"Chẩn" bệnh qua... mái tóc

03/03/2014 07:47
Bình An (Tổng hợp)
(GDVN) - Mái tóc cũng phản ánh trạng thái sức khỏe của con người. Quan sát sự thay đổi ở tóc bạn có thể biết được tình hình sức khỏe hiện tại của mình.

1. Xuất hiện tóc bạc sớm

Trong những năm gần đây các nhà khoa học tin rằng stress có thể kích hoạt một phản ứng dây chuyền gây trở ngại và khiến cho nang lông gặp khó khăn trong việc truyền dẫn chất melanin, sắc tố màu tóc.

Các nhà nghiên cứu cũng đang xem xét vai trò của các gốc tự do (được cơ thể sản xuất khi chúng ta bị căng thẳng) đối với việc tóc bạc sớm. Và một số kết quả nghiên cứu đã chứng minh rằng các gốc tự do có thể ngăn các các nang  tóc hấp thụ sắc tố melanin. Điều này có nghĩa là tóc bạc là một dấu hiệu chứng tỏ tình trạng lão hóa sớm.

2. Tóc rụng nhiều

Bình thường chúng ta sẽ rụng khoảng 100- 150 sợi tóc mỗi ngày, đó là kết quả của quá trình thay tế bào già cỗi  bằng các tế bào mới của cơ thể.

Tuy nhiên, khi bạn nhận thấy lượng rụng tóc khi bạn gội đầu, chải tóc bỗng tăng đáng kể thì đó là lúc cần phải lo lắng. Một nguyên nhân phổ biến khiến tóc đột nhiên rụng nhiều là căng thẳng tâm lý hoặc suy nhược thể chất như ly hôn, bị mất việc…
Một số bệnh lý khác như sốt cao do bệnh cúm hoặc nhiễm trùng cũng làm tóc rụng nhiều hơn. Bên cạnh bệnh lý thì cũng có những loại thuốc có tác dụng phụ cũng gây ra rụng tóc bao gồm thuốc tránh thai, các thuốc chống trầm. Thay đổi nội tiết tố cũng có thể gây ra rụng tóc.

3. Da đầu có gàu

Gàu có thể khiến cho bạn vô cùng lúng túng và nó chắc chắn là một trở ngại cho mặc một chiếc váy đen khi dự tiệc. Ngoài việc sử dụng quá nhiều sản phẩm làm đẹp và tạo kiểu cho tóc, những mảng gàu màu trắng cũng có thể là kết quả của sự căng thẳng và lo lắng.
Để giải quyết vấn đề về gàu, ngoài việc dùng dầu gội phù hợp bạn cũng có thể thử thêm nhiều cá hơn trong các bữa ăn để cung cấp đủ axit béo omega-3 cho cơ thể. Chất béo lành mạnh này không chỉ giúp giữ cho làn da và mái tóc mềm mại, mà còn đẩy lùi triệu chứng của bệnh trầm cảm.

4. Tóc mỏng và khô ráp

Có nhiều yếu tố có thể dẫn đến tóc quá khô, bao gồm sử dụng thuốc nhuộm tóc, các loại thuốc uốn,duỗi, keo giữ nếp tóc, máy sấy tóc… Nhưng một sự thay đổi đáng kể trong kết cấu tóc khiến cho tóc mỏng hơn cũng có thể là một cảnh báo cho thấy  tuyến giáp của bạn đang có vấn đề, thường thì đó là bệnh suy giáp. 
Một số người cứ nghĩ rằng tóc của họ đang thưa dần đi vì khi họ cầm tóc, họ cảm thấy như tóc ít hơn. Thế nhưng, các chuyên gia về  tóc cho biết, tóc mỏng đi không  phải do rụng tóc khiến số lượng tóc ít hơn màdo kết cấu của tóc mình trở nên mỏng manh và yếu hơn.
Các dấu hiệu khác của suy giáp bao gồm mệt mỏi, tăng cân, nhịp tim chậm và thường cảm thấy lạnh dù nhiệt độ chỉ ở mức bình thường.

5. Tóc giòn và dễ gãy

Khi tóc của bạn thô ráp và thường đứt gẫy giữa thân tóc khi bạn chải đầu hoặc sau một đêm ngủ dậy có nghĩa là tóc của bạn đang cần được quan tâm đặc biệt.
Tóc giòn, thô ráp và dễ đứt gẫy thường là kết quả của việc sử dụng hóa chất lên tóc. Tất cả các phương thức tạo kiểu như nhuộm, uốn, duỗi, tạo kiểu… đều làm hỏng lớp biểu bì của tóc khiến cho các sợi tóc trở nên yếu và mỏng manh hơn.

6. Tóc rụng thành từng cụm nhỏ 

Phản ứng miễn nhiễm của cơ thể làm ảnh hưởng tới các nang tóc, khiến nó teo lại và tóc rụng thành từng cụm nhỏ. Các chuyên gia gọi kiểu tóc rụng tóc nay là rụng tóc mảng. Bệnh rụng tóc mảng có thể gây rụng lông mày hoặc lông mi – một triệu chứng phân biệt bệnh này với các kiểu rụng tóc khác. 

Bệnh tiểu dường cũng có thể gây ra kiểu rụng tóc này ở một số người. Trong những ca bệnh nặng, bệnh nhân có thể rụng hết tóc trên đầu hoặc thậm chí là rụng hết lông trên người. 

7. Tóc hoa râm 

Các chuyên gia cho rằng tóc chuyển hoa râm hay bạc chủ yếu là do di truyền. Tuy nhiên, có nhà nghiên cứu đồng ý với quan điểm căng thẳng cũng gây ra hiện tượng tóc hoa râm. Căng thẳng có thể kích hoạt phản ứng dây chuyền làm xáo trộn việc chuyển tải sắc tố melanin - sắc tố quyết định màu tự nhiên của tóc. Sau khi nghiên cứu vai trò của các hormone được sản xuất khi chúng ta bị stress, các nhà khoa học phát hiện các hormone này có thể ức chế tín hiệu ra lệnh cho nang tóc hấp thu sắc tố melanin. 

8. Bị hói, sau đó thường xuyên rụng tóc cả đầu 

Cả phụ nữ lẫn nam giới đều có thể bị rụng tóc do androgen. Nguyên nhân gây ra bệnh thường là sự thay đổi hormone giới tính. Ở phụ nữ, một dẫn xuất của testosterone thường là “thủ phạm” làm co rút và cuối cùng giết chết nang tóc. “Kiểu rụng tóc này thường di truyền và sẽ duy trì vĩnh viễn nếu không được điều trị bằng thuốc”, Larry Sahpiro - chuyên gia cấy ghép tóc cho biết./.

Bình An (Tổng hợp)