Bánh trung thu "rẻ như bèo" không nguồn gốc, chất lượng ai quản lý?

15/09/2020 09:20
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cục An toàn thực phẩm đã đưa ra khuyến cáo: Người tiêu dùng nên lựa chọn mua những sản phẩm bánh trung thu có nguồn gốc địa chỉ rõ ràng, có tên của nhà sản xuất.

Thị trường loại bánh trung thu các loại và có nhân trứng muối tan chảy hiện nay ở Hà Nội khá nhộn nhịp, giá thành siêu rẻ và người mua cần mua bao nhiêu cũng có.

Trước thực trạng như vậy và nguồn gốc cũng như chất lượng loại bánh này ra sao? Khi tìm hiểu trên thị trường và các đầu mối bán buôn thì được biết loại bánh này có nguồn gốc nhập lậu từ Trung Quốc.

Hiện tại, thị trường bánh trung thu đang ngày một sôi động với đa dạng chủng loại từ bình dân đến cao cấp, nội địa đến nhập khẩu. Ngoài việc có nhiều thành phần, nguyên liệu mới, lạ, mức giá ở nhiều nơi còn chênh lệch lớn.

Trong khi những chiếc bánh mang thương hiệu Việt có chất lượng đảm bảo, được kiểm định chất lượng bởi các cơ quan cấp phép, có giá bán dao động từ 40.000 - 135.000 đồng/chiếc thì có nhiều bánh trung thu không rõ nguồn gốc chỉ có giá 3.000 – 5.000 đồng/chiếc.

Những chiếc bánh này giá bán qua mạng internet vào khoảng 2.000 đồng/1 chiếc. Ảnh: TD.

Những chiếc bánh này giá bán qua mạng internet vào khoảng 2.000 đồng/1 chiếc. Ảnh: TD.

Trên các trang mạng và các chợ đầu mối cũng đang có rất nhiều người rao bán những chiếc bánh trung thu mini với lời quảng cáo hấp dẫn như hàng đảm bảo thơm ngon, hạn sử dụng tới 6 tháng, khách hàng có thể yên tâm về việc bảo quản trong mùa trung thu...

Một tài khoản trên trạng mạng xã hội facebook đăng bán bánh trung thu loại này cho biết, đây là hàng nội địa Trung Quốc, mỗi chiếc bánh có trọng lượng từ 25 - 28g, có nhiều mùi vị, đảm bảo ăn ngon và không bị ngán như bánh sản xuất trong nước.

Người bán cũng đặc biệt cam đoan về nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên khi được hỏi về hóa đơn mua hàng hay chứng từ nhập khẩu thì tài khoản này lại không đưa ra được.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, anh Phú -Chủ hiệu bánh trung thu cổ truyền ông Ba Thể ở 594 phố Thụy Khuê, Hà Nội cho biết: “Không thể có những chiếc bánh trung thu đảm bảo chất lượng mà giá chỉ từ 3.000 - 5.000 đồng 1 chiếc, bởi muốn chất lượng đảm bảo thì phải dùng nguyên liệu tốt và cũng khá đắt.

Hơn nữa, việc để bánh trung thu trong thời gian quá lâu, nguyên liệu tồn tại nhiều chất bảo quản sẽ gây hại cho người sử dụng. Vậy nên để có những chiếc bánh ngon đảm bảo chất lượng thì bánh nướng cũng chỉ bảo quản được 1 tuần còn bánh dẻo thì 3 hôm.

Còn nếu bánh rẻ lại để lâu ngoài nhiệt độ môi trường bình thường thì chắc chắn là dùng chất bảo quản, và nhất là bánh không rõ nguồn gốc thì chắc chắn sẽ không có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng".

Các loại bánh giá rẻ thâm nhập vào thị trường Việt Nam ra sao?

Rất nhiều bánh trung thu nhập lậu vào Việt Nam thời gian gần đây đều bị các cơ quan chức năng bắt giữ.

Theo ông Nguyễn Huy Thưởng - Đội Quản lý thị trường số 13, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho biết là đường đi của các loại hàng hóa không rõ xuất xứ nguồn gốc thì thường được thẩm lậu qua các đường tiểu ngạch biên giới.

Sau đó được các chủ nhỏ thu gom chuyển sâu vào nội địa rồi phân phối bằng các kênh bán hàng nhỏ lẻ, bán Online…hoặc chuyển tiếp đi các tỉnh.

Ông Nguyễn Ngọc Hà - Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho biết với những sản phẩm bánh trung thu giá rẻ và không rõ nguồn gốc như vậy, được đưa lậu vào Việt Nam qua đường khuân vác thì đều là hàng kém chất lượng, chính vì thế cho nên các chủ hàng không thể mở tài khoản để khai báo Hải quan được.

Và cũng chính vì hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc, không đạt chất lượng nên không thể khai báo được nên các loại hàng này đều phải đi lậu theo đường biên giới, đường không chính thống.

Về quy định An toàn vệ sinh thực phẩm thì tất cả các loại bánh trung thu được lưu thông tại thị trường Việt Nam thì đều phải có công bố chất lượng. Mỗi loại sản phẩm hay hàng hóa đều phải theo tiêu chuẩn chất lượng đã được các cơ quan chức năng quy định.

Nhưng đối với các loại hàng hóa nhập lậu từ Trung Quốc như bánh trứng muối tan chảy này thì không rõ xuất xứ và chất lượng vì đây đều là hàng nhập lậu.

Rất nhiều bánh trung thu nhập lậu vào Việt Nam thời gian gần đây đều bị các cơ quan chức năng bắt giữ. Ảnh: TD.

Rất nhiều bánh trung thu nhập lậu vào Việt Nam thời gian gần đây đều bị các cơ quan chức năng bắt giữ. Ảnh: TD.

Liên tiếp phát hiện hàng nghìn bánh Trung thu không rõ nguồn gốc

Cuối tháng 8 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 17 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội 3, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an Thành phố Hà Nội kiểm tra điểm tập kết hàng hóa tại địa chỉ số 27 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy

Điểm tập kết kinh doanh này do ông Nguyễn Hữu Bách (sinh năm 1995, trú tại Bến Tắm, Chí Linh, Hải Dương) làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện Nguyễn Hữu Bách đang kinh doanh bánh Trung thu, bánh chuối, bánh pho mai... do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, tổng số lượng kiểm đếm ban đầu hơn 8.000 sản phẩm bánh các loại.

Quá trình làm việc, Nguyễn Hữu Bách khai nhận, số hàng hóa trên được thu gom, mua trôi nổi trên thị trường tại khu vực cửa khẩu phía Bắc, sau đó tập kết tại địa chỉ nêu trên để bán cho các mối buôn tại Hà Nội và các tỉnh kiếm lời.

Tiếp tục kiểm tra tại một điểm tập kết hàng hóa ở khu liền kề phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội do ông Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1983, trú tại quận Hà Đông) làm chủ, lực lượng chức năng thu giữ khoảng 5.000 sản phẩm bánh Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ.

Hiện Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên để tiến hành xác minh làm rõ và xử lý theo quy định.

Nguyên liệu làm bánh trung thu nhập lậu từ Trung Quốc

Ngoài bánh trung thu thành phẩm nhập lậu, nhân làm bánh Trung thu, chân gà, trứng vịt Trung Quốc chưa được kiểm dịch ồ ạt nhập lậu vào Việt Nam qua biên giới Lạng Sơn.

Công an Lạng Sơn cho biết, vừa phát hiện một số cá nhân vận chuyển hàng hóa nhập lậu từ khu vực đường mòn biên giới về tập kết tại bãi đất trống địa phận thôn Kéo Kham (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc).

Khi phát hiện lực lượng chống buôn lậu, người khuân vác lợi dụng đêm tối, địa hình hiểm trở đã vứt lại hàng và bỏ chạy. Tổ công tác đã thu giữ 3 bao tải, bên trong là 12 thùng giấy chứa 250 kg nguyên liệu đã thành phẩm dùng để làm bánh trung thu, nguyên liệu có màu nâu và nhập lậu từ Trung Quốc.

Theo báo cáo của tỉnh Lạng Sơn, cận thời điểm rằm Trung thu, lượng thực phẩm bẩn từ Trung Quốc có chiều hướng gia tăng. Trong những ngày qua, lực lượng chức năng đã chặn bắt nhiều vụ vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu qua các đường mòn biên giới.

Cụ thể, Trạm kiểm soát liên ngành Dốc Quýt (huyện Cao Lộc) bắt 3 vụ chở 90 kg nhân bánh trung thu, 12 can nhựa chứa dầu nguyên liệu dùng làm bánh không qua kiểm định, có xuất xứ ngoài Việt Nam cùng 940 quả trứng vịt, 37,5 kg chân gà, cánh, đùi gà đã chế biến...

Số thực phẩm này đã được các chủ đầu nậu thuê người vận chuyển vào đêm khuya trên những cung đường xương cá, đường mòn thẩm lậu vào Lạng Sơn, sau đó mang về Hà Nội và các tỉnh miền xuôi tiêu thụ.

Chính vì hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc, không đạt chất lượng nên không thể khai báo được nên các loại hàng này đều phải đi lậu theo đường biên giới, đường không chính thống. Ảnh: TD.

Chính vì hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc, không đạt chất lượng nên không thể khai báo được nên các loại hàng này đều phải đi lậu theo đường biên giới, đường không chính thống. Ảnh: TD.

Chất lượng bánh có đảm bảo?

Theo tiến sĩ Phan Thế Đồng - Bộ môn Công nghệ thực phẩm và Dinh dưỡng Trường đại học Hoa Sen: Bánh trung thu nói riêng, bánh kẹo nhập lậu nói chung thường không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe cho người sử dụng.

Nhà sản xuất có thể dùng phẩm màu, đường hóa học, chất bảo quản không được phép sử dụng… để có được giá thành rẻ, kéo dài thời gian sử dụng.

Hơn nữa, nếu trên sản phẩm không công khai về thành phần sử dụng, sẽ rất nguy hiểm cho những người có cơ địa dị ứng, nhất là trẻ nhỏ. Chẳng hạn, nếu trong sản phẩm có dùng chất tạo màu là Brilliant blue hay allura red, có thể gây dị ứng, hen suyễn, viêm mũi…

Đã có không ít trường hợp trẻ ăn bánh kẹo bị dị ứng, ngộ độc nhưng cha mẹ lại không rõ nguyên nhân từ đâu. Do đó, người tiêu dùng cần cân nhắc khi lựa chọn các loại bánh giá rẻ này.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra khuyến cáo: Người tiêu dùng nên lựa chọn mua sản phẩm bánh trung thu có nguồn gốc rõ ràng, có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản...

Đặc biệt, người tiêu dùng nên lựa chọn các nhà sản xuất đáp ứng được các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm và được cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Lưu ý nên mua ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm, có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, công trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.

Tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.

Tùng Dương