Chính phủ yêu cầu tiếp tục siết chặt quản lý an toàn thực phẩm

11/12/2020 21:05
Theo chinhphu.vn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thời gian tới tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm phải áp dụng truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý...

Đây là những nội dung được các thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm (ATTP) thảo luận, thống nhất, tại cuộc họp về công tác an toàn thực phẩm năm 2020 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, chiều 11/12, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP.

Áp dụng tối đa tiêu chuẩn quốc tế

Tính đến tháng 11/2020, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành 55 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; xây dựng, chuyển Bộ KH&CN công bố được 51 TCVN, với quan điểm chuyển dịch toàn bộ mức giới hạn các chất ô nhiễm trong thực phẩm của quốc tế áp dụng ở Việt Nam.

Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tổ chức triển khai nội dung đề án chương trình về sản xuất nông nghiệp sạch hữu cơ, phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.

Đến nay, cả nước đã có 430.000 ha cây trồng được chứng nhận VietGAP và tương đương (tăng gấp 11 lần so với năm 2019) với 6.045 doanh nghiệp được chứng nhận (tăng 3,1 lần), 664 cơ sở nuôi thủy sản với diện tích với diện tích nuôi trồng 15.833 ha được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương (tăng gấp 3 lần).

Hội Nông dân xây dựng được 4.070 mô hình bảo đảm ATTP tại các địa phương, nhiều mô hình trồng trọt chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy hải sản đã đạt tiêu chuẩn VietGAP. Các mô hình theo chuỗi giá trị bảo đảm về chất lượng ATTP được người tiêu dùng đánh giá cao.

Một số địa phương tiếp tục triển khai mô hình thí điểm Ban Quản lý ATTP, lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP, thực hiện các chuyên đề kiểm tra giám sát dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, nâng cao ý thức tự quản lý ATTP bếp ăn tập thể tại trường học, khu công nghiệp, bữa ăn có tập trung đông người, mô hình cảnh báo nhanh về ATTP, nhận diện truy xuất nguồn gốc thực phẩm, vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn.

Qua thảo luận, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng công tác bảo đảm ATTP đã bước sang giai đoạn mới khi những năm vừa qua chúng ta đã phát triển mạnh mẽ các mô hình, phương thức sản xuất, nuôi trồng nông sản, thực phẩm sạch theo VietGAP, nông sản hữu cơ, an toàn theo chuỗi,… Các doanh nghiệp đầu tư vào nuôi trồng, chế biến, sản xuất nông sản, thực phẩm ở quy mô công nghiệp theo các quy trình được quy chuẩn hóa, tiêu chuẩn hóa. Nhiều loại nông sản, thực phẩm tiêu thụ trong nước có chất lượng, độ an toàn như hàng xuất khẩu.

Ban Chỉ đạo thống nhất kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các chỉ đạo, cơ chế chính sách nhằm hướng tới mục tiêu từ năm 2021, tất các loại nông sản, thực phẩm tiêu thụ trong nước đạt tiêu chuẩn ngang với thực phẩm xuất khẩu, không có sự phân biệt.

Trong 5 năm tới, về cơ bản các loại nông sản, thực phẩm lưu hành trên thị trường, tiêu thụ qua các kênh phân phối chính thức phải truy xuất được nguồn gốc.

Ban Chỉ đạo cũng giao Bộ KH&CN phối hợp với các bộ ngành tăng cường hỗ trợ để các nông sản, thực phẩm có uy tín của Việt Nam có chỉ dẫn địa lý rõ ràng cho thị trường quốc tế và trong nước.

Tập trung cụ thể, hạn chế dàn trải

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 công tác triển khai các hoạt động về thanh tra kiểm tra đã giảm thiểu nhưng vẫn được triển khai đồng bộ quyết liệt từ Trung ương đến địa phương. Hầu hết các trường hợp vi phạm được phát hiện xử lý bằng nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo đúng pháp luật, công khai kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân có thông tin để lựa chọn thực phẩm an toàn.

Trong năm 2020, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành tăng cường quản lý quảng cáo về ATTP, thực phẩm chức năng, trong đó tập trung xử lý các doanh nghiệp có sản phẩm vi phạm, các trang mạng, tổ chức cá nhân phát hành quảng cáo không đúng quy định.

Toàn ngành y tế để kiểm tra 406.278 cơ sở, phát hiện 58.317 cơ sở vi phạm về ATTP, xử lý 10.077 cơ sở với tổng số tiền phạt là 48,6 tỷ đồng.

Ngành nông nghiệp đã kiểm tra 40.036 cơ sở, xử phạt hành chính 2.737 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp ATTP nông lâm thủy sản với số tiền phạt là 19,1 tỷ đồng.

Đến tháng 10/2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thanh tra kiểm tra 12.240 vụ, xử lý 7.158 vụ việc vi phạm về ATTP, xử phạt hành chính 27,9 tỷ đồng và thu giữ số hàng hoá trị giá hơn 28,5 tỷ đồng.

Lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện 8.529 vụ/8.548 đối tượng vi phạm về pháp luật ATTP, xử lý hành chính 7.659 vụ/7.189 cá nhân, tổ chức với số tiền xử phạt là 52,6 tỷ đồng, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố 7 vụ/8 bị can về tội vi phạm các quy định về ATTP.

Các đoàn liên ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố đã kiểm nghiệm 9.856 mẫu thực phẩm, số mẫu không đạt là 1.184 mẫu chiếm 12%; xét nghiệm nhanh 267.991 mẫu thực phẩm có 16.012 mẫu không đạt chiếm tỉ lệ 6%.

Tỉ lệ phần trăm mẫu không đạt trên tổng số một kiểm nghiệm đã giảm so với năm 2019. Kết quả kiểm nghiệm mẫu trong quá trình thanh tra, kiểm tra đã góp phần vào việc ngăn chặn thực phẩm không an toàn lưu hành, đánh giá được nguy cơ mất an toàn, triển khai thanh tra dựa trên nguy cơ, đạt hiệu quả cảnh báo sớm đến đối tượng sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm mà người tiêu dùng.

Các đại biểu đánh giá, trong năm 2020, công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai theo hướng tập trung vào những vụ việc cụ thể, hạn chế dàn trải. Từ Trung ương đến địa phương có sự vào cuộc của các cấp các ngành chức năng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những vụ việc vi phạm với nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo đúng pháp luật công khai kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng lúc người dân có thông tin để lựa chọn thực phẩm an toàn. Nhiều vấn đề nóng như sử dụng kháng sinh hóa chất trong sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm cơ bản được xử lý.

Ngộ độc thực phẩm tăng mạnh

Tính đến hết tháng 11/2020, toàn quốc ghi nhận 121 vụ ngộ độc thực phẩm/2.616 người mắc, 30 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2019 tăng 39 vụ, 566 người mắc và tăng 21 người tử vong. Đặc biệt số vụ ngộ độc thực phẩm độc hại ở khu công nghiệp, trường học, đám cưới, đám giỗ vào và tại gia đình tăng. Số tử vong do ngộ độc rượu có Metanol cũng tăng.

Các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng cần tập trung làm rõ nguyên nhân và có giải pháp trước việc gia tăng mạnh các vụ độc thực phẩm, số người tử vong, nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm đặc biệt ở bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học.

Việc kinh doanh trực tuyến quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc dư luận xã hội.

Việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa đạt hiệu quả cao trong xử lý vi phạm quảng cáo trên các trang mạng xã hội. Công tác tiêu hủy hàng hóa không đảm bảo ATTP còn gặp nhiều khó khăn dễ gây ô nhiễm môi trường do không có địa điểm để tiêu hủy, thiếu cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ công tác tiêu huỷ hàng hóa.

Trong năm 2021, Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế quản lý ATTP, đánh giá, tổng kết, nhất là mô hình ban quản lý ATTP. Nghiên cứu đề xuất xây dựng lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP thống nhất, tinh gọn, hiệu quả để đáp ứng cơ chế quản lý tăng cường hậu kiểm.

Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất thực phẩm an toàn tập trung vào các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị gắn với công nghệ cao ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh hưởng tới áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn như thực phẩm xuất khẩu đối với người tiêu dùng trong nước, trước hết là tại các đô thị lớn.

Các lực lượng công an, quản lý thị trường tiếp tục kiểm tra giám sát ngăn chặn thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu nhất là tại các địa bàn tuyến trọng điểm. Tăng cường kết nối chia sẻ thông tin về ATTP từ Trung ương đến địa phương, tạo công cụ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phục vụ cộng đồng trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Tăng cường quản lý và kiểm soát về môi trường tại các khu vực sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ thực phẩm, đặc biệt tập trung vào khu vực sản xuất nông nghiệp, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và môi trường nông thôn.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 nên nhu cầu, phương thức mua sắm của người dân vào dịp lễ tết cuối năm có những thay đổi nên các bộ ngành thành viên Ban Chỉ đạo cần sớm vào cuộc, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra, bảo đảm chất lượng, an toàn các mặt hàng thực phẩm, đồ uống…

Bộ Y tế khẩn trương hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống thông tin báo cáo về ATTP, đối với 6 nhóm ngành hàng thuộc phạm vi quản lý, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đưa vào vận hành toàn bộ hệ thống sớm nhất có thể

Theo chinhphu.vn