Bé gái 8 tuổi co giật vì xem phim kinh dị

28/03/2013 11:51
Theo Vnexpress
Đang nằm chơi, bé Nhung 8 tuổi bỗng ngồi bật dậy, hai tay gồng lên, la hét. Trong đầu cô bé luôn văng vẳng tiếng súng bắn, rồi cảnh máu chảy, người chết...
Sau hơn 10 ngày điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hiện cô bé ở Nho Quan (Ninh Bình) này đã ổn định, hoạt bát bình thường.
Theo lời kể của gia đình, một tháng trước, bé có kể với mẹ là thấy trống ngực đập thình thịch, tim đập nhanh, người mệt mỏi. Nhưng lúc đấy cả gia đình không ai nghĩ có gì bất thường, có thể do trẻ nô nghịch quá nên cũng không để ý. Tuy nhiên, một lần khi đang xem phim, bé tự dưng nôn khan dữ dội. Sau đó, trẻ liên tục kêu đau đầu, kèm theo biểu hiện trống ngực đập thình thịch. Bố mẹ đã đưa trẻ đến khám tại bệnh viện huyện nhưng không tìm ra nguyên nhân. Vì thế, trẻ được chuyển lên cấp cứu tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai.
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết: "Chúng tôi đã làm tất cả các xét nghiệm nhưng các chỉ số lúc thì bình thường, lúc lại rối loạn. Tim đập lúc nhanh, lúc chậm, rất loạn nhịp. Bé thường nôn và nôn dữ dội nhưng các xét nghiệm về tiêu hóa cũng bình thường. Kết quả điện tâm đồ cũng tương tự, lúc loạn lúc không”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Bác sĩ Nguyễn Hồng Phong, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, người điều trị cho Nhung cũng cho biết, những lần lên cơn co giật của trẻ cũng rất khác. Nếu là co giật do bệnh lý động kinh hay sốt cao thì bệnh nhi phải co giật toàn thân, mất ý thức. Nhưng trường hợp này thì ngược lại, trẻ chỉ có cơn co ở tay hoặc chân.
"Thậm chí có lần thấy trẻ nằm cùng bên bị sốt cao, lên cơn co giật, bé Nhung đang bình thường, tỉnh táo, không sốt cũng lên cơn, giật miệng, méo miệng, cắn lưỡi. Rất may được bác sĩ cấp cứu kịp hthời nên không để lại hậu quả gì đáng tiếc", bác sĩ Phong nói.
Khoa đã mời các chuyên gia về thần kinh, ngộ độc, tiêu hoá đến hội chẩn. Theo đó, rất có thể trẻ bị rối loạn tâm thần do một tác động nào đó.
Sau vài ngày trò chuyện, Nhung mới kể với bác sĩ: "Con xem phim kinh dị trên ti vi, con thấy sợ lắm, máu chảy rất nhiều. Con thấy trong đầu luôn có tiếng súng bắn, rồi con thấy tim mình đập nhanh, rất sợ". Bác sĩ đã phải kê thuốc an thần để trẻ ngủ vì cứ thức thì tất cả các hoạt động trên phim lại hiện ra trong đầu.
Theo gia đình thì mẹ Nhung mới sinh em được 5 tháng, bố mải làm nên không ai kiểm soát thời gian xem tivi của con. Cứ học xong bài là bé lại xem tivi, bất kể là phim kinh dị hay hành động. Đây là nguyên nhân dẫn đến những cách hành xử bất thường ở trẻ, phó giáo sư Dũng cho biết.
Theo tiến sĩ Lã Thị Bưởi, Trưởng phòng khám Tuna, việc xem những bộ phim không phù hợp với lứa tuổi có thể sẽ khiến trẻ mắc bệnh rối loạn ám ảnh sợ hãi nếu gặp những hình ảnh kỳ lạ mà bé không hiểu. Sợ hãi là một dấu hiệu hoàn toàn bình thường ở trẻ nhỏ vì sự nhận thức chưa đầy đủ, sau một thời gian sẽ mất đi, nhưng với một số bé nó lại trở thành nỗi ám ảnh. Cảm giác sợ hãi khiến trẻ khó thở, chóng mặt, tim đập nhanh, đau bụng, đau đầu, buồn nôn, toát mồ hôi... Về mặt tâm lý, trẻ sẽ có cảm giác không an toàn, khóc lóc buồn rầu, căng thẳng cáu kỉnh, hay gặp ác mộng...
Trẻ sợ hãi vì chưa nhận thức hết được vấn đề, chưa hiểu. Vì thế để giúp trẻ vượt qua nỗi sợ hãi cần rất nhiều thời gian, thậm chí vài tháng để bé hiểu rằng không có gì phải sợ, cần tập cho trẻ quen dần với hoàn cảnh. Khi trẻ đã cảm thấy an toàn, sẽ không cảm thấy sợ hãi.
Phó giáo sư Dũng cũng khuyến cáo, không chỉ với tivi, cha mẹ không nên cho trẻ tiếp xúc quá sớm với đồ công nghệ như máy tính, ipad... Cơ bàn tay của trẻ phát triển theo tuổi, tập dần quen với việc cầm nắm, từ vật nhỏ đến vật lớn. Việc sử dụng con chuột, các động tác ấn, di trên màn hình rất đơn điệu do đó làm giảm vận động cơ của trẻ. Chính vì thế nhiều trẻ viết chữ rất xấu do tiếp xúc với máy tính quá sớm. Hơn nữa hầu hết trẻ ngồi chơi các trò chơi không ngồi thẳng, đúng tư thế mà vặn vẹo đủ các kiểu, lúc vẹo sang trái, lúc vặn sang phải nên nguy cơ về cong vẹo cột sống, bị các bệnh tật khúc xạ là rất lớn.
"Nếu cho trẻ tiếp xúc quá sớm với thế giới ảo hay trò công nghệ, thay vì động tác thật thì trẻ lại làm động tác giả. Việc này cực kỳ nguy hiểm. Trẻ dễ lầm tưởng thế giới ảo với cuộc sống thật, ảnh hưởng đến việc đưa ra quyết định hoặc suy nghĩ của mình", phó giáo sư Dũng chia sẻ.
Theo Vnexpress