Bộ trưởng Y tế mong hạn chế tai nạn giao thông, đảm bảo sức khỏe người dân

24/05/2019 06:15
Đỗ Thơm
(GDVN) - Ngày 23/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - đoàn Quảng Bình chia sẻ, cả nước hiện đang nóng lên vì lái xe uống rượu, bia gây tai nạn, tổn hại sức khỏe, tính mạng của người dân.

Vì thế kỳ họp thứ 7 của Quốc hội thông qua dự thảo Luật sẽ được người dân đồng tình ủng hộ.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu, để nâng cao hiệu lực hiệu quả của luật, làm chuyển biến nhận thức của người dân là điều hết sức quan trọng.

Về tên gọi của dự thảo Luật, đại biểu tỉnh Quảng Bình nhận định sự tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là thuyết phục, đề nghị Quốc hội thống nhất giữ nguyên tên gọi hiện nay.

Góp ý vào vấn đề cụ thể, đại biểu đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lưu ý tác hại rượu bia là nội dung cực kỳ quan trọng nhưng dự thảo Luật giải thích đơn giản.

Do đó, đại biểu  đề nghị cần làm rõ, nhấn sâu theo hướng rượu bia “gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, kinh tế xã hội, một trong những nguy cơ hàng đầu gây tàn tật, tử vong của người Việt Nam; là nguyên nhân liên quan đến nạn rối loạn tâm thần, người lái xe tai nạn giao thông, gây tổn thương cả tinh thần và tính mạng, cuộc sống của bản thân và người khác, làm cho bản thân dính vào vòng lao lý…”

Về biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu bia, đại biểu kiến nghị cần bổ sung quy định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với  rượu bia.

“Giá rượu đắt chắc chắn người dân sẽ giảm uống, tác hại ít nhưng thu nhập doanh nghiệp, ngân sách nhà nước không giảm khi Luật ban hành”, đại biểu nêu.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, trường hợp người uống rượu, bia gây tai nạn và hậu nghiêm trọng nhưng qua điều tra phát hiện nguyên nhân do bị ép uống hoặc chất lượng rượu bia gây ảnh hưởng thì tùy theo mức độ sai phạm để xử lý xử phạt và truy cứu trách nhiệm.

Đóng góp ý kiến về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Ksor H’Bơ Khap – đoàn Gia Lai đặt câu hỏi, cấm quảng cáo rượu bia từ 15 độ trở lên, vậy dưới 15 độ thì sao?.

Theo đại biểu, tác hại của rượu bia với mỗi người phụ thuộc vào thể trạng của từng cá nhân, kể cả khi đo nồng độ cồn, cùng với lượng cồn đó nhưng không phải đưa lên máy đo có kết quả như nhau.

Đại biểu cho rằng, nên điều chỉnh lại quy định tính nồng độ cồn. Vì có người chỉ 1 ly thôi cũng tắc thở rồi, nhưng có người uống 1 lít vẫn bình thường. Và một đứa trẻ uống một ly vào có thể không sao, nhưng một người trưởng thành uống vào là có thể say.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo luật đã phát biểu tiếp thu ý kiến.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp thu các ý kiến của đại biểu. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp thu các ý kiến của đại biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết Ban soạn thảo và cơ quan thẩm định đã tiếp thu gần như toàn bộ ý kiến các đại biểu tại các phiên họp trước và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp 33 vừa qua để bổ sung, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội lần này.

Theo đó, Ban soạn thảo đã tiếp thu trên bình diện bảo vệ không chỉ sức khỏe của nhân dân, kiềm chế tai nạn giao thông, bạo lực xã hội, gia đình do bia rượu gây ra mà  còn bảo đảm sự phát triển của ngành công nghiệp  rượu bia và sản xuất rượu thủ công có lộ trình thích ứng; đồng thời có giải pháp xử lý hành chính nghiêm khắc hơn các hành vi lạm dụng rượu bia, bảo đảm tính đồng bộ thống nhất giữa các luật.

“Chưa bao giờ luật cần ban hành như vào thời điểm này nhằm đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri về phòng chống tác hại rượu, bia.

Trước mắt nhằm hạn chế tai nạn giao thông, bạo lực xã hội gia đình và lâu dài là bảo đảm sức khỏe người dân”, Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh về tính cần thiết và bức thiết ban hành Luật.

Đỗ Thơm