Cảnh báo dịch bệnh tay chân miệng vào mùa gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ

07/04/2021 12:49
Thu Giang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tính đến thời điểm hiện tại, các bệnh viện đã ghi nhận có nhiều ca bệnh nhi nhiễm tay chân miệng. Đặc thù, có nhiều trường hợp nguy kịch do bội nhiễm, biến chứng.

Cung cấp thông tin trên Báo Người lao động, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viên Nhi Đồng Thành Phố (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, từ giữa tháng 3 vừa qua, số ca tay chân miệng bắt đầu có xu hướng tăng nhanh hơn.

Hiện nay, số ca nhập viện ở Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố luôn ở mức khá cao: khoảng 30-40 ca/ngày. Có khá nhiều ca nhẹ được cho điều trị ngoại trú.

Bên cạnh đó, có một số bé bị bệnh rất nặng. Tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của bệnh viện này đang có 2 ca thở máy, trước đó còn có 1 ca phải lọc máu; tại Khoa Nhiễm cũng có 2 ca phải thở máy.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cũng cảnh báo bệnh tay chân miệng đang gia tăng rất nhanh.

Có 21/24 quận, huyện, thành phố trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh số ca tăng ở mức báo động, đặc biệt là quận 1, 4, 5, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp, huyện Bình Chánh, Củ Chi và khu vực II-III của thành phố Thủ Đức.

Tại Bình Định, đã ghi nhận có trường hợp một bệnh nhi (19 tháng tuổi) tử vong với chẩn đoán tay chân miệng độ 4, bội nhiễm, biến chứng suy hô hấp.

Bệnh tay chân miệng do các loại vi rút thuộc họ vi rút đường tiêu hóa (gọi chung là Enterovirus) gây ra. (Ảnh: Nhandan.com.vn)
Bệnh tay chân miệng do các loại vi rút thuộc họ vi rút đường tiêu hóa (gọi chung là Enterovirus) gây ra. (Ảnh: Nhandan.com.vn)

Bệnh tay chân miệng do các loại vi rút thuộc họ vi rút đường tiêu hóa (gọi chung là Enterovirus) gây ra. Thường gặp nhất là vi rút Coxsackie A16, còn vi rút enterovirus 71 (EV71) thì ít gặp hơn.

Dù gây ra bởi loại vi rút nào thì biểu hiện lâm sàng của bệnh tay chân miệng đều giống nhau. Tuy nhiên, bệnh nhân nhiễm loại EV71 có nhiều khả năng dẫn đến các biến chứng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong như biến chứng viêm màng não do vi rút, biến chứng viêm não hoặc tổn thương cơ tim.

Thống kê của Cục Y tế dự phòng cho biết, số trường hợp tử vong vì bệnh tay chân miệng chủ yếu là do enterovirus 71 gây ra, tử vong phổ biến nhất là nhóm trẻ dưới 3 tuổi (chiếm 75% - 86% trong tổng số các trường hợp tử vong vì bệnh tay chân miệng ở trẻ em).

Cách phòng tránh bệnh tay chân miệng

Hiện tại vẫn chưa có vaccine phòng bệnh chân tay miệng. Trong vùng dịch, biện pháp hữu hiệu nhất để khống chế dịch là phòng lây lan bệnh sang người lành.

Cần hạn chế tiếp xúc với trẻ bị bệnh nếu không thực sự cần thiết và rửa tay kỹ với xà phòng.Bổ sung vitamin tăng cường sức đề kháng cho trẻ trong mùa dịch.

Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Quản lý phân: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.

Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới sáu tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

Cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng

Trẻ xác định đã mắc bệnh tay chân miệng phải được nghỉ học (ít nhất 10 ngày kể từ ngày khởi phát) để ngăn chặn sự lây nhiễm cho trẻ khác trong môi trường học đường.

Nếu gia đình có nhiều trẻ cùng chung sống, nên cách ly tuyệt đối giữa trẻ lành và trẻ bệnh, cần giám sát chặt chẽ các hoạt động của trẻ bệnh trong sinh hoạt thường nhật.

Người lớn khi tiếp xúc và chăm sóc trẻ bệnh nên mang khẩu trang y tế cho mình và cho cả trẻ bệnh.

Sau khi tiếp xúc nên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch ngay để hạn chế sự lây lan.

Tránh làm vỡ các bọng nước trên da của trẻ.

Hiện tại bệnh tay chân miệng chưa có thuốc đặc trị, điều trị cơ bản chủ yếu là điều trị triệu chứng vì vậy các phụ huynh cần tuân thủ theo các hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ điều trị để giảm đau, giảm ngứa, hạ sốt cho trẻ.

Cần bổ sung nguồn nước uống, bổ sung vitamin cho trẻ nhất là từ nước ép trái cây.

Phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế đảm trách việc điều trị bệnh nếu thấy trẻ có một trong những biểu hiện sau:

Trẻ sốt cao liên tục 39độ C không hạ sau khi đã hạ sốt tích cực; giật mình chới với, hốt hoảng, thất thần, run chi (thấy rõ khi đưa đồ chơi cho trẻ cầm), trẻ đi đứng loạng choạng; trẻ đảo mắt bất thường, nôn nhiều, quấy khóc, co giật, thở mệt.

Thu Giang