảo hiểm y tế hiểu về ý nghĩa của chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh, trách nhiệm tổ chức thực hiện, trách nhiệm thực thi các quy định của pháp luật về Bảo hiểm y tế.

Thanh tra Bộ Y tế sẽ xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc, cơ quan Bảo hiểm xã hội trong việc thực hiện các quy định về khám, chữa bệnh, về quản lý, sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế.

Phúc Linh